Cây đàn tỳ bà trăm năm, người đàn 101 tuổi

Ở thập niên 1920-1930, người Huế từng biết đến tiếng đàn tỳ bà của quan ngự sử Lưu Đức Xứng. Thân sinh đã để lại cho ông cây đàn tỳ bà này mà mỗi khi ông bế lên, tay “tiên” chạm phải dây đàn, nước sông Hương phải bâng khuâng và bao cô gái Huế cũng phải xao xuyến cõi lòng. Rồi khi ông qua đời, người nhà đã kính cẩn treo tỳ bà ở một góc linh sàng, vừa để thờ viếng vật báu của người quá cố, vừa như muốn chấm dứt lịch sử vàng son của cây đàn, duy chỉ có một người hiểu nó.
Tiếng lành đồn xa, mười mấy năm sau, bỗng có một người tìm đến gia đình quan ngự sử Lưu Đức Xứng bái lạy và xin được một lần thử tiếng cây đàn tỳ bà cổ. Khách nâng niu vật báu, rồi tay chạm đến những dây đàn. Lạ lùng thay, khách và chủ mặt mày tươi tỉnh khi gian phòng tràn ngập âm thanh huyền diệu tỳ bà. Rồi khách ca vang giọng ca tài tử. Lời ca và điệu đàn hòa quyện vào nhau, như chàng quyện nàng, như trăng quyện gió, như sông quyện thuyền, như kẻ mặc khách quyện bồng lai tiên cảnh. Bấy giờ, đến lượt chủ bái lạy khách. Bởi khách đã như vị đạo sĩ có phép hồi sinh, khơi được giọng nguồn âm thanh tưởng như đã khô cứng, đông đặc trong những dây đàn bao năm tháng. Vị khách đó là thầy Trợ Tồn, tên thật là Nguyễn Quang Tồn, một nghệ nhân đờn ca tài tử ở đất đô thành Huế. Trong đám đến học chữ thánh Hiền của thầy Trợ Tồn có một học trò nghèo, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Đó là Châu Đình Khóa. Trong các buổi học đánh đàn thì trò Khóa vượt trội các đồng niên bởi khả năng thẩm âm và biết điều khiển những ngón tay mềm mại của mình để ấn, lướt trên những phím đàn, làm rung lên những tiếng ti, tiếng trúc. Thầy Trợ Tồn đã dồn sức bảo ban, truyền nghề, với ước mong, đó sẽ là người thừa kế những làn điệu cổ truyền của quá khứ, tải chuyển đến mai sau. Với tài năng và trí tuệ thiên bẩm, trò Khóa đã làm hài lòng thầy. Ngón đàn huyền diệu như chất men kết dính đạo thầy trò, gần gũi, gắn bó như tình huynh đệ của hai người. Bị bạo bệnh, năm 1941, thầy Trợ Tồn qua đời khi tuổi mới 37. Lời trăng trối thiêng liêng của ông với vợ là hãy trao cây đàn tỳ bà cổ cho trò Khóa. Nhận được chiếc đàn tỳ bà cổ từ phu nhân thầy giáo cũ của mình, mắt rưng lệ, Châu Đình Khóa cúi lạy ba lạy rồi thắp hương bái lễ vong linh âm hồn thầy giáo cũ trước bàn thờ tổ tiên của ông. Trở về Lệ Thủy (Quảng Bình) đang hừng hực không khí của cơn bão táp Cách mạng tháng Tám–1945, chàng thanh niên Châu Đình Khóa nhanh chóng hòa nhập vào phong trào thanh niên yêu nước. Tháng 3–1947, thực dân Pháp trở lại xâm lược Quảng Bình. Châu Đình Khóa lên chiến khu, đi theo kháng chiến. Với cây đàn tỳ bà bên mình, ông có mặt nhiều nơi ở chiến trường Bình Trị Thiên để đàn hát, cổ vũ, tập hợp nhân dân tham gia kháng chiến. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông là hạt nhân xây dựng các đội văn nghệ ở địa phương, vận động mọi người hăng say xây dựng đời sống mới, cuộc sống mới. Năm 1960, ông được Ty Văn hóa Quảng Bình điều về làm Trưởng đoàn Văn công Quảng Bình, tiền thân của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình hiện nay. Ông như một người cha, người thầy, người bạn, người đồng chí với mọi người trong đoàn. Chính ông đã neo lại, nhân lên những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào và thi vị. Năm 1966, ông nghỉ hưu. Về quê, ông mở lớp dạy cổ nhạc cho các con cháu trong vùng. Thường khi mở lớp thì trò phải nộp tiền thù lao cho thầy. Nhưng ngược lại, thầy Châu Đình Khóa lại bỏ tiền nuôi những học trò đến học và ban thưởng cho những cháu nào hát hay, đàn giỏi. Ông mong rằng, những làn điệu dân ca cổ truyền chảy mãi trong mao mạch những thế hệ mai sau. Từ khi ông sống cùng con gái ở Hà Nội, Câu lạc bộ dân ca quan họ UNESCO Hà Nội đã mời ông đến tham gia. Tiếng đàn tỳ bà của ông đã làm phong phú thêm dòng nhạc cổ đầy phong vị của Việt Nam. Hai lần ông được nhận giải nhất cuộc thi “Tiếng hát vì Hòa bình” do câu lạc bộ tổ chức, với mục đích gìn giữ bản sắc dân ca, nhạc cổ truyền thống dân tộc. Mỗi lần ông diễn tấu những khúc nhạc cổ như: Dạ khúc, Tương tư, Cổ bản, Mười thương... người nghe như bị thôi miên bởi âm thanh đa sắc vang lên từ cây đàn tỳ bà cổ. Rồi ông dành tâm sức, thời gian truyền dạy cho nhiều sinh viên Khoa tỳ bà của Nhạc viện Hà Nội. Ông rất mừng vì đây là cơ hội tốt để những ngón đàn và các giá trị âm nhạc truyền thống không bị mai một, thất truyền. Nhiều sinh viên Khoa tỳ bà của Nhạc viện Hà Nội được ông truyền thêm kinh nghiệm, đã thành công bước đầu trên con đường nghệ thuật. Năm 2008, sinh nhật lần thứ 100 của cụ Châu Đình Khóa, cụ bị ốm, gia đình không thể tổ chức được. Ngày 30-7 vừa qua, con gái đầu của cụ quyết định tổ chức mừng thọ 101 tuổi đời, 65 tuổi Đảng cho thân sinh mình tại quê nhà. Cháu, con và các chàng rể của cụ gồm 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 5 cử nhân ở xa cũng đưa bầu bạn về dự. Trong lễ mừng Đại thượng thọ 101 tuổi cụ Châu Đình Khóa vừa là chủ công, vừa là nhạc công. Rồi cung đàn trong tay cụ lại rung lên những tiếng ti, tiếng trúc. Ca sĩ Nam Kỷ trong Đoàn Văn công Quảng Bình năm xưa, cùng con cháu của cụ ca vang những làn điệu dân ca, tất cả tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, sảng khoái. Ngày 24-8-2009, cụ vượt hơn 50 cây số, từ Lệ Thủy về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn văn công truyền thống Quảng Bình tại thành phố Đồng Hới. Cụ già 101 tuổi nhưng vẫn dẻo dai, khỏe mạnh, đĩnh đạc. Như một dòng sông chảy mãi. Sau quan ngự sử Lưu Đức Xứng là Nguyễn Quang Tồn. Sau Nguyễn Quang Tồn là Châu Đình Khóa. Và ai sẽ là người tiếp theo, tiếp theo nữa để nâng cây đàn tỳ bà cổ đã vắt qua hai thế kỷ? Tin chắc rằng nhạc cổ Việt Nam, một nét của hồn Việt, nhất định vẫn sống mãi như sự trường tồn của sông núi Việt Nam. Bài và ảnh: HỒ NGỌC DIỆP

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương