NS Bo Bo Hoàng: Nàng Cám vai diễn có một không hai trên SK Huỳnh Long

NS Bo Bo Hoàng: Nàng Cám vai diễn có một không hai trên SK Huỳnh Long


Hình ảnh


Sau năm 1975, sân khấu cải lương có sự thay đổi mới mẻ. Trước năm 1975, cải lương tuồng cổ có một vị trí rất khiêm tốn, không thể so với các đại ban như Thanh Minh – Thanh Nga, Thái Dương, Dạ Lý Hương, Kim Chung,... Thì từ năm 1976 trở đi, hai đoàn hát tuồng cổ Minh Tơ, Huỳnh Long đã trở thành hai đơn vị nghệ thuật mạnh thu hút nhiều khán giả đến xem với phong cách nghệ thuật mới, có chiều sâu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sân khấu truyền thống và những cách tân phù hợp với thời đại.

Những nghệ sĩ: Thanh Tòng, Thanh Bạch, Bạch Lê, Hữu Lợi, Bửu Truyện, Thanh Thế, Trường Sơn... trở thành những nghệ sĩ ăn khách, ăn khách, thậm chí, có thời gian cải lương tuồng cổ đông khách hơn những đoàn cải lương khác. Một trong những vở diễn đông khách liên tục trong nhiều năm trên sân khấu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, đó là vở Tẩm Cám của tác giả Huy Trường, đạo diễn Huỳnh Nga. Lạ một điều, vở tấm Cám được khán giả chú ý, không phải từ những nghệ sĩ đóng vai chính diện. Sự hấp dẫn lại xuất phát từ những vai diễn phụ để đời. Cho tới ngày nay, những người đã xem vở Tấm Cám thời ấy, không thể quên được cặp nội giám Thanh Bạch -Đức Lợi với những màn tung hứng cống hiến cho khán giả những trận cười vỡ bụng. Sau này rất nhiều nghệ sĩ thay thế họ vẫn không sao hơn được những quái chiêu mà Thanh Bạch - Đức Lợi đã để lại dấu ấn trên sân khấu Huỳnh Long. Nữ nghệ sĩ Hồng Sáp có vai mẹ nàng Cám thành công nhất trong sự nghiệp ca hát của mình. Nhưng quái nhất chính là vai nàng Cám của Bo Bo Hoàng, một nàng Cám mới lạ, chưa từng có trên sân khấu cải lương dù chuyện Tấm Cám đã có rất nhiều tác giả viết cải lương, đã được thu dĩa, được công diễn trên nhiều sân khấu. Nhiều lớp nghệ sĩ đi trước đã diễn qua vai nàng Cám, nhưng cho tới khi Bo Bo Hoàng diễn nàng Cám đã tạo nên hiệu ứng tích cực.

Một nàng Cám không giống như những nàng Cám mẫu mực truyền thống mà khán giả từng quen biết. Cám của Bo Bo Hoàng khác từ giọng nói, tướng đi, điệu bộ, tính cách, cái ác, cái xấu xa đê tiện của nàng Cám được Bo Bo Hoàng đẩy tới tận cùng bằng một cách thể hiện rất mới. Chị đã sửa giọng nói của mình, cái giọng rè rè, the thé, lúc thì ré lên đinh tai nhức óc, lúc thì kháo nghẹt chẳng ra hơi, gây sự dồn nén khó chịu người nghe. Với vai Cám trên sân khấu, Bo Bo Hoàng đã dẫn người xem vào cuộc phiêu lưu thú vị để rồi sau đó, khán giả bất ngờ, biết rằng đã bị tài năng diễn xuất độc đáo của Bo Bo Hoàng chinh phục những trận cười nghiêng ngửa, những tràng pháo tay như vỡ rạp. Có thể nói, cho tới bây giờ vẫn chưa có ai sáng tạo vai nàng Cám độc đáo như Bo Bo Hoàng. Hai mươi mấy năm, chị mới tiết lộ bí quyết giúp chị diễn vai nàng Cám quái chiêu: ''Tôi rất thích cách diễn náo kịch của sân khấu Broadway, vừa ca vừa múa. Nhờ may mắn coi được một số phim của họ mà tôi học lỏm rồi tìm cách ứng dụng trên sân khấu cải lương. Vai nàng Cám là cơ hội cho tôi thể hiện những gì mình học hỏi, tìm tòi nhưng không phải bê nguyên xi, mà coi của người để tìm ra cách thể hiện cho mình. Cảm hứng từ cái hay của người ta để mình sáng tạo, chứ không bắt chước, sao chép''. ở ngoài đởi, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng rất bình thường, không có gì đặc biệt, gặp chị, không ai nghĩ đó là nghệ sĩ, chị rất giản dị, dễ hòa lẫn trong đám đông. Trái lại, khi bước lên sân khấu, chị thay đổi hoàn toàn, bất cứ vai diễn nào của chị cũng đều để lại một dấu ấn nào đó rất riêng của Bo Bo Hoàng. Sau này, chị diễn rất thành công nhiều vai mụ độc lẳng trong nhiều vở cải lương khác nhau, những đoàn cải lương Sông Hương (Huế), Cửu Long 2, Sông Bé 2, Trần Hữu Trang 1... Nơi nào, chị cũng để lại những tình cảm tốt đẹp, những vai diễn khó có người thay thế. Dường như tất cả duyên dáng, tài năng của chị chỉ rực rỡ khi chị bước ra sân khấu biểu diễn. Mới đây, khi tái dựng lại vở Phụng Nghi Đình trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang, chị đã thể hiện vai Đổng Trác rất độc đáo, bản lĩnh nghề nghiệp, duyên dáng tự nhiên hòa quyện vào nhau tạo thành một phong cách Bo Bo Hoàng rất riêng.

TÁC GIẢ VÀ VỞ DIỄN CỦA NHIỀU VỞ TUỒNG ĂN KHÁCH

Với số vốn nghề nghiệp gia truyền, lại ham học hỏi, tìm tòi, chị bắt đầu cầm viết sáng tác kịch bản cải lương từ năm 1987. Nổi tiếng nhất là vở Tình yêu và nước mắt, đây là vở chị phóng tác theo tiểu thuyết Mùa tôm của Ấn Độ, là vở ăn khách rất được nhiều đoàn biểu diễn, những nghệ sĩ: Vũ Linh, Châu Thanh, Linh Tâm, Cẩm Thu...đã từng rất thành công trong vở diễn này qua bàn tay đạo diễn của chị. Bo Bo Hoàng còn có những vở Nữ chúa Rắn - phò mã Cùi, Long Vương kén rể, Nữ thần đèn, Nữ tỷ phú, Duyên nợ với nghề, Xuân Hạ Thu Đông... được dàn dựng ở nhiều sân khấu, trên truyền hình, video. Ngoài ra, chị cũng làm đạo diễn rất nhiều vở diễn trên truyền hình, trên các sân khấu tỉnh. Chị đã từng dựng rất thành công. Vở Bóng hồng sa mạc, một vở hát nổi tiếng trên sân khấu đoàn 1 Nhà hát CL Trần Hữu Trang. Đặc biệt, những vở mang màu sắc Ba Tư, ẤN Độ... các nghệ sĩ rất thích cách dàn dựng của chị, từng điệu múa, từng giai điệu âm nhạc được chị hướng dẫn tường tận. Chị rất mát tay trong sáng tác và dàn dựng. Những vở diễn do chị thực hiện, dù ở vai trò tác giả hay đạo diễn, chị đều có những thành công nhất định, tạo niềm tin cho các đoàn, những nơi mời chị cộng tác Sự cống hiến của Bo Bo Hoàng trên sân khấu cải lương rất âm thầm, lặng lẽ, không khoa trương, ồn ào, nhưng rất hiệu quả . Những gì chị đã để lại cho sân khấu cải lương rất đáng trân trọng, thể hiện đẳng cấp tài năng của một nghệ sĩ lớn, rất giản dị, bình thường. Bởi chị quan niệm được làm nghề là vui rồi. Với chị sân khấu cải lương là mái nhà, là cuộc đời, là sự nghiệp mà chị chỉ có một việc duy nhất, sống trọn đời vì nghiệp Tổ.

(Còn tiếp)

ngocanh (Theo Báo sân khấu)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương