(NLĐO) Họ là những nghệ sĩ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công
chúng bởi tài năng độc đáo. Họ đã trải qua quá nhiều gian truân và tạo
được vị trí bằng nỗ lực không ngừng. Khán giả đã tặng cho họ danh hiệu
tuyệt đẹp: "Vua không ngai", "Nữ hoàng đào mụ", "Ngôi sao cả", "Hoàng tử
hơi dài".
NSND Lệ Thủy thăm NS Thành Được
"Vua không ngai" Thành Được
Danh
ca Thành Được ẩn tuổi Tuất, năm nay ông đón xuân tại San Jose cùng với
gia đình. Nói về tuổi Tuất ông vẫn thường nhắc đến những vất vả trong
đời nghệ sĩ, như câu nói ví von: "Cực như con tuất, cứ sủa vang và không
hối tiếc".
Ông tên thật là Châu Văn Được, sinh năm 1934 trong
một gia đình phú nông giàu có tại xã An Mỹ, huyện Kế Sách, Sóc Trăng.
Ông nhớ hoài những năm còn học tiểu học, được theo cậu ruột là bầu gánh
hát cải lương Thanh Cần, để học hát. Mùa xuân 1954, ông được bước lên
sân khấu diễn lần đầu tiên trong gánh hát của cậu ruột. Sau đó 2 năm,
ông đã nổi bật trong vai Tô Điền Sơn (vở
Khi hoa anh đào nở). Năm 1958, ông được mời về Đoàn Kim Chưởng, sau đó đầu quân về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, nổi bật với vai trò kép chánh.
"Đến năm 1966, tôi đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai diễn tướng cướp Thi Đằng (vở
Tiếng hạc trong trăng).
Vai diễn mang lại cho sự nghiệp nghệ thuật của tôi mùa xuân tươi thắm.
Thế nhưng, kéo theo đó là những vất vả, gian truân của đời nghệ sĩ" –
danh ca Thành Được tâm sự.
NS Thành Được và Phượng Liên trong vở "Tuyệt tình ca"
Có
dịp gặp ông tại San Jose, Mỹ, ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc
đời và những gian truân của ông. Điều khiến ông nhớ nhất chính là cơ hội
được làm nghề, vươn lên từ những khó nhọc trong việc đúc kết kinh
nghiệm. Bởi, cái thời ông vào nghề diễn viên, tất cả những bài học đều
trông chờ vào sự siêng năng, cần cù, chịu khó ngồi bên cánh gà để học
hỏi đàn anh đi trước, "chẳng có ai chỉ cho mình nghề đi buôn, phải lỗ
vốn nhiều bận mới có kinh nghiệm cho hai từ thành đạt. Chính điều này
dạy tôi phải siêng năng, dù hồi đó còn nhỏ tuổi, ham chơi lắm, nhưng khi
biết một thân, một mình bước vào nghề hát, thì phải tự thân vận động.
Tuổi Tuất vốn nhanh nhạy, có khí chất, nhưng cũng dễ bị nản chí. Biết
mình ẩn tuổi Tuất, tôi luôn vượt qua những khó ngại để khẳng định nghề
nghiệp mà mình đã đam mê" – ông kể với nụ cười tươi tắn, nhìn mùa xuân
về với nỗi nhớ sàn diễn, mong được sánh bước cùng thế hệ trẻ của nghệ
thuật cải lương sắp tròn 100 tuổi. "Tôi được báo giới thời đó gọi là
"ông vua không ngai" của sàn diễn cải lương, đó là lời khen tặng đồng
thời cũng là áp lực để răn mình phải sống cho xứng đáng với danh từ to
đẹp đó".
NS Thành Được trong vở "Tuyệt tình ca"
"Nữ hoàng đào mụ" Hồng Nga
Thời
trẻ, bà được ông thợ hớt tóc biết đờn cổ nhạc dạy ca vọng cổ cho đúng
nhịp. Nhờ có năng khiếu, nên bà được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa, quận 4
nhận làm con nuôi. Lúc đó, bà mới 13 tuổi, ban ngày đi gánh nước mướn,
ban đêm đến nhà thầy học ca đủ 3 Nam, 6 Bắc và bài vọng cổ. Sau đó bà
được thầy giới thiệu đến quán Lệ Liễu trong khu giải trí Thị Nghè để
biểu diễn. "Ẩn tuổi Tuất, phụ nữ khổ lắm. Bằng chứng tôi có đến 5 đời
chồng, chưa một lần được mặc áo cưới cô dâu. Gánh hát cải lương đầu tiên
tôi theo là gánh Hằng Xuân – An Phước của bà Bầu Sáu Đặng. Khoảng thời
gian này, tôi mang nghệ danh là Kim Nga. Mãi đến khi ký hợp đồng hát cho
đoàn Thống Nhất của Đệ nhất danh ca – NSND Út Trà Ôn, tôi được bà Hồng
Hoa là vợ của ông đổi nghệ danh Kim Nga thành Hồng Nga. Từ cái tết năm
đó, tôi chính thức đóng vai đào mụ. Còn nhớ cậu mười Út Trà Ôn thường
nói: "Con tuổi Tuất sẽ khổ lắm. Đời con sau này nở hậu, còn hiện tại thì
khóc nhiều hơn cười". Quả đúng như vậy, cậu Mười còn hơn cả thầy bói,
nói số tôi đúng như sấm truyền. Hiện tại, đời tôi đúng là "nở hậu", tức
tôi tăng ký lô đều đều…" – bà cười thật tươi, kể tiếp số mệnh "nữ hoàng
đào mụ".
NS Hồng Nga, NSND Ngọc Giàu, Lệ Thủy và nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình Vinh danh soạn giả Viễn Châu tại Trà Vinh năm 2012
"Tôi
khổ lụy vì tình nên dễ khóc lắm. Lần lượt những người đàn ông đến với
tôi rồi rứt áo ra đi cũng bởi tôi quá nghèo, quá xấu. Một mình tôi nuôi
năm con. Cứ Xuân đến, Tết về, nội sắm sửa trong nhà, lo cho các con có
cái ăn, cái mặc đã chóng mặt nên hiếm có cái Tết nào được ăn ngon. Sau
này, khi các con đã yên bên gia thất, tôi bắt đầu sống cuộc sống an
nhàn, chỉ lo đi hát, lấy niềm vui được gặp gỡ khán giả làm niềm hạnh
phúc cho đời. Tuổi Tuất vì thế lắm gian khổ, nhiều chông gai, bù lại
tuổi Tuất làm nghệ thuật thì kiên trì lắm. Như bản thân tôi, đã có mục
đích phấn đấu thì khó mấy tôi cũng phải đạt được thành quả. Tôi không có
giải thưởng nào trong sự nghiệp nghệ thuật, chỉ có giải Mai Vàng là
khán giả tặng cho tôi. Nhưng tôi có được biệt danh "nữ hoàng đào mụ", vì
từ năm 17 tuổi tôi đã đóng vai mẹ của những tài danh. Từ Út Trà Ôn, Út
Bạch Lan cho tới Bạch Tuyết, Hùng Cường, Lệ Thủy, Minh Vương…tôi đều
đóng vai mẹ của họ. Tôi hạnh phúc khi nghĩ về tuổi Tuất" – NS Hồng Nga
phấn khởi bày tỏ.
NS Hồng Nga và nhà báo Thanh Hiệp
Quả
đúng như nhận xét của nhiều nhà chuyên môn, nghệ sĩ Hồng Nga là nữ nghệ
sĩ đa tài. Bà có thể vào nhiều vai như: đào mùi, đào lẳng, đào độc, vai
mụ hiền hoặc mụ ác, kể cả vai nữ hề... Ngoài ra, nghệ sĩ Hồng Nga còn
là diễn viên hài xuất sắc. Trong sự nghiệp, bà nổi tiếng qua các vai
lẳng pha chất mùi bởi bà ca vọng cổ rất hay. Cho đến ngày nay khi đã 72
tuổi, bà vẫn còn giữ được chất giọng ngọt ngào, truyền cảm. Năm 2018, bà
sẽ tiếp tục thực hiện live show để làm công tác từ thiện, giúp đỡ nghệ
sĩ nghèo, già yếu neo đơn. "Tôi vẫn là vai phụ, đứng phía sau những hào
quang, nhưng chắc chắn ngọn lửa yêu nghề trong tôi không bao giờ tắt" –
bà khẳng khái nói.
"Ngôi sao cả" Vũ Linh
Gọi
NSƯT Vũ Linh là "ngôi sao cả" vì anh thuộc thế hệ nghệ sĩ đoạt giải HCV
Trần Hữu Trang đầu tiên khi giải thưởng này kế thừa HCV Thanh Tâm và
chỉ một năm sau anh chiếm lĩnh giải HCV xuất sắc Trần Hữu Trang không
đối thủ.
Xuất thân trong gia đình nghèo nên việc học hành dang
dở, năm 13 tuổi, gia đình cho NSƯT Vũ Linh (tên thật Võ Văn Ngoan) theo
học ca hát tại trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với danh cầm
Văn Vĩ. Năm 1972, anh theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ đi lưu diễn ở các
tỉnh, một thời gian sau anh về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng và
được NSƯT Diệu Hiền, NS Trương Ánh Loan tận tình chỉ dẫn. Sau đó, anh
được nghệ nhân Minh Tơ dìu dắt, đúc kết nhiều kinh nghiệm trong ca diễn
tuồng cổ.
"Tôi tuổi Tuất, trải qua khá nhiều thăng trầm của nghề
hát. Đi lên từ đôi bàn tay trắng, tuổi Tuất chịu nhiều tủi nhục, nhưng
bù lại có chí khí và không bao giờ chịu khuất phục" – anh kể trong xúc
động.
NSƯT Vũ Linh và thầy - NSƯT Diệu Hiền
NSƯT
Vũ Linh đã từng cộng tác với những đoàn hát như: Khánh Hồng An Giang,
Thiên Nga, Sơn Minh...Năm 1981, anh trở về TP HCM đầu quân cho Đoàn cải
lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long. Năm 1983, anh đứng ra lập đoàn cải
lương Lâm Đồng đi lưu diễn các tỉnh. Đây là giai đoạn nổi bật nhất
trong sự nghiệp làm bầu, đồng thời làm kép chánh của anh.
Đến năm
1988, NSƯT Vũ Linh cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và
chính trong năm này, anh bước lên đài vinh quang sau hơn 15 năm làm
nghề, "Cũng chính nơi đây tôi đã đưa nghệ thuật cải lương tuồng cổ trở
lại với quần chúng, bắt đầu bằng vở "Xa phu đi xứ". Không lâu sau đó là
một loạt những tuồng cải lương nổi tiếng khác như: "Lương Sơn Bá - Chúc
Anh Đài", "Bàng Quý Phi", "Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ", "Chiêu Quân cống
Hồ".....
Năm 1995, anh đoạt Huy chương Vàng giải xuất sắc Trần
Hữu Trang. Đây là năm đầu tiên giải Trần Hữu Trang có phát thêm giải
Diễn viên xuất sắc. Trích đoạn mang về thành tựu cho NSƯT Vũ Linh chính
là nhân vật Nguyễn Địa Lô (vở "Bức ngôn đồ Đại Việt").
NS Vũ Linh và Hồng Nga - hai nghệ sĩ tuổi Tuất
Sự nghiệp của anh có trên 400 vở video cải lương. Sau đó anh bước sang lãnh vực ca nhạc, tham gia diễn kịch với NSND Kim Cương.
"Tôi
sinh ra trong gia đình có sáu anh chị em. Tôi là người con thứ tư nên
những người thân thuộc, anh em trong nhà gọi là anh Năm. Hai người em
của tôi cũng trong giới nghệ sĩ, đó là Hồng Nhung và Tiểu Linh. Sau này
còn có thêm ca sĩ Hồng Phượng là cháu, cũng nối nghiệp cậu đi hát. Những
cực nhọc đã qua của đời nghệ sĩ, đem lại cho tôi mùa Xuân. Năm nào Tết
đến cũng thấy khán giả đến sàn diễn thật đông vui, mang lại hạnh phúc
cho mình điều đó đã xua đi những khổ cực trong đời. Chính vì thế, tôi
thích ngày Tết, được nghe những lời chúc của khán giả và những niềm vui
từ sàn diễn trao cho nghệ sĩ" – NSƯT Vũ Linh bày tỏ.
"Hoàng tử hơi dài" Châu Thanh
Còn một nam danh ca ấn tuổi Tuất mà công chúng yêu mến bởi làn hơi dài khi cất câu vọng cổ, đó là nghệ sĩ Châu Thanh.
Anh
tên thật là Trần Tuấn Kiệt đã tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động
nghệ thuật. Nhắc đến Châu Thanh, khán giả nhớ cặp song ca Châu Thanh –
Phương Hằng trong hai vai Quách Vương và Thục Oanh, vở "Vụ án Mã Ngưu".
NS Châu Thanh và hai con gái - ca sĩ Châu Ngọc Linh, Châu Ngọc Tiên
"Thời
đó môn giải trí duy nhất của ba tôi – nghệ nhân Minh Chương, là đờn ca
tài tử. Ba tôi ca vọng cổ và rành 3 nam, 6 bắc nên với bà con trong xóm,
ông được mệnh danh là nghệ sĩ nông dân" – nghệ sĩ Châu Thanh kể. "Có lẽ
ảnh hưởng từ dòng máu của cha, nên 6 anh em trong nhà tôi đều có giọng
ca hay nhưng chỉ mỗi mình tôi đến với nghề hát. Gia đình tôi nghèo khổ
và vất vả lắm. Tôi tuổi Tuất lại sanh ra ban ngày nên số cực nhọc. Từ
cuộc sống nghèo khó, tôi quyết chí vươn lên, hun đúc trong tôi niềm khát
khao làm nghệ sĩ để giúp gia đình thoát khổ. Tôi còn nhớ những buổi
trình diễn văn nghệ quần chúng ở xả Phước Chỉ, Trảng Bàng, khán giả đón
Tết đã cổ vũ khi biết tôi là con trai của ông Minh Chương. Rồi đến năm
1979, tôi đầu quân về Đoàn Cải lương Sài Gòn II. Trên sân khấu này, tôi
nỗ lực học nghề, sau khi được đóng thế một số vai trong các vở như: "Tìm
lại cuộc đời", "Khách sạn Hào Hoa", "Tiếng hò sông Hậu", "Nếu em là
hoàng đế", "Nắng ấm ngoại ô"...với nghệ danh Tuấn Kiệt. Tôi đã được nghệ
sĩ Phương Bình (HCV giải Thanh Tâm năm 1967) mời về cộng tác và diễn
các vai chánh cho Đoàn Cải lương Hương Biển. Lúc này, tôi đổi nghệ danh
là Bảo Châu (1980), diễn trong các vở: "Giọt máu oan cừu", "Sơn Tinh -
Thủy Tinh", "Bạch Viên - Tôn Cát", "Thạch Sanh - Lý Thông"... Năm 1981,
tôi về Đoàn Cải lương Sài Gòn III, có mặt trong các vở: "Tình ca biên
giới", "Nàng Sa-Rết", "Mái tóc người vợ trẻ"...Sau đó, tôi bắt đầu suy
nghĩ, phải tìm cho mình một lối đi riêng, khi tôi về hát cho Đoàn Cải
lương Cao Nguyên, tôi chính thức luyện ca hơi dài. Năm 1987, anh được
mời về Đoàn Cải lương Trung Hiếu, khẳng định tên tuổi một nghệ sĩ ca hơi
dài ấn tượng và có nét riêng trong cách ca, xử lý ngân luyến. Phải cảm
ơn đời đã cho tôi quá nhiều cơ cực, để tôi phấn đấu vươn lên, được công
chúng gọi là "hoàng tử hơi dài", danh hiệu đó tôi yêu quý lắm" – NS Châu
Thanh khoe hạnh phúc trong ngày Xuân khi được công chúng yêu mến giọng
ca của anh.
NS Châu Thanh, Phượng Hằng
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét