Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành lần đầu về nước làm liveshow

(HNMO) - Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành sẽ về Việt Nam thực hiện liveshow tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đầu tháng 3. Đây là liveshow đầu tiên của một nghệ sĩ đàn bầu nằm trong chuỗi chương trình “Vàng son một thuở”.
 
Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành.

Không phải là nhạc sĩ sáng tác cũng không phải là ca sĩ, việc nghệ sĩ Phạm Đức Thành được BTC chương trình “Vàng son một thuở” mời về nước thực hiện hẳn một liveshow riêng với mức vé khá cao khiến không ít người ngỡ ngàng. Đơn vị tổ chức lý giải, giữa “cơn bão” nghệ thuật chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, “Độc huyền cầm” mang nét độc đáo riêng biệt, đáng để quan tâm.

Ca sĩ Nguyễn Ngọc Châm, chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” chia sẻ: “Năm 2017, chương trình đã  thực hiện các đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi. Năm nay, chúng tôi muốn mở đầu bằng sự kiện đặc biệt là đưa những người nghệ sĩ đứng ở hậu trường, những người có đóng góp lớn trong nghệ thuật bước ra ánh đèn sân khấu và tiếp xúc trực tiếp với khán giả”.

Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành để lại dấu ấn trên nhiều sân khấu ở nước ngoài với mái tóc dài, áo dài truyền thống. Ông nổi tiếng trong cộng đồng nghệ sĩ Việt tại nước ngoài không thua kém gì những ca sĩ. Chính vì vậy, lượng khán giả hâm mộ ông khá nhiều. Nhiều nhạc phẩm mà ông biểu diễn được đưa lên mạng xã hội có hàng triệu người xem. Trang web dạy học và gìn giữ tiếng đàn bầu của ông rất nổi tiếng trong giới nhạc cụ dân tộc.

Tuy vậy, với liveshow lớn lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, nghệ sĩ Phạm Đức Thành không giấu được vẻ lo lắng: “Cái lo của tôi là chọn bài sao cho mang được tính điển hình, tính đa dạng và độc đáo để khán giả cảm thụ trong suốt chương trình mà không chán”.
 
Các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc "Độc huyền cầm".

Ông tâm sự thêm: “Tôi yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam, tôi yêu đàn bầu - cây đàn mang bản sắc văn hoá riêng biệt của người Việt. Tôi gọi đàn bầu là “công chúa” của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Những cung bậc âm thanh của tiếng đàn bầu gợi cảm xúc cho người nghe về miền xa thẳm, tiếng đàn nỉ non gợi nhớ quê hương đất nước của những người con xa xứ, nhắc ta nhớ công cha nghĩa mẹ sinh thành, hoài niệm về năm tháng tuổi thơ... Khi tôi đi biểu diễn ở Mỹ hay khắp nơi trên thế giới đều nhận được sự yêu mến đặc biệt với cây đàn bầu. Thế nên, tôi luôn mơ có được đêm nhạc tôn vinh cây đàn trên chính quê hương mình. Tôi tin liveshow này sẽ khiến cho khán giả thêm yêu đàn bầu”.

Đêm nhạc “Độc huyền cầm” có sự hội ngộ của những giọng ca thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau như: Quang Lê, Trọng Tấn, Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Bảo Khánh, Lê Trinh, Hoàng Ngọc Sơn, Phương Linh… Đặc biệt, Quang Lê và Trọng Tấn sẽ lần đầu tiên có màn kết hợp trong ca khúc “Việt Nam quê hương tôi”. Sự kết hợp tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Phạm Đức Thành cùng các nhạc cụ hiện đại, đặc biệt là với tiếng kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn sẽ là một trong những điểm nhấn thú vị của đêm nhạc.
 
Nghệ sĩ Phạm Đức Thành sinh năm 1956 tại tỉnh Ninh Bình, trong gia đình hầu hết các thành viên đều theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật dân tộc. Tài năng âm nhạc đã thể hiện từ khi 4 tuổi đã biết chơi trống chèo, 5 tuổi đàn Mandolin, 6 tuổi biết đàn bầu, đàn nhị... 

Năm 1974, nhạc sĩ Đức Thành được mời vào nhà hát chèo Việt Nam làm việc và trở thành nhạc công chính thức về đàn bầu. Năm 1978, ông là nghệ sĩ đàn bầu sân khấu chèo duy nhất để tham dự Nhạc hội đàn bầu toàn quốc sau đó vào Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) học thêm về âm nhạc cổ truyền miền Trung và miền Nam. 

Tháng 10-1983, ông tốt nghiệp thủ khoa đại học ngành Nghiên cứu Âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Sau đó, ông cùng gia đình định cư tại Canada từ năm 1996. Năm 2006, ông được Đài truyền hình ART (Canada) bình chọn là nghệ sĩ nổi tiếng, có công đóng góp, truyền bá, gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống của Việt Nam trong nền âm nhạc dân gian của thế giới. Ông đã từng biểu diễn cùng nghệ sĩ tỳ bà nổi tiếng Trung Quốc, Liu Fang và giáo sư Trần Văn Khê; tham gia biểu diễn ở nhiều festival âm nhạc dân tộc quốc tế…. 
 
Hoàng Lân

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương