Nghệ sĩ - NGƯT Diệu Đức: Có qua sóng gió mới biết quý trời quang




PNCN - Trong phim Làn môi trong mưa (35 tập, đang phát sóng vào lúc 19g30 tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trên VTV6), ĐD Đỗ Đức Thịnh đã cố tình tạo trớ trêu khi mời vợ chồng nghệ sĩ - nhà giáo ưu tú (NS-NGƯT) Diệu Đức - đạo diễn Hữu Luân vào hai nhân vật không chịu “đội trời chung” vì khoảng cách giàu nghèo.
Hai người con trai, con gái của ông Năm Thành (Hữu Luân đóng) cùng yêu hai người con gái, con trai của bà Tư (Diệu Đức đóng) nhưng vì không môn đăng hộ đối nên đại gia Năm Thành luôn tỏ ra khinh miệt, xỉ vả “đũa mốc mà chòi mâm son” của gia đình bà Tư, khiến bà hết sức đau lòng, khóc đến mờ cả mắt. Lúc ở hiện trường, cứ mỗi lần quay xong một cảnh “xỉ vả” nặng nề, ông “Năm Thành” Hữu Luân lại nhìn “bà Tư” Diệu Đức cười tủm tỉm, rồi sốt sắng dắt xe đưa vợ về như để chuộc lỗi.
Mấy mươi năm qua, cả Hữu Luân lẫn Diệu Đức đều đã từng là diễn viên trong nhiều bộ phim và luôn tôn trọng “quy ước nội bộ” là không đóng chung. Nhưng “quy ước” đó đã vô tình bị phá vỡ do sự cố tình của cậu học trò Đỗ Đức Thịnh. Lời mời được “bí mật” gửi đến riêng từng người, chỉ đến khi ra mắt đoàn làm phim, hai vợ chồng mới “bật ngửa” thì mọi sự đã rồi, đành chấp nhận phá lệ. “Nhưng cũng may, chúng tôi không phải đóng vợ chồng trong phim” - NS Diệu Đức cười nhẹ nhõm.
Quy ước trên xuất phát từ quan niệm phân định rạch ròi giữa gia đình và công việc của cả hai NS Diệu Đức và Hữu Luân. Ở nhà là vợ chồng, nhưng ra ngoài xã hội là đồng nghiệp, mỗi người đều cần được tạo điều kiện để cảm thấy tự do, thoải mái theo đuổi công việc của riêng mình, nên hết sức tránh những vướng víu “vợ vợ, chồng chồng”.
Diệu Đức người gốc Huế, là cháu đời thứ 10 của công thần Nguyễn Hữu Cảnh, cha mẹ là những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, và ngôi nhà của gia đình chị ngày trước, tọa lạc trên đường Lê Lai (Q.1) nay đã trở thành một “địa chỉ đỏ”. Diệu Đức tốt nghiệp môn dân ca Khoa Âm nhạc truyền thống Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn năm 1974 và được giữ lại làm phụ giảng. Năm 1976, khi ngành kịch nghệ được tách về Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), Diệu Đức trở thành giảng viên của Khoa Cải lương.
Hữu Luân quê ở Long An, sinh ra trong một gia đình nhà giáo (cha nguyên là hiệu trưởng Trường tiểu học Tăng Bạt Hổ, Q.4) nhưng lại thừa hưởng gien nghệ thuật của bên ngoại, gọi GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca bằng ông cậu. Năm 1981, anh tốt nghiệp lớp diễn viên kịch nói khóa I tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II cùng với Thành Hội, Khánh Hoàng, Anh Tuấn…
Những ngày đầu gặp gỡ, Hữu Luân gọi Diệu Đức bằng cô, bởi sự cách biệt rõ ràng về vị trí, một người là giảng viên còn người kia là học trò. Nhưng họ đã mau chóng trở thành “đồng chí” khi Diệu Đức là bí thư đoàn trường và Hữu Luân là ủy viên BCH phụ trách văn nghệ; rồi là đồng môn khi cả hai cùng theo học lớp đạo diễn chuyên tu, và là đồng nghiệp khi cùng tham gia Nhóm ca nhạc dân tộc Bách Việt nổi tiếng một thời (gồm những tên tuổi như Đình Văn, Ngọc Yến, Bạch Lý, Trần Bộ…).
Nhiều năm sau nhớ lại, đạo diễn Hữu Luân vẫn “thành thật” thú nhận rằng, “cậu học trò” lớp diễn viên kịch ngày ấy đã bị “tiếng sét ái tình” với cô giáo cải lương, kiêm bí thư đoàn tươi xinh và tài năng ngay từ những ngày đầu gặp gỡ. Hình ảnh một người con gái đẹp, đằm thắm với suối tóc dài chấm eo dịu dàng, biết chơi đàn tranh, hát rất hay các làn điệu dân ca, cải lương… đã khiến trái tim chàng trai trẻ “không ngủ yên” nhiều đêm. Tình yêu âm thầm ấy ngày càng “lớn mạnh”, khi anh dần phát hiện thêm những nét đẹp nữ tính ẩn chứa bên trong của người mình thương còn có sức lay động hơn những hấp lực được tỏa sáng ở bên ngoài.
Hữu Luân ngày ấy nổi tiếng là một thanh niên điển trai, học giỏi, hát hay, chơi guitar điệu nghệ, luôn là tầm ngắm của không ít cô gái trẻ đẹp, nhưng “cô giáo” Diệu Đức chỉ cho chàng trai đang yêu mình điểm mười về sự hiền lành và tính chân thật. Ngày về ra mắt quê chồng ở Long An, Diệu Đức không tránh khỏi sự ngạc nhiên về sự sắp đặt của duyên số, khi tình cờ phát hiện trên bàn thờ gia tộc của nhà chồng, có chiếc khánh vàng thờ Nguyễn Hữu Cảnh - ông tổ 10 đời của chị, vốn do vua nhà Nguyễn ban thưởng trước đây cho những gia tộc có công lớn với đất nước.
Tuy có đầy đủ tố chất để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn thành đạt, nhưng Diệu Đức đã chọn việc dạy học làm sự nghiệp, và càng tự nguyện lui về phía sau khi bắt đầu làm vợ, làm mẹ. Nền nếp gia đình, bản thân lại là cô giáo, Diệu Đức có một cách sống kỷ luật và đầy trách nhiệm với học trò và gia đình. Không ai, kể cả những học trò thân thiết, cũng không thể hình dung được làm cách nào mà trong gần 30 năm qua, Diệu Đức lại có thể một lúc quán xuyến mọi việc trong ngoài toàn vẹn như vậy. Không có người giúp việc, thời khóa biểu hàng ngày của chị cứ xoay đều 5g sáng thức dậy làm việc nhà, 6g30 đi chợ nấu cơm, 7g45 có mặt ở trường, 11g45 về nhà ăn trưa, 13g45 lại đến lớp, 17g về cơm tối, 19g đi diễn kịch. Suốt mấy chục năm, bữa tối nào cũng là bữa cơm quây quần của tất cả các thành viên trong gia đình. Chị nấu ăn rất giỏi, tự tay chế biến và luôn đổi món và làm với tất cả tình thương yêu dành cho chồng con, nên bữa ăn nào trong gia đình chị cũng đầy ắp sự nồng ấm. Ngoài những món đã trở thành “tinh luyện” cả nhà đều ghiền như canh chua, cá kho, thịt kho, canh khổ qua, canh khoai mỡ… những ngày cuối tuần, Diệu Đức kéo chồng con nhanh chóng về nhà bằng những bữa đặc biệt như bò kho, bún riêu, bún bò, bánh canh, các món gỏi…
Cô con gái Lê Hữu Hồng Chuyên và cậu con trai Lê Hữu Đăng Khoa, từ ngày đi nhà trẻ cho đến khi vào đại học, đều được cả cha lẫn mẹ chia nhau đưa đón. Hữu Luân tuy tất bật với công việc bên ngoài nhưng luôn là một người cha chu đáo. Con cái đối với hai NS Diệu Đức - Hữu Luân không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là sợi dây nối kết bền chặt tình nghĩa vợ chồng giữa họ. Chúng chính là “mẫu số chung” để kéo gần sự khác biệt tính cách của cha và mẹ. Nếu như Diệu Đức nghị lực, sâu sắc, quyết đoán thì Hữu Luân hồn nhiên, vô tư và đơn giản. Tính cách ấy được thể hiện khá rõ lúc cả hai phải đứng trước một “tai nạn” lớn có nguy cơ làm gãy đổ hạnh phúc gia đình cách đây gần 10 năm, khi bất ngờ xuất hiện “người thứ ba”. Tuy có lúc tưởng như quá sức chịu đựng, nhưng Diệu Đức, bằng tình yêu và sự khéo léo, đã lái con “thuyền tình” của gia đình vượt qua được cơn sóng dữ. Có trải qua bão bùng mưa gió mới thấy quý lúc trời quang mây tạnh, Diệu Đức đã nói như vậy. Bởi từ đó cho đến nay, từng thành viên trong gia đình, kể cả những đứa con ngày ấy còn rất nhỏ, cũng đều hiểu rằng hạnh phúc đích thực không ở đâu xa mà chính là ở đây, là biết vun đắp từng ngày cho tổ ấm của mình.
Tuy tình nguyện lui về phía sau và chỉ thỉnh thoảng làm “chơi” để đỡ nhớ nghề, nhưng tài năng cũng đã đem về cho Diệu Đức nhiều phần thưởng xứng đáng: hai HCV cho vai Nàng (vở Chàng và Nàng), Tám Bính (cải lương Bỉ vỏ) trong LH Sân khấu nhỏ TP.HCM năm 1989 và 1993, HCV (vai Thu trong vở Biển cồn cào) trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế 1995), HCV bài Lý vọng phu trong LH Hát ru toàn quốc… Năm 2009, Diệu Đức là giảng viên duy nhất của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba vì thành tích lao động xuất sắc trong nhiều năm. Hiện nay, chị đã nhận lương hưu nhưng vẫn đều đặn đến trường quay cũng như đi diễn và dàn dựng sân khấu. Chị đang vào vai bà Oanh trong phim Hạnh phúc trong tầm tay (30 tập) của ĐD Trần Chí Thành, cùng lúc gấp rút dựng vở Ký ức mùa xuân (tác giả Quốc Khánh) để kịp tham dự Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Đồng Nai vào ngày 20/10/2012. Những học trò ưu tú được chị đào tạo đang thay chị tiếp tục sự nghiệp “trồng người” ở trường. “Chồng” Hữu Luân của chị vẫn vừa là Phó Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh, vừa tất bật với công việc đóng phim, làm MC cho các đài truyền hình, truyền thanh trong cả nước. Cô con gái Hồng Chuyên đã tốt nghiệp và đi làm, còn cậu út Đăng Khoa đang học năm cuối Công nghệ thông tin Đại học Mở, nhưng ôm mộng làm đạo diễn điện ảnh. Cậu đã thực hiện được ba phim ngắn trong chương trình làm phim 48 giờ. Diệu Đức nói trong nụ cười ấm áp rằng, sau cơn bão, con “thuyền tình” gia đình mình giờ đây đang đi vào vùng trời bình yên.
Cát Vũ

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương