'Dạ cổ hoài lang' được dịch sang tiếng Anh, Hoa, Pháp

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cùng các cộng sự chuyển ngữ bản vọng cổ kinh điển với mong muốn quảng bá tác phẩm ra thế giới.

Tác giả Vũ Đức Sao Biển vừa công bố ba bản dịch tiếng Anh, Hoa, Pháp của bản Dạ cổ hoài lang (Tạm dịch: Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng, cố soạn giả Cao Văn Lầu). Các bản dịch được hoàn thành vào năm 2012, song vì một số lý do, đến nay mới được công bố. 
Dạ cổ hoài lang được dịch sang tiếng Anh, Hoa, Pháp
Bản dịch tiếng Anh "Dạ cổ hoài lang" của tác giả Tôn Nữ Tố Loan.
Theo Vũ Đức Sao Biển, Dạ cổ hoài lang là tác phẩm có giá trị văn hóa lớn của đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung. Ông cho rằng các nghệ sĩ xưa đã có công phát triển Dạ cổ hoài lang từ nhịp hai sang nhịp bốn, nhịp tám, nhịp 16, nhịp 32. Do đó, ông và các cộng sự muốn làm một điều mới mẻ cho nhạc phẩm kinh điển bằng cách dịch bản nhạc sang ngoại ngữ để quảng bá giá trị nội hàm của tác phẩm. "Mục đích của chúng tôi là thu hút các nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế chú ý đến văn hóa nghệ thuật của Việt Nam", ông chia sẻ.
* Hương Lan hát "Dạ cổ hoài lang"
Hương Lan hát "Dạ cổ hoài lang"
 
 
Nhạc sĩ kể quá trình dịch tác phẩm không mấy khó khăn do các cộng sự của ông là những nhà báo có nhiều kinh nghiệm về biên dịch cũng như có tình yêu lớn với âm nhạc dân tộc. Trước Tết, ông Vương Phương Nam - phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu - đến TP HCM thăm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Khi nghe nhạc sĩ kể về tâm huyết đối với dự án dịch Dạ cổ hoài lang sang tiếng nước ngoài, đại diện tỉnh cho biết sau Tết Nguyên Đán sẽ lên kế hoạch giới thiệu các bản dịch tại nhà lưu niệm cố soạn giả Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Năm 1999, theo lời mời của chính quyền tỉnh Bạc Liêu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ký âm lại bản cổ nhạc Dạ cổ hoài lang. Từ các chữ đờn trong thanh nhạc cổ như hò, xự, xang, xê, cống, liu, ú, ông phục hiện tác phẩm trên nền thanh nhạc Tây phương với các nốt Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si, mong muốn tác phẩm sẽ dễ quảng bá hoặc truyền dạy. Sau đó, nhiều nhạc sĩ sử dụng bản ký âm này để hòa âm, các ca sĩ như Hương Lan, Hạnh Nguyên... cũng thu âm dựa trên phiên bản mới này. 
Dạ cổ hoài lang là ca khúc cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc đêm về. Từ bản ban đầu mỗi câu hai nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên bốn nhịp rồi tám nhịp mà thành bài vọng cổ đầu tiên. Đến nay thời điểm ra đời của bản nhạc vẫn chưa được xác định rõ. Ca khúc được cho là ra đời vào năm 1918. Nhạc phẩm được nhiều thế hệ nghệ sĩ thu âm, truyền cảm hứng cho tác phẩm kịch, điện ảnh cùng tên. Năm 2004, vở Dạ cổ hoài lang được dựng tại sân khấu Idecaf (TP HCM) dựa trên kịch bản của nghệ sĩ Thanh Hoàng, do các nghệ sĩ Thành Lộc, Việt Anh... tham gia. Vở diễn mau chóng gây tiếng vang lớn. Năm 2017, đạo diễn Quang Dũng làm phim điện ảnh lấy cảm hứng từ vở kịch, do Hoài Linh, Chí Tài đóng chính.
Bản ký âm Dạ cổ hoài lang theo thanh nhạc Tây phương của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sinh năm 1948. Ngoài sáng tác nhạc ông còn viết văn, làm báo. Những ca khúc phổ biến của ông là Thu hát cho người, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam...
Mai Nhật

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương