Nhạc sĩ Huỳnh Khải: Từ anh nông dân đến thạc sĩ âm nhạc

Nhạc sĩ Huỳnh Khải: Từ anh nông dân đến thạc sĩ âm nhạc

Một ngày cuối năm 2003, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức cuộc thi tốt nghiệp Cao học Sư phạm âm nhạc dân tộc (trình tấu và bảo vệ luận văn) cho hai tân thạc sĩ. Đặc biệt, một trong hai tân thạc sĩ ấy vốn xuất thân từ một nông dân chân đất, mê đờn ca tài tử, từng là… trưởng ban văn nghệ xã.
Có lẽ những người có mặt ở phòng hòa nhạc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vào sáng 27/12/2003 đều cảm thấy xúc động khi chứng kiến Huỳnh Khải ôm cây đờn kìm ngồi giữa dàn nhạc giao hưởng của nhạc viện để biểu diễn tác phẩm Bình minh (concerto của nhạc sĩ Quang Hải soạn cho đờn kìm và dàn nhạc giao hưởng) dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Hoàng Điệp. Tiếng đờn kìm bay lượn, chấp chới trên nền nhạc Tây phương khiến người nghe vừa lâng lâng cảm xúc vừa cảm thấy tự hào bởi đang mục kích một nhạc cụ dân tộc đơn sơ, quen thuộc lại đang được cả một dàn nhạc khí Tây phương tôn vinh… Tiếp đó, nhạc sĩ Huỳnh Khải đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp với đề tài Phương pháp sư phạm đờn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đờn kìm. Luận văn của Huỳnh Khải được đánh giá xuất sắc. (Hình: Đờn kìm giữa dàn nhạc khí Tây phương.)
Huỳnh Khải sinh năm 1957 tại Thủ Thừa (Long An). Ngay từ thời ấu thơ, rất nhiều lần anh đã tựa mình bên bộ ngựa, say mê nhìn cha – vốn là một nghệ nhân đờn ca tài tử – cùng bạn bè ông diễn tấu giao duyên trong lúc nông nhàn. Những lúc đó, đố ai rứt cậu bé Khải ra khỏi “chiếu diễn”, những giai điệu đờn ca tài tử đã thấm đẫm vào tâm hồn cậu và mê mẩn nhất là những âm thanh phát ra từ cây đờn kìm – “bảo bối” của cha mình. Cho nên những khi ông bố treo cây đàn lên vách để đi ra đồng thì cậu con trai bắc ghế lấy xuống rồi đánh mò những bài bản tài tử mà cậu đã thuộc nằm lòng. Thấy con có năng khiếu, người cha cũng đem hết những “ngón nghề” của mình truyền lại cho con từ lúc cậu mới 9 tuổi. Ở nhà Khải học đờn kìm với cha, ra ngoài thì học guitar phím lõm với bạn bè cùng trang lứa, khi đã đủ “bản lĩnh” thì kéo nhau đi giao lưu đờn ca tài tử.
Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), học hết lớp 12 nhưng do điều kiện khó khăn nên Huỳnh Khải không thi vào đại học mà ở lại quê nhà làm trưởng ban văn nghệ xã. Khi đó anh vừa sáng tác các vở dài và đờn chánh guitar phím lõm, còn về đờn kìm thì anh rành hết 20 bản tổ và nhiều giai điệu cải lương.
Anh chơi được khá nhiều nhạc cụ âm nhạc dân tộc, tại sao anh lại chọn cây đờn kìm để làm công trình luận văn?
– Khi tôi đi đờn cải lương thì chuyên sử dụng cây guitar phím lõm nhưng do hồi nhỏ đã quá quen thuộc với cây đờn kìm nên khi vào nhạc viện tôi chọn cây đờn này làm nhạc cụ chính để học (trung cấp). Khi lên bậc đại học thì phải chọn học 2 nhạc cụ (chính và phụ). Tôi chọn đờn kìm (chính) và đờn tranh (phụ). Kìm học với NSƯT Võ Văn Khuê, tranh học với NGƯT Nguyễn Văn Đời. Cho nên chuyện tôi “đồng hành” với cây đờn kìm cũng là một tất yếu.
Từ đâu anh có ý tưởng xây dựng luận văn “Phương pháp sư phạm đờn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đờn kìm”? Có khó khăn lắm không?
– Xưa nay, các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc khi dạy đờn cho học trò chỉ có một phương pháp là “cầm tay, dạy ngón”. Phương pháp này có ưu điểm là học nhanh, đạt hiệu quả cao nhưng thầy và trò luôn phải cận kề bên nhau. Trò không thể tự học, khi trò quên ngón không thể tự ôn mà phải tìm đến thầy… Công trình của tôi tính từ lúc thai nghén cho đến viết thành luận văn hoàn chỉnh là 10 năm. Khó khăn vì đờn kìm là một nhạc cụ đặc trưng, rất ít tài liệu (nếu có thì cũng chỉ là bản chép tay rất thô sơ, khó hiểu). Tôi phải tìm đến các nghệ nhân (kể cả ở các tỉnh xa) để tìm hiểu, tham khảo, thu thập tài liệu… Thuận lợi là tôi đã gắn bó với cây đờn kìm từ hồi nhỏ, rồi hoạt động phong trào nghiệp dư, tham gia sân khấu cải lương chuyên nghiệp, qua băng đĩa và qua quá trình công tác giảng dạy. Đặc biệt với sự dạy dỗ trực tiếp của cố NSƯT Võ Văn Khuê và sự cố vấn của các nhạc sĩ: cố NSƯT Vũy Chỗ, NSƯT Ba Tu, NGƯT Nguyễn Văn Đời…, tôi đã từng bước hoàn thành công trình nghiên cứu để bảo vệ luận văn và được Giáo sư – NSND Quang Hải trực tiếp hướng dẫn đề tài tốt nghiệp.

Công trình nghiên cứu của NS Huỳnh Khải giúp cho người học đờn kìm (ở 3 phong cách: tài tử, sân khấu cải lương, đờn tác phẩm mới) sau khi được thầy hướng dẫn cơ bản rồi thì tự học là chính, không cần nhiều thời gian học trực tiếp với thầy mà vẫn đạt hiệu quả, khi quên bài bản thì giở sách ra tự ôn lại hoặc học lại. Sách gồm 3 phần: lý thuyết về nhạc lý, các bài tập thực hành và CD minh họa kèm theo giáo trình. Trước mắt, sách này sẽ được giảng dạy ở khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh – Thạc sĩ âm nhạc dân tộc Huỳnh Khải.          
Hà Đình Nguyên (Thanh Nien)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương