Đánh thức cải lương bằng Chuông vàng vọng cổ

Suckhoedoisong.vn - Bước sang tuổi 13, Chuông vàng vọng cổ - cuộc thi âm nhạc duy nhất ở nước ta dành cho những tài năng đam mê với nghệ thuật cải lương vẫn bền bỉ, giữ vững thương hiệu.
Không chỉ là sân chơi âm nhạc truyền thống bổ ích và ý nghĩa, Chuông vàng vọng cổ còn là nơi phát hiện những viên ngọc thô, tạo ra nguồn lực kế thừa, lan tỏa nghệ thuật cải lương.
Không khó để nhận thấy, nhiều cuộc thi âm nhạc đã, đang không ngừng mọc lên như nấm sau mưa ở nước ta như Sao mai, Sao mai điểm hẹn, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Nhân tố bí ẩn, Học viện ngôi sao...Hầu hết các cuộc thi âm nhạc nêu trên đều thuộc về dòng nhạc đương đại, nhạc trẻ và du nhập từ nước ngoài chứ không đi sâu, chuyên biệt về âm nhạc truyền thống.
Thí sinh biểu diễn vòng sơ tuyển cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2018 khu vực Tây Nam Bộ.
    Thí sinh biểu diễn vòng sơ tuyển cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2018 khu vực Tây Nam Bộ.
    Từ năm 2006, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do Đài Phát thanh - Truyền hình TP.HCM  (HTV) tổ chức vẫn bền bỉ tồn tại, đều đặn diễn ra. Chuông vàng vọng cổ trung thành với việc đi sâu vào yếu tố chuyên môn, mang đến cho người mộ điệu sân chơi bổ ích và góp phần “đãi cát tìm vàng” cho sân khấu cải lương. Ban đầu, cuộc thi giới hạn tuyển chọn thí sinh trong phạm vi phía Nam nhưng sau đó, Chuông vàng vọng cổ mở rộng trên cả nước và mỗi lần tổ chức đều thu hút hàng ngàn bạn trẻ từ 16 đến 35 tuổi tham gia.
    Có thể khẳng định, Chuông vàng vọng cổ là cuộc thi nghiêm túc của nghệ thuật cải lương ở nước ta 13 năm qua cũng như hiện tại. Trong cuộc thi này, thí sinh được thử thách khả năng ca diễn. Vào vòng chung kết xếp hạng, các thí sinh phải diễn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng nhiều trích đoạn cải lương với đủ mẫu nhân vật: bi, hài, thương, mùi, độc. Bên cạnh đó, phần nhiều thí sinh không qua trường lớp sân khấu, chỉ tham gia phong trào văn nghệ địa phương. Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh nghiệp dư, chỉ đến với cải lương bằng niềm đam mê đã trưởng thành rất nhiều qua cuộc thi như: Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê... Đặc biệt, thí sinh Lê Văn Gàn vốn là một nông dân nghèo, qua cuộc thi, anh được đánh giá như một vỉa quặng lộ thiên. Sau đó, anh được đạo diễn cho thử sức vào nhiều vai diễn như một diễn viên chuyên nghiệp. Giọng ca của anh cất lên ngọt lịm và làm xiêu lòng, tan chảy trái tim người nghe. Ngoài ra, Chuông vàng vọng cổ còn góp cho sân khấu truyền thống những tài năng, được trui rèn, đào tạo bài bản như: Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Huyền Trang, Nguyễn Văn Mẹo, Ngọc Trinh...
    Tiếp nối những thành công đã đạt được, Chuông vàng vọng cổ 2018 tiếp tục được tổ chức. Mới đây, Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Chuông vàng vọng cổ2018 có 330 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 98 thí sinh so với năm 2017. Điều đặc biệt là độ tuổi các thí sinh năm nay rất trẻ, trung bình từ 16 - 22 tuổi, có sắc vóc, chất giọng tốt và dành nhiều tình yêu, tâm huyết cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương. Sau vòng sơ tuyển tại các cụm thi ở khu vực miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và TP.HCM, đã có 36 thí sinh được vào vòng tuyển chọn diễn ra cuối tháng 7/2018. Từ 36 thí sinh này, Hội đồng giám khảo đã chọn ra 9 thí sinh xuất sắc nhất để tranh tài tại vòng chung kết (tháng 9/2018). Các thí sinh sẽ được 3 vị giám khảo uy tín, gắn bó với sân khấu cải lương gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ chấm chọn.
    Theo NSND Bạch Tuyết, người nhiều năm làm giám khảo Chuông vàng vọng cổ, đây là cuộc thi có nhiều ý nghĩa vì nghệ thuật truyền thống nói chung, cải lương nói riêng đang thiếu đội ngũ kế thừa, tiếp nối. Tuy nhiên, qua cuộc thi này, NSND Bạch Tuyết chia sẻ rằng “rất yên tâm vì đã có một đội ngũ có khả năng kế thừa sự nghiệp sân khấu cải lương. Qua các phần thi, chứng tỏ các em rất tâm huyết và yêu những điệu vọng cổ”. Đồng quan điểm này, nghệ sĩ cải lương Tấn Beo cho rằng, dù cải lương nước nhà đang “hấp hối” nhưng khi thấy được niềm đam mê, thấy được những gì mà lớp trẻ vẫn dành tình yêu cho nghệ thuật truyền thống thì cải lương sẽ không bao giờ... chết.
    Tố Mai

    Nhận xét

    Bài phổ biến

    Tiểu Sử Tấn Giao

    Tiểu Sử Hữu Lợi

    Tiểu Sử Vương Linh

    Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

    Tiểu Sử Ngọc Bích

    Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

    Tiểu Sử Ngân Tuấn

    Tiểu Sử Xuân Yến

    Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

    Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương