Lão nghệ nhân trăm tuổi và cây đàn tỳ bà trứ danh

Năm nay hơn 100 tuổi nhưng nghệ nhân Châu Đình Khoá vẫn còn minh mẫn. Ông là nghệ nhân duy nhất còn giữ được những ngón đàn độc nhất vô nhị.


Năm nay hơn 100 tuổi nhưng nghệ nhân Châu Đình Khoá vẫn còn minh mẫn. Quá nửa đời người gắn bó với cây đàn tỳ bà cổ, ông là nghệ nhân duy nhất còn giữ được những ngón đàn độc nhất vô nhị.  
Lương duyên với cây đàn cổ 
Trong tiệc mừng đại thọ cụ Châu Đình Khóa vừa được tổ chức tại xóm Máy Kéo (xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình), không ít người đã nhầm tưởng cụ Khoá là nhạc công của buổi lễ. Bởi hôm ấy, cụ là người đệm đàn tỳ bà cho các ca sĩ, con cháu hát mừng sinh nhật của mình. Râu tóc bạc phơ, đôi bàn tay gầy xương nhưng từng nốt nhạc gảy lên, lúc trầm lúc bổng, đã làm rung động lòng người.
Câu chuyện về lai lịch của cây đàn tỳ bà và duyên nợ của nó với cụ cũng chính là một thiên truyện ly kỳ. Trải qua hàng chục năm lưu lạc rồi xuất hiện vào năm Gia Long thứ nhất (1802) trong tư dinh của quan Ngự sử Lưu Đức Xứng, tồn tại qua chiến tranh bom đạn, cây đàn cổ sau đó đã tìm được một “Bá Nha” để làm bạn tri kỷ.
Chuyện kể rằng, năm Gia Long thứ nhất, khắp nội ngoại kinh thành Huế không ai không biết tới cây đờn ca tài tử nổi danh Trợ Tồn. Ông tên thật là Nguyễn Quang Tồn, có gốc gác lâu đời ở cái nôi của nhã nhạc cung đình. Người người biết đến ông là một cây đàn có tiếng, cực kỳ say mê đờn ca tài tử. Cứ hễ nơi nào có đàn hay là nơi đó có mặt ông. Chu du khắp nước Nam, cuối cùng ông đã tìm được cho mình một cây đàn quý. Đó chính là cây tỳ bà cổ, báu vật của gia đình quan Ngự sử Lưu Đức Xứng. Cơ duyên đó là, sau khi quan Ngự sử qua đời, gia nhân trong nhà vì thương gia chủ, tiếc cho cây đàn báu vật không còn người nâng niu đã kính cẩn rước lên bàn thờ cúng viếng. Cây đàn tỳ bà từ đó nằm im lìm như mỏi mòn chờ đợi bàn tay ấm của một tâm hồn đồng điệu. Tiếng lành đồn xa, không ngại gian khó, Trợ Tồn đã tìm đến tư dinh của quan Ngự sử, thắp nén hương kính dâng hương hồn người đã khuất để được khẽ chạm vào báu vật, gảy lên nốt nhạc tha thiết.
 “Vặn đàn mấy tiếng dạo qua/ Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng bay”. Dưới đôi bàn tay tài hoa của ông, cây tỳ bà cổ rung lên những nốt bổng trầm “dường than niềm tấm tức bấy lâu”. Nghe xong, cảm động trước tấm chân tình của ông Tồn, gia đình quan Ngự sử liền xin quẻ âm dương. Gieo ba quẻ, quẻ nào cũng ứng, vậy là cây đàn được cẩn trao cho Trợ Tồn. Từ đó, cây đàn gắn bó với thầy Trợ như một vật bất ly thân.
Trong đám học trò nghèo ngày ấy ở Quảng Bình, thầy Tồn đặc biệt có cảm tình với cậu học trò nhỏ nhắn, hiền lành có đôi bàn tay mềm mại linh hoạt và hơn hết là một niềm đam mê nhạc tài tử đến độ kỳ lạ, Châu Đình Khoá. Hữu duyên thay, cậu trò nhỏ ấy lại chính là cháu nội của quan Thượng thư bộ lễ Châu Đình Kế, bạn đối ẩm của chủ nhân cây đàn cổ trước đây. Như cảm nhận cái “duyên tiền định” mà người xưa sắp đặt, thầy Trợ Tồn liền dốc hết tâm sức mang ngón nghề mà ông mất bao năm dày công sáng tác truyền lại cho trò Khoá những mong đây sẽ là người kế tục mình đem những làn điệu cổ truyền đến với mai hậu.  
Tiếng đàn át tiếng bom
 Năm 1941, thầy Tồn mất tại Huế khi mới 38 tuổi. Trước khi mất, lời trăng trối của ông với vợ là phải trao cây tỳ bà cổ cho học trò Khoá. 
Sau năm 1945, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Châu Đình Khoá đành gửi lại cây đàn cho bà con láng giềng giữ hộ để ra chiến trường. Nhưng lúc ấy, trong cảnh chạy giặc, giữa sự sống và cái chết, bà con đành phải giấu cây đàn vào bụi cây đợi ngày quay về. Thậm chí có lúc, nó đã bị người dân đem ra làm… thớt thái rau! Từ chiến trường trở về, tận mắt chứng kiến những vết trầy xước trên cây đàn quý, ông Khoá rưng rưng, xót xa đến nghẹn ngào. Từ đó, ông nhất quyết không rời cây đàn nữa. Đi đâu, ông cũng mang theo nó bên mình, hết chiến trường Thừa Thiên lại về tuyến lửa Quảng Trị, Quảng Bình ác liệt. Những năm tháng đó, sử dụng cây tỳ bà cổ và vốn nhạc cổ truyền học được, ông đã tập hợp quần chúng chống thực dân Pháp.
Trong những năm 1959 - 1967, dưới ngọn cờ của Đảng, ông là người khởi xướng đứng ra thành lập Đoàn văn công tỉnh Quảng Bình (tiền thân của Đoàn nghệ thuật Quảng Bình ngày nay). Tiếng đàn tỳ bà trầm bổng của ông và tiếng hát của ca sỹ Nam Kỷ, giọng ca ghi dấu trên sân khấu dân ca Quảng Bình ngày ấy, đã làm dịu đi sức nóng của bom đạn, làm ấm lòng những chiến sỹ xa quê.
Năm 1975, hoà bình lập lại, Nam Bắc thống nhất, đất nước độc lập tự do, ông tham gia xây dựng các đội văn nghệ của huyện, tỉnh, động viên tinh thần xây dựng quê hương giàu đẹp. Khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” trước đây được thay thế bằng khẩu hiệu “Lời ca ra giàu đẹp”. Với câu khẩu hiệu mới đó, đội văn nghệ Dân số Kế hoạch hoá gia đình của huyện Lệ Thuỷ đã thu được nhiều thành tựu trong công tác vận động, giáo dục chị em phụ nữ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Không thể để mai một tiếng đàn, điệu ca mà cụ có được, trên cương vị là Trưởng Đoàn văn công Quảng Bình, cụ Khoá tiếp tục tìm và rèn dạy cho bao lớp học trò khác. Bà Nam Kỷ, nghệ nhân hát dân ca có tiếng ở đất Quảng Bình những năm 1960 đến 1976 và dải đất Bình-Trị-Thiên những năm sau đó chính là học trò ruột của cụ Khoá. Bà kể: “Bác Khoá là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ đàn hát dân ca ở Bình-Trị-Thiên. Khi tôi bước vô nghiệp hát chỉ hát được vài bài do cha tôi dạy. Sau đó thì bác Khoá dạy cho tôi bài bản từ bài một đến bài mười”.  
Cách nay vài năm, khi nhận được khoản tiền 50 triệu đồng chế độ cán bộ cách mạng lão thành, cụ Châu Đình Khóa ngỏ ý xin một miếng đất nhỏ để cất lên một căn nhà làm nơi đàn hát dân ca. Cụ dự tính sau khi về với tổ tiên thì cụ dành đó dành lại cho quê hương, nhưng không thành...
Và thêm một điều tiếc nuối nữa là dù đã trọn một đời tâm đắc với âm nhạc cổ truyền dân tộc, người nghệ sỹ ấy vẫn chưa được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian như một sự tri ân của người đời.
Cả cuộc đời gắn với cây đàn tỳ bà, cụ đã truyền dạy cho 4 người học trò những ngón đàn hay nhất trong nghề. Tiếc thay, cả 4 người học trò này đều đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay 
Xin mượn câu thơ trong bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị, để nói về tiếng đàn của người nghệ nhân Châu Đình Khoá.  
Ra Hà Nội sống với các con, không chấp nhận “lão gia an tri”, cụ Khoá vẫn mang niềm suy tư trăn trở về sự mai một các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đồng thời tích cực tham gia xây dựng, gìn giữ và bảo tồn chúng. Câu lạc bộ Dân ca quan họ UNESCO Hà Nội là nơi đã chứng kiến những đóng góp quý báu của cụ. Đã hai lần cụ nhận giải nhất trong cuộc thi “Tiếng hát vì hoà bình” nhằm giữ gìn bản sắc dân ca, nhạc cổ truyền dân tộc do Câu lạc bộ tổ chức. Cũng trong tháng ngày đó, mặc dù tuổi cao song cụ vẫn dành nhiều thời gian để truyền dạy cho thế hệ sinh viên khoa đàn tỳ của Nhạc viện Hà Nội theo yêu cầu của họ. 
Giờ đây những lúc rảnh rỗi, cụ Khoá lại ôm đàn, nhẹ nhàng gảy từng nốt nhạc cất lên những điệu như: Dạ khúc, Tương tư, Cổ bản, Mười thương… Qua diễn tấu của lão nghệ sỹ trăm tuổi ấy, những người am hiểu về âm nhạc sẽ dễ dàng nhận thấy các bài bản được biên soạn rất công phu và chỉ dành riêng cho đàn tỳ bà nên cấu trúc âm nhạc khác biệt hẳn so với các bản cùng loại của các nhạc cụ khác.  
Sống trọn vẹn một đời người, con cháu của cụ Khoá đều đã trưởng thành (trong số con cháu dâu rể của cụ có 3 người là tiến sỹ, 4 người thạc sỹ, 5 người cử nhân), cụ Khoá giờ có thể thanh thản vui thú tuổi già. Thế nhưng ở con người nặng lòng với đờn ca tài tử ấy, càng gần đất xa trời càng mang nặng nỗi day dứt khôn nguôi vì chưa tìm được người truyền nhân đích thực.
TÂM PHÙNG – KHÁNH TRANG

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương