Hát xẩm: Long đong từ hè đường đến sân khấu

Hát xẩm đã có một thời gian rất dài rơi xuống đáy của đời sống nghệ thuật dân gian. Nhờ sự nỗ lực của một số rất ít người còn yêu xẩm, loại hình nghệ thuật này vẫn thoi thóp sống và đang dần được hồi sinh.

Một ngày cuối năm, tôi tình cờ biết đến nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, nghệ danh Bá Linh, mọi người thường gọi với cái tên thân mật là Linh Xẩm, học trò cuối cùng và là truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu (người được ví là “thần xẩm”). Khá bất ngờ bởi nghệ nhân dân gian ấy không phải là một trung niên hay một nghệ nhân cao tuổi, mà chỉ là một thanh niên 8x, đang làm việc tại Sở Ngoại vụ Thành phố Hải Phòng.
Với giọng trầm buồn, nghệ nhân dân gian 8x nhắc lại sự thăng trầm của loại hình nghệ thuật đầy long đong lận đận: “Thời trước cách mạng thì hát xẩm rất thịnh hành, khắp nơi chỗ nào cũng có nhóm hát xẩm như ngồi quán trà đá vỉa hè bây giờ. Khi cách mạng thành công, nhà nước quy hết các cụ hát xẩm vào một lối với ăn xin, ăn mày, bởi môi trường diễn xướng hành nghề của các cụ hát xẩm giống với ăn mày.
Một chiếu xẩm xưa. Ảnh tư liệu do nghệ nhân Đào Bạch Linh cung cấp.
Nhiều người không dám nhận mình làm nghề hát xẩm, con cái không dám nhận là con nhà xẩm, nói gì đến việc học xẩm để lưu lại cho đời sau. Cho nên, hát xẩm đã bị gián đoạn thời gian dài quá. Đến khi nhà nước nghĩ lại thì phần nhiều đã muộn, các cụ hát xẩm đã khuất núi gần hết rồi, các lề lối, tư liệu thu lại không được trọn vẹn, nhiều lối hát hay của một số nghệ nhân bị mất đi, những gì còn lại chất lượng cũng kém.
Cũng may, nhờ một số nghệ nhân, giờ đây chúng ta cũng đã thu được khá đầy đủ làn điệu chính nhưng tư liệu cũng không được phổ biến. Việc thể hiện lại hát xẩm theo lề lối cũ ít quá. Không có nhiều tư liệu để những người đam mê nghe và học theo”.
Có thể nói hát xẩm là loại hình nghệ thuật dân gian ít được nghiên cứu nhất ở Việt Nam. Một phần bởi loại hình này chỉ tồn tại trong dân gian, không có trường lớp đào tạo nên ít có nhu cầu về tư liệu.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu đang truyền dạy cho Linh Xẩm. Ảnh do nghệ nhân Đào Bạch Linh cung cấp.
Theo những tài liệu ghi chép, nghiên cứu, cũng như qua việc tiếp xúc của bản thân nghệ nhân Đào Bạch Linh với các cụ hát xẩm thì hát xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu chính như Thập ân, Hà liễu, Huê tình, Ba bậc… Ngoài 10 làn điệu chính và một số điệu vay mượn thì hát xẩm có rất nhiều lề lối khác nhau, lối hát các dị bản và cách hát cũng khá đa dạng ở ngay 1 điệu hay cùng 1 bài hát. Ví dụ, cùng là bài Thập ân phụ mẫu nhưng ở mỗi địa phương, mặc dù vẫn phải tuân theo khung làn của điệu, người ta vẫn có các cách vào bài, cách lưu không hay ngay cả lời văn khác nhau, từ đó tạo ra nhiều dị bản. Đó chính là tính dân gian của loại hình hát xẩm.
“Hát xẩm rất mộc mạc, gần gũi với quần chúng. Các từ ngữ, câu chữ giản dị đến nỗi có cả những chữ ít khi văn thơ, sân khấu người ta dùng đến, ví dụ các từ nhạy cảm như “bóp”… Rồi lối hát, cách đàn, cách nhả chữ, giọng điệu cũng khác hoàn toàn với những thể loại khác”, Linh Xẩm kể.
Hiện tại ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 4 chiếu xẩm (trước chỉ có 3 nhưng cách đây vài tháng có thêm 1 chiếu xẩm mới thành lập ở quê hương nghệ nhân Hà Thị Cầu là chiếu xẩm Hà Thị Cầu), đó là: Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân, chiếu xẩm Hà Thành (cùng ở Hà Nội), và chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng). Nhưng ngay cả ở các chiếu xẩm, người hát được xẩm lề lối cổ cũng không còn nhiều.
Để sinh tồn và phát triển hát xẩm không phải chuyện đơn giản. “Thứ nhất là nhu cầu của người nghe, có sân khấu không để mà lên. Thứ hai, để lên sân khấu thì phải hát những bài hợp lý ở trên sân khấu, dài vừa thôi đừng dài quá, ngôn từ dễ nghe, đừng cổ quá. Việc sân khấu hóa cũng làm ảnh hưởng đến lề lối cổ vốn khá khắt khe về làn điệu, câu chữ, lưu không...
Thực ra mà nói, hát xẩm sống được đến ngày nay chủ yếu là nhờ vào lối hát sân khấu vì môi trường diễn xướng trong dân gian không còn nữa. Người hành nghề hát xẩm theo đúng nghĩa cổ gần như không còn. Giờ cũng có loại hình sân khấu đóng giả môi trường diễn xướng cũ, ví dụ trong một sự kiện lớn có sắp đặt chỗ để chiếu xẩm hát, chúng tôi ngồi đó hát mời theo kiểu sân khấu nhưng được phép hát theo kiểu chợ. Như thế cũng chưa đúng nghĩa nghệ thuật dân gian hát xẩm của mình. Nhưng biết sao được, mỗi thời đại, mỗi điều kiện mỗi khác”, nghệ nhân Đào Bạch Linh đau đáu nỗi niềm.
Hát xẩm trên sân khấu nhà hát chuyên nghiệp. (Ảnh do nghệ nhân Đào Bạch Linh cung cấp).
Một khó khăn khác ảnh hưởng đến sự sinh tồn của hát xẩm là yêu cầu đặc trưng về chất giọng, mà theo lời nghệ nhân trẻ 8x: “Không phải ai cũng hát được ra màu xẩm. Nhất là người ở thành phố, có giọng nói theo kiểu chữ nhẹ bay bay, không bám được vào chữ thì không hát được. Muốn hát xẩm phải tròn vành rõ chữ. Rất nhiều người muốn hát mà hát chả ra kiểu hát xẩm”.
Yêu cầu khắt khe là thế, nhưng thu nhập đem lại cho người hát xẩm lại khá khiêm tốn. Theo lời kể của Linh Xẩm: “Cát-sê cao nhất tôi nhận được trong cuộc đời hành nghề hát xẩm là gần 10 triệu đồng, còn bình thường thì được dăm trăm, một triệu đồng. Nhiều khi đi hát ở chùa, thầy chùa mời đến, mình không nghĩ tới kinh phí, chỉ nhận bữa cơm chay. Lại có những sự  kiện có tính chất quảng bá, gìn giữ nghệ thuật dân gian, chúng tôi đến tham gia được hớp nước cũng hát”.
Đào Bạch Linh từng lặn lội tìm đến tận nhà cụ Hà Thị Cầu ở Yên Mô - Ninh Bình để học hát xẩm theo cách truyền miệng. Cụ hát hay, đàn giỏi nhưng lại không biết chữ, không biết nhạc lý, rất khó truyền dạy theo kiểu mô phạm. Người muốn học chỉ có cách nghe cụ hát rồi tự học theo. Trong suốt năm đầu tiên, hầu như Linh không học được gì, nhưng sau khi tìm ra cách học thì lại học rất nhanh. Đến năm 2008, gần như Linh đã học được những bài học căn bản. Đến năm 2012, cụ Hà Thị Cầu qua đời. Với năng khiếu sư phạm, Linh đã biên ra một số bài giảng để dạy hát xẩm cho cộng đồng. Các lớp học hát xẩm ở nhà Linh tại Hải Phòng bây giờ hầu như tối nào cũng có người đến học.
Từng làm được một số việc lớn như tổ chức giỗ Tổ nghề hát xẩm, tổ chức liên hoan biểu diễn để bảo tồn, gìn giữ hát xẩm, và trực tiếp truyền dạy loại hình đặc trưng này, nghệ nhân Đào Bạch Linh vẫn đang ấp ủ nhiều hoài bão, mong muốn lớn.
“Trước hết là hát xẩm bình đẳng với các loại hình khác, không bị xem nhẹ, coi rẻ. Thứ hai, mong có thật nhiều người thích/biết đến hát xẩm nhiều người hát được lối cổ. Thứ ba là có thêm tư liệu để phục dựng lại lối cổ”, Linh Xẩm bộc bạch

Bình Minh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương