Trong tháng 6, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP Hồ Chí Minh tiếp tục lưu diễn phục vụ khán giả ở nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố. Tại nhà truyền thống Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, nhà hát phục vụ bà con vở "Lưu Kim Ðính". Sau đó, nhà hát tiếp tục có nhiều suất diễn tại quận 1 với các trích đoạn "Lữ Bố hí Ðiêu Thuyền", "Ðào Tam Xuân đề cờ" và "Hoàng Phi quy châu". Ðặc biệt, trong hai suất diễn tại UBND phường 8 và Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội thành phố biểu diễn vở "Nguyễn Hữu Cảnh". Vở diễn mang nội dung ca ngợi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá vùng đất phương nam trù phú, giúp đỡ người dân có cuộc sống sung túc và thanh bình. Vở diễn được giới thiệu đến người dân vùng ngoại thành vào giữa tháng 6 tại Miễu Họ Trương, xã Tân Xuân, ấp Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn. Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu với du khách nước ngoài loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đều đặn tổ chức nhiều suất diễn cho các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát Bội tại phố đi bộ Bùi Viện. NSƯT Hữu Danh chia sẻ, mỗi lần anh em nghệ sĩ hát bội biểu diễn tại phố "Tây" Bùi Viện, du khách nước ngoài xem đông lắm. Ðây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh em nghệ sĩ tiếp tục theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Cũng nỗ lực "sáng đèn" thường xuyên hơn, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vượt khó để đều đặn ra mắt công chúng ba suất diễn mỗi tháng tại nhà hát, bên cạnh những chuyến lưu diễn phục vụ người dân ở các huyện ngoại thành. Trong khi đó, đơn vị chuyên dàn dựng những chương trình nghệ thuật mang tính hàn lâm, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) đang có sự phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Từ biểu diễn định kỳ một chương trình, rồi đến hai chương trình và những năm gần đây là ba chương trình vào các ngày 9, 19 và 29 hằng tháng, HBSO đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm của khán giả trong nước và quốc tế trên địa bàn thành phố. Nhà hát đều đặn có những vở ba-lê, nhạc kịch, hay những buổi hòa nhạc theo từng chủ đề mà chương trình nào ra mắt khán giả cũng đều trong tình trạng "cháy" vé. Cũng trong tháng 6 này, tại nhà hát diễn ra ba chương trình gồm Các kiệt tác âm nhạc Ðức, Ðêm nhạc Mô-da, và nhất là sự trở lại của Nhạc kịch "Dế mèn phiêu lưu ký". NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch thành phố cho biết, trong năm 2019, hoạt động của nhà hát khá sôi nổi với nhiều nét mới trong hoạt động biểu diễn. Ðiểm thay đổi nổi bật đầu tiên trong mùa diễn 2019 của HBSO chính là lịch biểu diễn định kỳ, Nhà hát sẽ không tổ chức biểu diễn theo các ngày 9, 19 và 29 trong tháng mà sẽ biểu diễn vào các ngày cuối tuần. Như vậy, trung bình mỗi tháng vẫn phục vụ ba suất diễn, có tháng sẽ lên tới bốn suất diễn.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, các đơn vị nghệ thuật đã hoàn thành tốt nhiều chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị trong nước và nước ngoài, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn khá hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả, phần nào đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân thành phố. Trong năm 2018, cả tám đơn vị nghệ thuật thành phố đã thực hiện 1.860 suất diễn, phục vụ hơn một triệu lượt khán giả. Sở đã điều động bảy đơn vị nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ tại các quận, huyện ngoại thành, trường trại của thành phố với 446 suất diễn, phục vụ 133.800 lượt người xem, đáp ứng nhu cầu giải trí cho khán giả vùng sâu, vùng xa.
Một trong những yếu tố tạo nên sự khởi sắc bước đầu của một số đơn vị nghệ thuật thành phố chính là công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ được các đơn vị quan tâm nhiều hơn. Từ hình thức truyền nghề đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát bội, hay từ các trường nghệ thuật, một lớp diễn viên trẻ được đào tạo bài bản đã được hình thành, tạo nên làn gió tươi mới cho các đơn vị nghệ thuật. Ngoài ra, việc chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa của thành phố đã giúp một số diễn viên trẻ trên các lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm được đi tu nghiệp ở nước ngoài, góp phần nâng cao kỹ thuật biểu diễn. Sự mạnh dạn trong đổi mới dàn dựng, nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật cũng mang lại sức hấp dẫn cho các vở diễn gần đây. Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch thành phố, nhà hát thường xuyên tổ chức những đợt giao lưu, mời những nghệ sĩ, nhà biên đạo nổi tiếng thế giới về dàn dựng, biểu diễn tại nhà hát. Từ đó, những chương trình biểu diễn của nhà hát được nâng cao về chất lượng, các diễn viên trẻ cũng có cơ hội học tập, rèn luyện nhiều hơn.
Thời gian tới, để hoạt động biểu diễn ở các đơn vị nghệ thuật thành phố khởi sắc hơn nữa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đang xây dựng kế hoạch "Sáng đèn sân khấu tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang" và Ðề án Sân khấu du lịch. Nếu những kế hoạch, đề án này triển khai hiệu quả, các loại hình nghệ thuật thành phố, nhất là nghệ thuật truyền thống sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét