Minh bạch danh hiệu

Minh bạch danh hiệu

Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL vừa đăng tải kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 9 năm 2018 tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước. Thế nhưng bên cạnh niềm vui của 380 nghệ sĩ sắp có cơ hội được vinh danh là những tranh cãi trong vấn đề minh bạch danh hiệu. 

Minh bạch danh hiệu
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Tuệ Minh, tháng 1/2016.
Luật và tình
Cụ thể, theo danh sách vừa được công bố có 77/105 hồ sơ xét tặng NSND và 303/359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đạt được trên 90% số phiếu đồng ý từ thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Với số liệu trên thì có gần 1/4 hồ sơ đã bị loại so với danh sách do 48 Hội đồng cấp Bộ, cấp tỉnh gửi hồ sơ lên trước đó.
Đặc biệt trong danh sách trên có nhiều cái tên “bị loại” gây bất ngờ với người hâm mộ như NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Hồ Quỳnh Hương… Trong đó, trường hợp NSƯT Minh Vương đã lần thứ 3 bị “đánh trượt” danh hiệu NSND.
Trước đó, trong đợt xét tặng ở Hội đồng cấp Bộ, cấp tỉnh hàng loạt các nghệ sĩ cũng đã bị “gạch tên” như NSƯT Chí Trung, NSƯT Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội…
Thậm chí “ồn ào” nhất với trường hợp NSƯT Lê Văn Thể (NSƯT Lê Thể) khi đã có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định thành tích của mình là xứng đáng phong tặng NSND. Không những vậy, NSƯT Lê Văn Thể còn tố cáo NSƯT Hoàng Minh Khánh - người cũng đang có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 9 lấy tác phẩm của ông đi dự thi. 
Có thể thấy, cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại có những cơn “sóng” nổi lên. Ở đó, dường như việc bị “đánh trượt” phần nhiều đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự trọng của những người nghệ sĩ.
Thậm chí, đây còn là những đề tài dư luận quan tâm ở chuyện nhiều nghệ sĩ được công chúng yêu mến nhưng khi xét hồ sơ thì lại “trượt” vì không có đủ số huy chương, không đủ tỷ lệ phần trăm phiếu bầu của hội đồng theo quy định, hoặc hy hữu hơn là điều kiện đủ cả nhưng “quên” không khai trong hồ sơ.
Hay như việc một số nghệ sĩ trẻ có tên trong danh sách phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND trong khi nhiều nghệ sĩ lão làng cả đời cống hiến cho nghệ thuật vẫn bị “đánh trượt” không khỏi làm nhiểu người chạnh lòng.
Chính vì nguyên nhân này đã tạo nên những luồng dư luận cho rằng thành tích đang là “rào cản” cho việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ. Bởi thực tế nếu căn cứ  theo thành tích dường như đang làm khó các nghệ sĩ trong lĩnh vực không mấy văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống, hậu cảnh hậu trường… Họ thực sự đang bị “lép vế” so với những nghệ sĩ hoạt động bề nổi, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, các hội thi, hội diễn.  
Nỗi lòng người xét tặng
Có thể thấy danh hiệu NSND, NSƯT nếu được trao đúng lúc, đúng chỗ sẽ là nguồn động viên lớn lao để nghệ sĩ nỗ lực cống hiến. Thế nhưng mỗi kỳ xét tặng nào cũng vậy việc vinh danh nghệ sĩ bằng danh hiệu vẫn đang phụ thuộc vào vấn đề thủ tục, những căn cứ, quy định. Nặng nề hơn một số người “bất phục” cho rằng việc xét tặng đang bị “cơ chế xin cho vẫn đè nặng”.
Trong khi, danh hiệu NSND, NSƯT là một giá trị “trân quý” dù không làm người nghệ sĩ giàu thêm về tiền bạc nhưng thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước với những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà. Bởi với nhiều nghệ sĩ, họ làm nghệ thuật trên hết là vì yêu nghề, yêu khán giả chứ không vì bất kỳ danh hiệu nào. Dù có được danh hiệu hay không thì họ vẫn lao động hết mình cho sàn diễn. Thậm chí thời gian ngày càng bào mòn sức khỏe nhưng họ vẫn miệt mài dưới ánh đèn sân khấu để cống hiến phụng sự, phục vụ nhân dân. 
Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) Phùng Huy Cẩn thừa nhận việc xảy ra những tranh cãi, khiếu kiện mỗi kỳ xét tặng là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo ông Cẩn, về mặt thủ tục hành chính bản thân ông cũng không có quyền gạt bất cứ một hồ sơ nào mà mọi trường hợp đều phải báo cáo lên Hội đồng. Những trường hợp không được xét tặng trong lần này đều do không đạt đủ 90% số phiếu của hội đồng.
Thậm chí ông Cẩn còn cho biết hồ sơ xét tặng được xếp theo thứ tự. Đầu tiên là hồ sơ của các nghệ sĩ có tuổi đời từ 70 trở lên. Sau đó là hồ sơ được xếp theo thứ tự người có số lượng huy chương cao nhất tới người có huy chương thấp nhất và cuối cùng là các hồ sơ thiếu A, B, C…
Tất cả mọi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do 48 Hội đồng cấp Bộ, tỉnh gửi lên chúng tôi đều trình đầy đủ lên Hội đồng. Về quy trình, mỗi hồ sơ được Chủ tịch hội đồng đưa ra đều được các thành viên bàn luận, bảo vệ, phản biện công khai trước khi bỏ phiếu đưa ra quyết định cuối cùng.
Việc này khác hoàn toàn với tuyển sinh bởi hồ sơ của các nghệ sĩ là công khai từ danh tính đến thành tích, quá trình cống hiến. Tuy nhiên, ý chí, nhận định cuối cùng của mỗi thành viên trong hội đồng là thể hiện trên các lá phiếu và họ chịu trách nhiệm với mỗi lá phiếu đó.
Do đó, việc người được hay không được là chuyện bình thường khi xét tặng. Hội đồng chỉ họp lại trong trường hợp hội đồng có sai phạm nghiêm trọng trong xét tặng. Không phải vì trường hợp A, hay B không đạt đủ số phiếu mà hội đồng phải họp để xét lại.
Theo đúng quy trình thì Hội đồng cấp nhà nước sẽ gửi danh sách các nghệ sĩ được xét tặng và không được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong đợt này tới Hội đồng cấp cơ sở.
“Trong thời gian lấy ý kiến, Hội đồng sẽ tiếp nhận những phản hồi từ các nghệ sĩ chưa được xét tặng và sẽ có giải thích, trả lời cụ thể với từng trường hợp”- ông Cẩn nói.     
    Minh Quân

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương