Ba nhạc sĩ nước ngoài mê nhạc cổ Việt Nam

Say mê tìm hiểu âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam, các nhạc sĩ trẻ Bretton Dimick, Alexander M. Cannon (Mỹ), Barley Norton (Anh) đã có mặt tại Việt Nam trong những ngày tháng 8 này. Không chỉ tìm đến các trường dạy nhạc các thành phố, các nhạc sĩ còn lặn lội tầm sư học đạo tại nhà nhạc sư Vĩnh Bảo, đến với nhà hàng Lá Thơm (Phú Nhuận, TPHCM), điểm hội ngộ của các nghệ sĩ cổ nhạc ba miền Nam, Trung, Bắc qua những chương trình ca trù, chầu văn, đờn ca tài tử…

Từ Đại học Michigan (Mỹ) đến Việt Nam, hai nhạc sĩ - nghiên cứu sinh Bretton Dimick và Alexander Cannon cho biết, họ đã dành thời gian đi thực tế và thật thú vị khi khám phá nhiều điều mới lạ về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long…

Hình ảnh

Nhạc sư Vĩnh Bảo (bìa trái) và hai nhạc sĩ Mỹ Bretton Dimick, Alxander M. Cannon.


* Bretton Dimick (ĐH Michigan, Mỹ): Trước đây tôi từng học nhạc dân tộc có nguồn gốc từ Ailen, Xcốtlen ở Mỹ, ở Canada. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành âm nhạc dân tộc ở Đại học New York, tôi bắt đầu làm luận án Tiến sĩ ở Đại học Michigan, nghiên cứu về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam.

Tôi đã viết luận văn thạc sĩ về ca trù sau quá trình nghiên cứu ở Hà Nội. Đó là thời gian tôi tiếp xúc với nhóm Thái Hà, nghe cụ Nguyễn Văn Mùi giảng giải ca trù, được học đàn đáy với anh Nguyễn Văn Khuê và nghe nghệ nhân Thúy Hòa hát ca trù… Mùa hè năm nay tôi thật may mắn khi gặp nhạc sư Vĩnh Bảo ở TPHCM.

Nhạc sư đã giải thích cặn kẽ về đờn ca tài tử ở miền Nam và truyền thụ cho tôi ngón đàn nguyệt. Thành thật mà nói, càng tìm hiểu, tôi càng thú vị với hai thể loại âm nhạc độc đáo đầy bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam…

* Alexander M. Cannon (ĐH Michigan, Mỹ): Tôi đã học nhiều về âm nhạc cổ điển phương Tây. Khi nghiên cứu âm nhạc dân tộc thế giới, thuộc khu vực Đông Nam Á, không biết vì sao tôi lại thích âm nhạc dân tộc Việt Nam, đặc biệt là Nhã nhạc Huế. Hai năm trước, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Đại học Kent State) đến giảng dạy âm nhạc và hướng dẫn nhạc cụ Việt Nam tại Trung tâm nghiên cứu biểu diễn thế giới, thuộc ĐH Michigan đã từng giúp nhóm nghiên cứu sinh chúng tôi thật nhiều điều lý thú, bổ ích về nền văn hóa và âm nhạc Việt Nam.

Đến Việt Nam, tôi đã có dịp tìm hiểu quan họ, chầu văn, đờn ca tài tử, cải lương… Giống như Bretton, tôi được “thọ giáo” với nhạc sư Vĩnh Bảo về cổ nhạc miền Nam. Thật đặc sắc! Tôi vỡ vạc được nhiều điều qua sự am hiểu và giảng giải thấu đáo của ông về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Thế nhưng, một điều cứ làm tôi băn khoăn, thắc mắc: vì sao quá ít người chơi nhạc truyền thống Việt Nam ở các buổi biểu diễn của nhạc viện? Thường thì tôi thấy và nghe họ biểu diễn âm nhạc cổ điển phương Tây hay nhạc Jazz… Vì sao? Sắp tới đây, mặc dù nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam và sẽ giảng dạy âm nhạc Việt Nam trong ngành dân tộc nhạc học ở Đại học Michigan, nhưng để có dịp so sánh, đối chiếu nền âm nhạc dân tộc truyền thống các nước, tôi sẽ nghiên cứu thêm âm nhạc ở đảo Bali, đảo Java (Indonesia) và âm nhạc truyền thống của các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Hình ảnh

TS âm nhạc Barley Norton đang thử đàn nguyệt.


* Tiến sĩ âm nhạc Barley Norton (ĐH London, Anh): tôi từng sang Việt Nam nhiều năm trước đây để nghiên cứu ca trù, chầu văn. Tôi đã làm luận văn thạc sĩ về ca trù và sau đó tiếp tục làm luận án về Chầu văn trong nghi lễ tín ngưỡng thiêng liêng của bối cảnh Việt Nam hiện đại. Sau thời gian làm việc ở London và Paris, hiện nay tôi đã trở lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu đờn ca tài tử Nam bộ.

Tôi cũng về Vĩnh Long tìm nghe chất “đặc sệt”, thô mộc đờn ca tài tử ở nông thôn và vừa trở lại TPHCM đêm 8-8 để có dịp thưởng thức đờn ca tài tử tại quán Lá Thơm. Chương trình khá phong phú, khán giả, du khách nước ngoài đã lắng nghe nghệ sĩ Minh Quân (đàn nguyệt), Bảo Khanh (đàn tranh), Văn Ngọc (đàn guitar phím lõm), Trọng Trí (đàn bầu) biểu diễn các bản Đảo ngũ cung, Tây Thi…; nghe NSƯT Bạch Tuyết ca Nam ai; nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong ca Lưu thủy trường; Ngọc Lê (Huy chương vàng Liên hoan đờn ca tài tử, 2008) ca Ngũ đối hạ, Văn Thiên Tường, Dạ cổ hoài lang… Thật không ngờ ngoài không gian đờn ca tài tử vùng sông nước ở Vĩnh Long, tôi đã bắt gặp một không gian đầy cảm xúc tinh tế của đờn ca tài tử tại TPHCM náo nhiệt…

Đặt lại vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua âm nhạc truyền thống Việt Nam, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trong phần nhận xét đêm nhạc đờn ca tài tử, đã bộc bạch: “Khi ở nước ngoài, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi thật vinh hạnh và xúc động. Hôm nay, trong gian phòng nhỏ, ấm cúng, tôi càng cảm thấy ý vị đậm đà hơn khi trực tiếp quảng bá văn hóa, âm nhạc đặc trưng Việt Nam đến bạn bè, du khách nước ngoài ngay trên đất nước mình. Tạo nên một không gian văn hóa đẹp, dạt dào tình cảm tri âm, tri kỷ - hài hòa tâm tình giữa người đàn, người hát, người nghe… là điều thật cần thiết cho việc bảo tồn và quảng bá nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam mình”.

KIM ỬNG
Sài Gòn Giải Phóng Online

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương