Lệ Thủy nhớ tuổi thơ

Lệ Thủy nhớ tuổi thơ

Thời bé, nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy và mẹ bỏ quê Vĩnh Long lên Sài Gòn, gõ cửa từng nhà xin việc, mở gánh hàng rong mưu sinh.
Trong chương đầu của hồi ký (theo dạng video, phát trên youtube tối 14/12), Lệ Thủy cho biết bà là con đầu trong một gia đình làm nông. Năm lên năm tuổi, hoàn cảnh khó khăn, mẹ con Lệ Thủy lên Sài Gòn kiếm sống, để lại em bà cho người quen chăm sóc. Họ thuê một phòng trọ ở cầu Ông Lãnh, ở chung với vợ chồng một người lái taxi. Đêm về, ba người lớn cùng một đứa bé ngủ co cụm trên chiếc giường bề ngang khoảng 1,2 m.
Video Player is loading.
Hiện tại 0:05
/
Thời lượng 2:28
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%
Quảng cáo sẽ có thể hiển thị sau 5 giây
Lệ Thủy khóc bên con trai khi nhớ về thời thơ ấu. Video: DĐT.
Những ngày đầu, mẹ dắt Lệ Thủy gõ cửa từng nhà để xin việc. Nhờ người quen gợi ý, bà làm bánh tằm, bánh chuối, bánh bèo, bỏ vào thúng và dắt con đi bán dạo. Vài tháng sau, bà chuyển sang bán bằng gánh hàng. Lệ Thủy khi ấy phụ mẹ bưng dĩa, rót nước mời khách. 
Nhan sắc Lệ Thủy thời son rỗi. Ảnh: LT.
Nhan sắc Lệ Thủy thời son rỗi. Ảnh: LT.
Việc bán bánh khởi sắc, mẹ con Lệ Thủy thuê nhà riêng để tiện việc kinh doanh. Sáu, bảy tuổi, Lệ Thủy đã rành rọt trong việc mua bột mỳ, lá dứa khi mẹ sai bảo. Thời gian sau, gia đình bà hội ngộ khi cha bà lên Sài Gòn làm quản gia cho một gia đình ở quận một. Dành dụm được vài năm, mẹ bà mua được một căn nhà nhỏ. Lệ Thủy từ đó có thêm ba đứa em. "Khi ấy, một tay tôi hát ru em, tay kia phụ mẹ làm bánh. Lúc mẹ mang thai, gần đến giờ sinh, bà vẫn cố gắng làm mẻ bánh cuối rồi dặn tôi ở nhà nấu để bà lên bệnh viện Từ Dũ sinh đứa em", bà cho biết.
Niềm đam mê ca hát nhen nhóm trong Lệ Thủy từ những ngày Tết. Lúc ấy, đoàn bầu Thắng là một trong những gánh hát đắt khách ở Sài Gòn. Tuồng đầu tiên bà nghe là Nhị độ mai - tác phẩm thường được diễn vào các ngày Tết. Bà dần tập hát vọng cổ. Một lần, ở trường, trong môn Nhạc, Lệ Thủy và các học sinh được thầy tập hát. Nghe tiếng Lệ Thủy, thầy đề nghị bà hát thử rồi khuyến khích bà nên theo đường ca hát. Sau này, khi đã nổi tiếng, gặp lại người thầy năm xưa, bà mới biết ông là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng -  tác giả nhiều nhạc phẩm nổi tiếng thập niên 1960.
Ca sĩ Dương Đình Trí (phải) - con trai Lệ Thủy - hỗ trợ mẹ
Nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948. Ca sĩ Dương Đình Trí (phải) - con trai bà - hỗ trợ mẹ làm hồi ký. Ảnh: TT.
Năm Lệ Thủy 12 tuổi, bà nghỉ học vì không đủ giấy tờ tùy thân. Ở nhà trông em, bà thường ca lại những tuồng trên radio của Út Bạch Lan, Thanh Hương, Ngọc Giàu... Một lần, có người tên Tư Long đi ngang xóm. Tới nhà Lệ Thủy, ông đứng lại, thắc mắc: "Nhỏ nào ca hay quá vậy nè?". Lúc ấy, bà đang hát lại tuồng Lan và Điệp. Ông chú ý đến bà từ đó. Vài ngày sau, nhân lúc Lệ Thủy đang bán bánh phụ mẹ, ông bèn ngỏ lời: "Giờ em muốn đi hát không?". Ban đầu, Lệ Thủy từ chối vì không biết nhịp. Khi nghe nói sẽ được thầy hướng dẫn hát, bà về nhà hỏi mẹ và được đồng ý.
Mỗi tối, Lệ Thủy đi bộ hai cây số đến nhà thầy học hát. Bài đầu tiên bà học là Lắng tiếng chuông ngân (soạn giả: Viễn Châu) - nhạc phẩm nổi tiếng qua giọng hát Thanh Nga. Chỉ học ba ngày, bà đã nắm các quy tắc nhịp. Dần dà, bà được học các bản nhạc phức tạp hơn, như: ba Nam, sáu Bắc, lưu thủy trường, phú lục... Từ đó, bà được giới thiệu cho Ban văn nghệ thông tin của Sài Gòn, mở lối cho bà bước vào con đường ca hát.
Khi đoàn Trâm Vàng tuyển nghệ sĩ, nghệ sĩ Tám Minh Nguyệt giới thiệu Lệ Thủy thử giọng. Bà được nhận, thậm chí hai trưởng đoàn còn xem bà là con nuôi. Tuy vậy, nghệ sĩ canh cánh việc không ai phụ mẹ chăm sóc sáu em nhỏ. "Ngày ấy, ban đầu, tôi theo đoàn vì muốn có tiền lo cho gia đình chứ không phải đam mê", Lệ Thủy nói.
Theo gánh hát đến Biên Hòa, Lệ Thủy gặp nhiều khó khăn. Bà không được biểu diễn như mong muốn, phải ngủ sân khấu với một manh chiếu nhỏ. Nhớ mẹ và các em, có lần, bà bỏ nghề để về Sài Gòn với gia đình. Nhưng thấy cảnh gia đình đói khổ, bà quyết tâm học hỏi, làm đủ mọi việc ở đoàn từ theo các chị đi chợ đến nấu ăn, hậu trường... Bà còn được giao nhiệm vụ ngâm thơ sau cánh gà để các nghệ sĩ diễn. Dù không xuất hiện trước khán giả, Lệ Thủy 13 tuổi ngày ấy đã được nhiều người khen là có giọng hay. Sau đêm diễn đầu tiên, bà được thưởng 10 đồng - mức lương đầu tiên mà bà nhận được.
Quan âm Thị Kính - đĩa nhạc đầu tiên Lệ Thủy thu âm năm 12 tuổi. Ảnh: DĐT.
"Quan âm Thị Kính" - đĩa nhạc đầu tiên Lệ Thủy thu âm năm 12 tuổi. Năm 2012, bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ảnh: DĐT.
Sau nhiều tháng theo đoàn để học hỏi, cơ hội đến với Lệ Thủy. Lúc đó, cố soạn giả Viễn Châu cần một người thử vai tiểu đồng trong đĩa Quan âm Thị Kính, Lệ Thủy được chọn. "Lúc đó tôi mừng quá, mọi người nói rằng đi thâu đĩa thì sợ lắm. Nhưng tôi thì 'điếc không sợ súng', vẫn ca hết mình", nghệ sĩ gạo cội cho biết. 
Khách mời trong video của Lệ Thủy gồm các nghệ sĩ cải lương "thế hệ vàng", như Minh Vương, Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Thoại Miêu, Chí Tâm, Phượng Liên, vợ chồng Thanh Điền - Thanh Kim Huệ... Họ cùng ôn lại một chặng đường phát triển của cải lương, những câu chuyện hậu trường khi cùng bà đi lưu diễn. Hồi ký được phát định kỳ hai tuần một lần. Chương tiếp theo ra mắt sáng 29/12. 
Mai Nhật

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương