Cần truyền dạy đờn ca tài tử một cách bài bản

Nhằm tiếp tục lưu giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống vốn có của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, Bình Dương sẽ tổ chức truyền dạy ĐCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các trường phổ thông, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương và các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức tập huấn ngắn hạn về ĐCTT cho đối tượng giáo viên dạy bộ môn âm nhạc bậc phổ thông.
 Nghệ thuật ĐCTT có ở Bình Dương rất sớm và thành quả mà phong trào ĐCTT Bình Dương đạt được trong những năm qua là kết quả phấn đấu và sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân trong tỉnh. Bình Dương tự hào có những đóng góp nhất định trong phong trào ĐCTT Nam bộ, góp phần đưa nghệ thuật ĐCTT trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiết mục trình diễn của CLB ĐCTT TX.Thuận An trong Chương trình giao lưu đờn ca tài tử với Đoàn nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tây Ninh   
Có thể điểm qua những hoạt động mà Bình Dương đã làm được trong thời gian qua: Duy trì hoạt động của các đội, nhóm, CLB ĐCTT trên địa bàn toàn tỉnh, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi tìm kiếm giọng ca tài tử hay, cuộc thi sáng tác 20 bài bản Tổ nhạc tài tử, vọng cổ dành cho mọi đối tượng… Đặc biệt, Bình Dương vừa đăng cai tổ chức rất thành công Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần 2, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè khắp nơi. Để góp thêm nhiều thế hệ nghệ nhân, tài tử cho phong trào ĐCTT Bình Dương trong thời gian tới, thì cần lắm những chương trình, lớp học truyền dạy về ĐCTT.
Hiện, Bình Dương có 72 CLB, đội, nhóm ĐCTT với hơn 800 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Các CLB hoạt động khá sôi nổi và nề nếp, nhiệt tình tham gia các phong trào hội thi, hội diễn do các cấp, các ngành tổ chức hàng năm và đạt nhiều thành tích cao. Nhiều nhân tố mới được phát hiện trong phong trào ĐCTT của các CLB, được CLB trau dồi kiến thức và trở thành những nghệ nhân giỏi trong nghề. Tuy nhiên, việc truyền dạy kiến thức ĐCTT vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Bởi vì cũng là ĐCTT nhưng mỗi nơi, mỗi thầy (nghệ nhân) dạy mỗi kiểu.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020”, Bình Dương sẽ tổ chức truyền dạy ĐCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các trường phổ thông, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương và các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức tập huấn ngắn hạn về ĐCTT cho đối tượng giáo viên dạy bộ môn âm nhạc bậc phổ thông. Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh với nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết với loại hình nghệ thuật di sản này.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Phụ trách Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phú Giáo cho biết, trong thời gian qua, Phú Giáo đã thành lập 9 CLB ĐCTT/11 xã, thị trấn. Các CLB này sinh hoạt định kỳ và truyền dạy theo hình thức người đi trước dạy người đi sau, người biết nhiều chỉ dẫn cho người biết ít, người không biết. Cứ thế mà các bài bản tài tử dần dần được thuộc lòng và trình diễn, thi thố với nhau. Để các tài tử này có thêm kiến thức về ĐCTT, chúng tôi muốn mở lớp dạy kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng giờ đây vẫn còn lúng túng trong việc nên mời ai dạy, dạy với nội dung gì…
Còn theo ông Đào Minh Thành, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin TX.Dĩ An, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT thì công tác truyền dạy rất quan trọng. Nên chăng chúng ta cần tổ chức lớp tập huấn kiến thức cơ bản cho các CLB xã, phường, thị trấn để họ có định hướng trong quá trình truyền dạy của mình ở cơ sở thật bài bản. Mặt khác, chúng ta cũng cần quán triệt cho giáo viên âm nhạc những kiến thức chuyên môn về ĐCTT để dạy cho học sinh. Bởi hầu hết các giáo viên chỉ dạy nhạc lý, dân ca cho học sinh, còn cổ nhạc thì hầu như không biết. Những người nắm vững những kiến thức chuyên môn này không ai khác là những nghệ nhân gạo cội, những người đã dày công đóng góp cho phong trào ĐCTT tỉnh nhà, những nghệ nhân ưu tú. Hiện nay, các nghệ nhân này đã lớn tuổi. Vì thế, chúng ta cần phải bảo tồn các nghệ nhân, đặc biệt là sớm đưa ra các tiêu chí để hỗ trợ các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, để họ có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và truyền dạy cho các thế hệ trẻ.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, ông Bùi Thiện Khải, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, cho biết: “Những kiến thức căn bản về ĐCTT cần phải được truyền dạy một cách khoa học. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tranh thủ mô hình truyền dạy kiến thức từ các gia đình, các CLB cơ sở. Vì thế, nếu chọn mỗi xã, phường, thị trấn 1 người rồi mời họ tham gia lớp tập huấn về ĐCTT do Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức thì sẽ bảo đảm tính hiệu quả của việc truyền dạy”.
 “Từ cuối năm 2017, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã triển khai thu hình mẫu chương trình tuyên truyền và chương trình truyền dạy ĐCTT. 2 chương trình sẽ được phát sóng vào giữa tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới. Hy vọng 2 chương trình này sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu ĐCTT của các tầng lớp nhân dân và sẽ phát huy những giá trị nghệ thuật của loại hình âm nhạc di sản này”.
(Ông Bùi Thiện Khải, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương)
 THỤC VĂN

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương