Nhớ về một huyền thoại sân khấu, Thanh Nga

Nhớ về một huyền thoại sân khấu, Thanh Nga 30 năm khuất bóng !
26.11.2008 19:28


Hình ảnh
NS Hữu Phước & Thanh Nga
30 năm trôi qua, thời gian dài đăng đẳng vẫn không bôi xoá được hình bóng của nữ diễn viên tài sắc Thanh Nga trong ký ức của nghệ sĩ cải lương, của khán giả Sàigòn và cả miền Nam trong ba thập niên cuối thế kỷ hai mươi. Các ký giả kịch trường, các nghệ sĩ cải lương và khán giả ái mộ đều xem Thanh Nga là một thần tượng nghệ thuật; những chuyện về cuộc sống, tình yêu và nghệ thuật liên quan đến Thanh Nga đều được xem như là huyền thoại sân khấu; nhan sắc và nghệ thuật ca diễn của Thanh Nga còn lưu lại những nét đẹp trác tuyệt mà các nghệ sĩ đồng thời và các thế hệ sau đều mơ ước được như Thanh Nga.

Phải chăng vì Thanh Nga đang ở trên đỉnh cao của thành tựu nghệ thuật, của sắc đẹp, của sự giàu sang, danh vọng mà cô bất ngờ bị bức hại phải đột ngột rời bỏ cuộc đời một cách quá đau thương tức tửi nên người đời càng thêm thương tiếc cho Thanh Nga, một hồng nhan bạc số?

Còn nhớ đêm 26 tháng 11 năm 1978, sau khi vãn hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga của đoàn hát Thanh Minh ở rạp Cao Đồng Hưng Gia Định, Thanh Nga cùng chồng là anh Phạm Duy Lân và con trai là Hà Linh ( lúc đó còn được gọi là Cúc Cu) về đến nhà ở đường Ngô Tùng Châu Saigon thì bị bọn cướp đến bắt cóc Cúc Cu, Thanh Nga và chồng của cô cương quyết giành giựt lại đứa con và kêu cứu nên bọn cướp bắn chết cả vợ chồng Thanh Nga rồi chúng tẩu thoát. Anh Phạm Duy Lân chết ngay tại chổ xe đậu trước cửa nhà anh, còn Thanh Nga thì được chở đến bệnh viện Saigòn nhưng vì máu ra nhiều quá nên cô trút hơi thở cuối cùng trước khi đến được bệnh viện. Cúc Cu tức bé Phạm Duy Hà Linh, mới lên 6 tuổi đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và đã kinh hoàng chứng kiến cảnh cha mẹ bị bắn chết.

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sanh ngày 31 tháng 7 năm 1942, thân phụ là ông Gilbert Nguyễn Văn Lợi tức ông Hội Đồng Lợi, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thơ., quê ở tỉnh Tây Ninh. Cô Juliette Nga có người anh là Albert Nguyễn Hữu Thìn và người em trai là Michel.
Năm 1945, ông Hội đồng Lợi, thân phụ của cô Juliette Nga bị Việt Minh sát hại. Bà Thơ phải bỏ tỉnh Tây Ninh, dẫn các con về Saigon tìm phương sinh sống và lẫn tránh sự truy sát của Việt Minh.
Năm 1948 bà tái hôn với nghệ sĩ danh ca Năm Nghĩa ( Lư Hoà Nghĩa ) sanh được năm con:
Lư Bảo Quốc, Lư Chí Bình, Lư Ánh Đào, Lư Ánh Mai, Lư Chí Tiên.
Năm 1952, Juliette Nga 10 tuổi, lần đầu tiên được dưỡng phụ nghệ sĩ Năm Nghĩa cho xuất hiện trên sân khấu rạp Nguyễn Văn Hảo, ca vọng cổ ( phụ diễn ngoài màn ) bản Văng vẳng tiếng chuông chùa. Giọng ca của Juliette Nga trầm buồn, bài ca đó không phù hợp với lứa tuổi của Nga nhưng dưỡng phụ của cô đã thấy được là cô có năng khiếu có thể trở thành diễn viên vì lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu, trước một số rất đông khán giả mà cô không thấy khớp, không sợ, cô đã ca thoải mái, ngây thơ và tự tin như cô đang ca cho bạn bè hay người thân trong gia đình nghe.

Từ đó, Juliette Nga được cho học ca cổ nhạc với nhạc sĩ Út Trong, học vũ điệu mara kette, học múa tambourin và học văn hóa ở trường Colette ( trường tiểu học ở Cầu Ông Lãnh). Khi bà Thơ mướn tầng trên của nhà in Phạm Văn Thìn để ở, nhà in đó gần Sở Cảnh sát giao thông ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo và đường Phát Diệm thì Juliette Nga được đỗi về học ở trường Tiểu học Cầu Kho đường Nguyễn Tấn Nghiệm. Thầy giáo Nguyễn Văn Quý được mời dạy kềm Juliette Nga tại nhà. Ông Nguyễn Văn Quý nhờ quen với nghệ sĩ Năm Nghĩa nhân dịp dạy Nga học văn hóa nên ông Quý học sáng tác vọng cổ, về sau trở thành soạn giả Quy Sắc, lừng danh trong làng sáng tác các bài ca vọng cổ thu dĩa và tuồng hát cải lương trên sân khấu.

Năm 1953, Juliette Nga xuất hiện đầu tiên trên sân khấu Thanh Minh, hát tại rạp Thành Xương trong vai Nghi Xuân, tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Hai câu vọng cổ ca trước mồ mẹ ( Cúc Hoa ) của Juliette Nga khiến cho khán giả cảm động, khóc rất nhiều. Dưỡng phụ Năm Nghĩa bèn đổi nghệ danh Juliette Nga thành Thanh Nga và ông bà bầu Thơ và Năm Nghĩa quyết định cho Thanh Nga theo đuổi nghề hát cải lương. Thanh Nga xuất hiện gần như đều đặng hàng đêm trên sân khấu Thanh Minh kể từ đó. Khi thì Thanh Nga chỉ thủ các vai trò khiêm tốn, làm vũ nữ múa quạt, múa khăn, khi thì là tỳ nữ dâng rượu, khi thì vào các vai đào con. Rồi tiến dần theo năm tháng, Thanh Nga trở thành thiếu nữ xinh đẹp., nghệ thuật ca diễn ngày càng được phát triễn theo sự đào luyện của các bậc thầy trong ngành sân khấu như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc… và nhờ khả năng thiên phú cộng với sự nổ lực không ngừng của chính Thanh Nga mà cô bước lên đài danh vọng với thực tài ca diễn và nhan sắc đẹp dịu hiền.

Tôi là soạn giả thường trực cho đoàn hát Thanh Minh từ năm 1954, tôi được biết cô Thanh Nga đã hát qua tuồng của 27 người soạn giả cải lương tài danh của miền Nam thời trước 1975, mỗi soạn giả tìm cách khai thác và bồi đấp cho khả năng ca diễn của Thanh Nga trong tuồng của mình. Sự thành công của Thanh Nga đồng thời cũng là sự thành công của tác phẩm và soạn giả.
Tôi còn giữ được nhiều hình chụp tuồng hát của đoàn Thanh Minh từ năm 1955 đến 1968, trong số những hình ảnh chụp tuồng trên sân khấu Thanh Minh từ năm 1955, có hình của Thanh Nga hát tuồng của các soạn giả Năm Châu, Tư Trang, Duy Lân, Nguyễn Phương, Thiếu Linh, Mộc Linh, Quy Sắc, Kiên Giang, Lê Khanh và nhiều soạn giả khác…
Từ năm 1955 đến năm 1958. Thanh Nga từ 13 tuổi đến 16 tuổi, đã hát các tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, Lửa Hờn, Con Trai Người Ăn Mày, Võ Tắc Thiên của Nguyễn Phương, tuồng Đồ Bàn Di Hận, Đứa Con hai dòng Máu của Lê Khanh, tuồng Tình Tráng Sĩ của Mộc Linh, tuồng Thiên Thần Trên Thiết Mã của Viễn Châu và Ngọc Huyền Lan tức Nguyễn Ang Ca, tuồng Cung Đàn Trên Sông Lạnh của Thu An, tuồng Sắc Đẹp Nàng Vô Tội, của Nguyễn Liêu, tuồng Nhan Sắc Tần Phi của Thiếu Linh, tuồng Núi Liễu Sông Bằng, Áo Gấm Khôi Nguyên, Hồi Trống Vân Lâu, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn của Thiếu Linh và Thành Phát, tuồng Ngưu Lang Chức Nữ, Người Vợ Không Bao Giờ Cưới của Kiên Giang và Quy Sắc.
Nữ nghệ sĩ Thanh Nga, từ lúc chỉ mới 13, 14 tuổi, khi thủ diễn một vai tuồng nào đó, cô đã bộc lộ thiên tư trong khi nói những đài từ trong tuồng hát. Cô biết cách đọc sao cho nghe êm tai, biết nhấn mạnh chữ nào, biết nói lướt qua những chữ nào để cho câu nói rõ ràng hơn, ý nghĩa của câu nói thêm thâm trầm. Và những khi tập tuồng cho cô, dù là tuồng của tôi hay của soạn giả khác, khi Thanh Nga có thắc mắc, bâng khuâng về cách đọc, cách ca câu văn nào đó thì cô cũng hỏi nhạc sĩ Út Trong, hoặc Tám Vân, hoặc Nguyễn Phương, những người cộng tác lâu năm của đoàn hát, cô ngâm lên hay ca lên cho chúng tôi nghe hoặc nhờ chúng tôi đọc lên, ca lên cho cô nghe để cô theo đó mà học.

Thanh Nga nhờ cả anh Út Trà Ôn, cô Út Bạch Lan, cô Thu Ba…các diễn viên đàn anh đàn chị, những người đóng tuồng chung với cô, ca ngâm lên trước, hướng dẫn cho cô ca ngâm, cô học các bạn mà không hề ái ngại hay tự ái. Tôi còn nhớ lúc đó các hãng dĩa thu băng bằng máy thu giây cước chứ chưa dùng loại máy thu bằng băng magnétique, cô được cậu Ba Đức, chủ hãng dĩa Asia cho mượn một máy magnétophone thu băng bằng giây cước. Cô không biết sử dụng máy nên nhờ anh Mười Âm Pli, chuyên viên âm thanh của đoàn thực hiện việc thu âm đoạn văn mà cô học trong tuồng Hồi Trống Vân Lâu của hai tác giả Thành Phát và Thiếu Linh. Cô Thanh Nga nhờ tôi cầm bổn tuồng nhắc để cho cô ca, ngâm thu thanh. Tôi còn nhớ đoạn văn đó như sau:( Có lẽ tôi đã tốn quá nhiều thời gian nhắc cho cô Thanh Nga ca ngâm đoạn nầy nên hôm nay bổng nhiên tôi nhớ lại):

Thùy Phương ( quét lá trước cổng chùa, ca):

Gió vi vu… Gió vi vu thổi thu về đó… Gió cuồn cuộn cuốn lá vàng rơi, … Lá vàng rơi rụng xuống chân tôi, Sông nhè nhẹ đưa lá vàng về đồng nội…

Ca Lý Con Sáo:

Lá lá ơi ! Thu về lá vàng tả tơi,
Đầy đường úa tàn lá rơi.
Bay cuộn trên sân chùa.
Toàn những lá khô vàng
Mà hàng ngày tôi ra tay quét

Quét lá rơi, lá cứ rơi đầy sân
Biết bao giờ cho lá khô hết bay,
Để cho ta rảnh tay vài giây.

Trần Lưu : Ta nhớ năm xưa đã có lần ta ghé qua đây… cũng gặp một người quét lá. Người ấy nói với ta rằng: Tôi là người quét lá, là người đếm thời gian qua cửa ngõ cuộc đời. Rồi người ấy nhìn ta, một đôi mắt mà không bao giờ ta quên được…Nàng ! Đúng rồi! Người ấy đang đứng trước mặt ta!...Phải ! nàng chính là Thùy Phương, hảy cho ta nói lên những lời trong tâm khảm, ta muốn cho nàng dằn bớt xót thương.

Thùy Phương: Có những nỗi buồn không vơi được, những xót thương cứ vương vấn trọn đời… Như gió rền trên mặt sóng chơi vơi, như lá úa rụng về bên ngôi mộ. Như tơ nhện giăng sầu ngoài cửa ngỏ, buồn hiu hiu mưa bụi phất phơ bay. Trần Lưu, chàng từ nơi đâu trở lại nơi này, áo tơ vàng kim điệp, khăn yến vĩ xa hoa?

Trần Lưu : Tôi từ Lam Sơn tới…đã mấy năm rồi phiêu bạc, tôi về đây tìm lại giấc mơ xưa…

Thùy Phương: Giấc mơ xưa bên dòng nước Độ Gia, bài thơ cũ nhẹ gài trên cánh liếp. Riêng tôi ở lại nơi này, với tất cả tấm lòng thê thiết. Giấc mơ tôi tan vở tự buổi ban đầu. Bài thơ của Trần Lưu, xin trả lại vì bài thơ này vô nghĩa….

Thanh Nga đọc những lời thoại diễn tã nỗi buồn vì xa cách người tình, lời cô nói nhẹ như gió thoảng, một nỗi buồn man mác ngay trong hơi thở nhẹ nhàng của Thanh Nga. Cậu Ba Đức chủ hãng dĩa Asia được nghe đoạn thu băng học tuồng của Thanh Nga, ngay khi tuồng hát chưa khai trương, cậu Ba Đức đã ký contrat mua bản quyền thu dĩa tuồng đó với soạn giả Thiếu Linh và độc quyền thu thanh giọng hát của Thanh Nga.

Đến năm 1958, khi Thanh Nga hát vai sơn nữ Phà Ca với Hữu Phước vai Mộng Long trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới của soạn giả Kiên Giang và Quy Sắc, báo chí kịch trường đã không ngớt đăng những bài khen ngợi “ thinh sắc vẹn toàn “ của một ngôi sao sân khấu vừa được phát hiện trên vòm trời nghệ thuật của Saigon, hòn ngọc Viễn đông. Ký giả Trần Tấn Quốc, người ký giả lão thành, bạn tâm tình của hai nghệ sĩ tiền phong Phùng Há và Nguyễn Thành Châu đề xướng thành lập giải thưởng huy chương vàng nghệ sĩ triển vọng lấy tên là Giải Thanh Tâm. ( Thanh Tâm là vợ của nhà báo Trần Tấn Quốc) Và Thanh Nga là nữ nghệ sĩ đầu tiên được chọn trao huy chương vàng Giải Thanh Tâm năm 1958. Từ năm 1958 sau khi đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm đến ngày cô bị giết hại 26 tháng 11 năm 1978, trong vòng hai chục năm đó, Thanh Nga được mời đóng vai chánh trong không dưới hai trăm vở tuồng cải lương. Những tuồng cải lương đó của 27 soạn giả tài danh của Saigòn và các tỉnh miền Hậu Giang, có tuồng thật hay và có tuồng kém hơn một chút, tuy nhiên khi báo chí kịch trường phê phán về nghệ thuật ca diễn của diễn viên thì nữ nghệ sĩ Thanh Nga luôn luôn được nhận những lời khen ngợi nồng nhiệt và chân tình. Điều mà mọi ký giả kịch trường và khán giả ái mộ Thanh Nga đều nhất trí tán thành là Thanh Nga khi diễn với bất cứ nam nghệ sĩ nào đóng kép chánh, đóng cặp chung với cô đều có một sự hòa hợp nhịp nhàng như tạo hóa đã sắp sẳn một cặp xứng đào xứng kép dù cho ngoài đời người diễn chung với cô đáng tuổi cha, chú hay đồng lứa tuổi với cô.
Khán giả từng xem Thanh Nga trong vai Hoàng Hậu Mã Nhi Nương Bửu và nghệ sĩ Năm Châu trong vai Quận công Gia Lữ Tế. Người xem không thấy sự chênh lệch nào giữa hai nhân vật Hoàng Hậu do Thanh Nga thủ diễn và vai quận công do Năm Châu diễn. Trong tuồng Vợ và Tình, Thanh Nga đóng với Năm Châu, Phùng Há trong chuyện tình tay ba, sao khán giả vẫn thấy như là những nhân vật thật của một câu chuyện thật xảy ra trong xã hội.
Thanh Nga đã là diễn viên đẹp đôi với Thành Được trong nhiều tuồng. Thanh Nga từng đóng cặp chung tuồng với Út Trà Ôn, Minh Tấn, Việt Hùng, Út Hậu, Hữu Phước, Thanh Tú, Minh Vương, Phương Thanh, Hoàng Long, Hùng Minh, Thanh Sang, Hùng Cường,… bất cứ với một kép chánh nào được kể tên trên đây, Thanh Nga cũng đều diễn ăn ý, tình tứ và hợp với vai tuồng đã được soạn giả tạo ra.
Điều quan trọng hơn hết là thái độ khiêm tốn, lễ phép của Thanh Nga đối với khán giả, với các bạn nghệ sĩ, thái độ tôn trọng nghệ thuật và giúp đở những nghệ sĩ nghèo và công nhân sân khấu của Thanh Nga đã gieo cảm tình sâu sắc cho mọi người đối với Thanh Nga.Những thành tựu nghệ thuật của Thanh Nga đã biến cô thành thần tượng của mọi người yêu thích văn học nghệ thuật… cuộc sống riêng, những mối tình…những gì xảy đến cho Thanh Nga đều được xem như hiện tượng, như huyền thoại!
Nhưng rồi trong một đêm sau vãn hát, tin Thanh Nga và chồng bị giết chết đột ngột, đã làm cho hàng vạn người nhỏ lệ khóc thương. Hàng vạn người tiếc thương, đau đớn, phẩn nộ trước cái chết oan ức, đột ngột của Thanh Nga.

30 năm trôi qua, những người thương tiếc Thanh Nga, có người không chấp nhận sự giải thích về nguyên do cô và chồng bị sát hại. Dù cho nhà chức trách đã bắt được bọn cướp sát nhân, đã có đủ bằng chứng, nhân chứng và vật chứng, đã kêu án tử hình và hành quyết hai tên chánh phạm, nhưng người đời vẫn không tin đó là sự thật!
Người ta dựng ra những chuyện có dính dáng đến chính trị, lấy cái chết của Thanh Nga mong bêu xấu đối phương, nhưng nếu làm như vậy thì chính mình đã bôi bẩn thần tượng nghệ thuật của mình. Điều đó có đáng nên làm cái chuyện phi lý đó không?

Tôi nghĩ lại, từ trước đến nay đã có rất nhiều nghệ sĩ thần tượng của khán giả mất đi, chưa có cái chết của người nghệ sĩ nào được nhiều người thương tiếc, nhỏ lệ thương cảm hơn cái chết của nữ nghệ sĩ Thanh Nga.
Ngày Thanh Nga mất đi, tại Saigon đã có hàng chục ngàn người đến viếng tang, tiển đưa cô đến mộ phần ở nghĩa trang nghệ sĩ. Mỗi năm nhiều nghệ sĩ, chỉ là bạn diễn chớ không phải bà con thân thuộc, những người bạn đó vẫn đến nghĩa trang thăm viếng Thanh Nga như trong một ngày giổ của người thân nhứt của mình.

Ở Pháp, nghệ sĩ Hữu Phước đã sáng tác bốn câu vọng cổ Khóc Thanh Nga .Anh đã ca và thu thanh gởi bài vọng cổ Khóc Thanh Nga về Việt Nam, được bè bạn trong giới chuyền cho nhau nghe… nghe giọng ca vàng Hữu Phước vừa ca vừa khóc thương tiếc người bạn diễn ngày xưa.
Và đây hai câu đầu bài vọng cổ đó của Hữu Phước:

Tôi xin hát lên bài ca hoài tưởng
Cho người tình chưa trọn vẹn tiếng yêu,
Khi vòng tay ân ái đã trao nhiều
Nhưng khi bình minh đến, lại đem ngở ngàng về thực tại.

Câu 1 - Em có biết chăng em giờ đây anh đang lênh đênh trên bước đường phiêu lảng, có những đêm dài trăn trở, kỷ niệm thân thương chợt hiện về trong ký ức, hồn gọi khẻ tên em với lòng uất nghẹn âm thầm…
Anh đã xa em như chim xa biệt cây rừng, những tưởng khi xa nhau sẽ có ngày tương hội, ai đâu ngờ giờ rẽ mối bèo mây, trách tạo công sao nở bắt em ra đi biền biệt, núi thảm trời buồn đã che khuất bóng người em, để anh phải khóc thương em với lời ca hoài cỗ.

Câu 2 - Nga ơi! Ta đã sống bên nhau với khung trời lãng mạn. gặp gỡ lúc trời hồng yêu vội lúc nắng trưa, rồi tay nắm bàn tay mắt tìm trong ánh mắt, chưa kịp trao hôn thì trời đã hanh vàng, …ánh đèn chuyển đổi một màu xanh làm sóng sánh lệ đôi hàng…Thôi, Chiêu Quân xin giã từ Hán Đế, anh nghẹn ngào Phạm Lãi biệt Tây Thi, - rồi những đêm anh mân mê cành kim xuyến, cài vội lên mái tóc huyền của sơn nữ Phà Ca, nhưng em chỉ là người vợ không bao giờ cưới, để anh phải chịu bẻ bàng khi lỗi bước sang ngang.

Nghệ sĩ Việt Hùng định cư tại Cali, khi hay tin Thanh Nga bị sát hại, Việt Hùng cũng sáng tác 6 câu vọng cổ khóc Thanh Nga. Bài vọng cổ khóc Thanh Nga của Việt Hùng được ghi âm và phát hành trong CD Hành Trình Cổ Nhạc Miền Nam với giọng ca của Việt Hùng( 1945 – 1995 ).
Nghệ sĩ Chí Tâm ở Westminster cũng sáng tác 4 câu vọng cổ Tưởng Nhớ Thanh Nga, ca trên đài phát thanh Little Saigon.
Nghệ sĩ Thanh Sang, Viễn Châu, Kiên Giang cũng có những bài ca tưởng niệm Thanh Nga.
Tôi còn nhớ năm 1998, 20 năm ngày mất Thanh Nga, tôi có dịp về Việt Nam, cùng với Kiên Giang đến thắp một nén nhang trên bàn thờ Thanh Nga tại nhà Hà Linh, Kiên Giang đã viết mấy câu thơ :

20 năm trong 300 năm,
Gặp lại Thanh Nga trong khói hương trầm
Áo Long bào, ai trao, ai gìn giữ?
Nay chỉ còn vang bóng giữa thâm tâm.

Tôi ra rạp Hưng Đạo, vô hậu trường, một nghệ sĩ chụp ảnh tôi đang thắp nén nhang tưởng niệm Thanh Nga ngay bàn thờ của Thanh Nga trong hậu trường rạp Hưng Đạo. Tôi ghi hai câu thơ kỷ niệm:

Vào hậu trưòng viếng sân khấu cũ,
Nguyễn Phương ngậm ngùi nhớ cháu Thanh Nga!

Kỷ niệm 30 năm ngày Thanh Nga mất, một khán giả ái mộ thần tượng Thanh Nga gởi đến cho tôi một bài thơ:

Trăng sầu liễu rũ tiếc Thanh Nga
Đệ nhứt tài danh, đệ nhứt hoa
Yễu điệu thướt tha, trang thục nữ
Dũng uy lồ lộ nét kiêu sa.
Son phấn còn vương nét điểm trang
Xiêm y thoang thoảng phấn hương nàng
Long ngai phiêu phưởng hình ai đó ?
Quán gấm cầu mơ vóc ngọc vàng.
Thương tiếc Thanh Nga, khóc nghẹn lời
Tài tình thiên cổ luỵ, thương ôi…
Trách aim khéo tạo trò dâu biển,
Trăng rụng, hoa rơi, hận ngút trời.
Tre khóc măng non, có khổ không ?
Con côi khóc mẹ, lệ tuôn dòng
Nga ơi ! Ví biết không là sắc
Thì chọn chi mình chữ sắc không !

30 năm trôi qua, Thanh Nga dẫu đã mất quá lâu rồi nhưng trong giới nghệ sĩ mọi người vẫn nhớ và nhắc mãi về huyền thoại Thanh Nga.

Tôi ở phương trời xa thẳm, cách quê hương hơn hai mươi ngàn cây số, lần nào về Việt Nam, vợ chồng tôi cũng đến nghĩa trang nghệ sĩ để viếng mộ Thanh Nga và Duy Lân.
Nhớ Thanh Nga, tôi ghi lại vài dòng thơ, sau ba mươi năm cháu Thanh Nga khuất bóng :

Bằng bặt cung đàn, bặt tiếng ca,
Phong trần vẫn lụy kiếp tài hoa,
Thuyền sương một buỗi hoài sông nước,
Nghệ sĩ âm thầm tếch nẽo xa…
Giã bến…tình nào lưu luyến,
Thuyền sương lơ lững tràng giang.
Phiếm tơ rưng rức từng cung bậc !
Một ánh sao rơi, tắt mộng vàng !

Nhớ Thanh Nga 26 / 11 / 1978 – 26 / 11 / 2008.
SG Nguyễn Phương


Để xem hình & video "Kỷ niệm 30 NS Thanh Nga qua đời", xin vào "Sân chơi cho khán giả"

ngocanh


http://cailuongvietnam.com/modules.php? ... t&sid=4764Web Page Name

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương