Góp nhiều ngọn đuốc nhỏ thì sẽ thấy đường


Ban nhạc nhí đến từ Khoa Âm nhạc dân tộc (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh) biểu diễn trong buổi ra mắt Dự án “Tiếp bước trăm năm”.
Với mục đích đào tạo một thế hệ công chúng mới cho bộ môn nghệ thuật cải lương đang trong giai đoạn xuống cấp trầm trọng, dự án “Tiếp bước trăm năm” do YUME Art Project tổ chức vừa ra mắt. Dự án mang đến hai khóa học: Thưởng thức cải lương và Trải nghiệm cải lương cho các bạn trẻ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một trong những người sáng lập dự án này là TS Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, thuộc khoa Văn học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh).
Mối duyên lành với cải lương
- Thưa TS Đào Lê Na, chị được biết đến là người hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực điện ảnh, cơ duyên nào đưa chị đến với cải lương?
- Thật ra, dự án “Tiếp bước trăm năm” đã được tôi ấp ủ từ trước. Tuy nhiên, vì dự án điện ảnh xin được tài trợ trước nên tôi thực hiện trước. Và sau khi thực hiện dự án điện ảnh, tôi nhận thấy dự án cải lương sẽ khó khăn nếu không có người đồng hành.
Năm 2018, tất cả những mối lo lắng bỗng nhiên đều được giải quyết. Hội đồng Anh tìm kiếm các tổ chức đào tạo cải lương. Bạn Bùi Thiên Huân, người cùng điều hành dự án YUME với tôi lại là một người làm trong lĩnh vực sân khấu và rất tâm huyết phát triển sân khấu dân tộc. Bên cạnh đó, qua các chương trình do YUME thực hiện, chúng tôi còn được NSND,TS Bạch Tuyết động viên, khích lệ. Tất cả những mối duyên lành đến trong thời điểm 100 năm sân khấu cải lương là điều kiện không thể tuyệt vời hơn để chúng tôi bắt tay thực hiện dự án “Cải lương và bạn trẻ”. Sau hai năm, qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi điều chỉnh lại một số nội dung cho phù hợp và chính thức lấy tên dự án là “Tiếp bước trăm năm” như một sự khẳng định về sự đồng hành và phát triển cùng nghệ thuật cải lương.
- Từ góc nhìn của chị, thực trạng của cải lương hiện nay ra sao?
- Rõ ràng, trong thời đại kỹ thuật số này, cải lương và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác chưa được chú ý đúng mực, nhiều người trẻ xa rời văn hóa nghệ thuật truyền thống. Điều này sẽ khiến các bạn bơ vơ trong việc đi tìm căn tính dân tộc và sáng tạo nghệ thuật.
Nếu văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam thật sự được các bạn yêu, hiểu và thấm nhuần, chắc chắn, các bạn sẽ tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật mang tiếng nói của dân tộc và thời đại; đồng thời sẽ có ý thức xây dựng được hình ảnh Việt Nam rất đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Điều đó thôi thúc chúng tôi thực hiện các dự án về văn hoá, nghệ thuật truyền thống nói chung và cải lương nói riêng.
- Theo chị, vì sao Hội đồng Anh lại quan tâm đến dự án “Tiếp bước trăm năm”?
- Dự án Truyền dạy cải lương cho trẻ em và thanh thiếu nhi là một phần của Dự án Di sản Văn hóa cho sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh. Đây là dự án Hội đồng Anh thực hiện ở ba nước Cô-lôm-bi-a, Kê-ni-a và Việt Nam. Sở dĩ Hội đồng Anh quan tâm đến cải lương vì họ nhận thấy đây là loại hình nghệ thuật truyền thống rất giá trị của Việt Nam nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, họ kêu gọi các tổ chức nghệ thuật thực hiện các dự án liên quan đến bảo tồn, quảng bá và truyền dạy cải lương để nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển cải lương trong cộng đồng. Hành trình đưa dự án “Tiếp bước trăm năm” của YUME Art Project đến với Hội đồng Anh hoàn toàn không có chút khó khăn nào vì chúng tôi có cùng chung quan điểm.
Mơ về một thế hệ biết thưởng thức nghệ thuật truyền thống
- Thực tế, một số đơn vị phía nam từng đưa kịch tới trường học để đào tạo đội ngũ khán giả kế cận cho sân khấu. Nhưng rất tiếc, hầu hết đều thất bại. Dự án của chị có gì đặc biệt để thu hút các bạn trẻ?
- Tôi cũng có nghe về một số dự án đưa sân khấu tới trường học. Tôi nghĩ đó là những dự án thú vị. Tuy nhiên, cách hoạt động của tôi sẽ khác hơn một chút so với các dự án đó. Việc đào tạo khán giả của chúng tôi dựa trên sự tiếp nhận thông tin hai chiều. Chúng tôi không tổ chức các hội thảo để bàn về giải pháp cho cải lương mà tổ chức các buổi đối thoại về cải lương với người trẻ. Chỉ có lắng nghe tiếng nói của người trẻ, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các bạn trẻ thì chúng tôi mới biết cách nên làm gì để cải lương đến gần với các bạn.
Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng cải lương rất hiện đại vì nó ra đời sau cả kịch nói phương Tây; lời thoại của cải lương mang hơi thở, tiếng nói của thời đại. Đó chính là nguyên nhân khiến cải lương từng được nhiều người yêu thích. Mặc dù dự án của chúng tôi là đào tạo khán giả, nhắm đến khán giả nhưng chúng tôi để họ tìm đến dự án một cách tự nguyện chứ không ép buộc. Chúng tôi đào tạo họ biết cách thưởng thức cải lương để chính họ sẽ có trách nhiệm nghĩ cách giúp cải lương có thể thích nghi được trong thời đại 4.0 này.
- Vì sao dự án của chị lại hướng đến các bạn trẻ độ tuổi 9-19 tuổi tại TP Hồ Chí Minh? Trong khi, có một thực tế là thế hệ trẻ ngày nay, nhất là trong độ tuổi mà dự án đang hướng đến càng ngày càng xa rời với cải lương?
- Dự án của chúng tôi chọn lứa tuổi 9-19 là lứa tuổi mà chúng tôi nghĩ phù hợp để các bạn hiểu được sứ mệnh của mình trong việc giữ gìn và phát triển cải lương. Dưới 9 tuổi thì còn bé quá. Các bạn đi làm rồi thì có nhiều việc phải lo. Và đối với các bạn đã trưởng thành, nếu các bạn yêu thích cải lương thì cũng có thể tự tìm được các khóa học có thu phí để thỏa mãn đam mê của các bạn. Đây là khóa học miễn phí nên chúng tôi ưu tiên cho các bạn còn đang đi học.
- Một cách ví von, nếu gọi công việc của chị đang làm chẳng khác gì đốt đuốc giữa rừng sâu, chị nghĩ sao?
- Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ mình đang làm điều gì vô ích. Tôi cho rằng, xã hội sẽ tốt đẹp nếu mỗi người có thể đóng góp một phần nào đó mà mình cho là có ích. Tôi biết không phải chỉ có chúng tôi mà còn có rất nhiều người cũng dành nhiều tâm huyết làm cho cải lương phát triển và chúng tôi rất vui vì mình có thể là một phần bé nhỏ đó. Nhiều ngọn đuốc nhỏ thì sẽ nhìn thấy đường thôi.
- Chị và cộng sự của mình nhìn thấy sự lạc quan như thế nào khi thực hiện dự án này?
- Dự án tập trung đào tạo khán giả cho cải lương nên chúng tôi mong muốn từng bạn trẻ hiểu được cải lương hay như thế nào, mang đậm giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc ra sao, cần thay đổi và điều chỉnh điều gì để bản thân mỗi người tự nâng cao ý thức gìn giữ và chia sẻ những hiểu biết của họ về cải lương cho bạn bè, cộng đồng. Nếu sự chia sẻ này được nhân lên và lan tỏa, nếu cả cộng đồng đồng lòng yêu cải lương và phát triển cải lương, chắc chắn cải lương sẽ tiếp tục huy hoàng.
- Xin cảm ơn và chúc dự án của chị thành công!
THÀNH VINH (Thực hiện)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương