(NLĐO) Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền dân tộc còn được gọi là Tết gia
đình. Mỗi khi Tết đến xuân về, cảm xúc đầu tiên của người xa xứ là nhớ
gia đình, nhưng với nghệ sĩ hải ngoại, họ vọng về cố hương còn bởi nỗi
nhớ da diết khán giả và sàn diễn.
Hồng Đào, Quang Minh: Tết Việt trong tâm hồn nghệ sĩ
NS Quang Minh, Hồng Đào trong ngày tết cổ truyền của dân tộc
Tết
Nguyên đán hằng năm, hai nghệ sĩ Quang Minh, Hồng Đào đều dành cho gia
đình, hiếm khi ở Việt Nam đón Tết vì hai cô con gái đều ở Mỹ và gia đình
bên nội, bên ngoại đêu định cư tại đất nước cờ hoa này. Do đó, cả hai
thường về quê ăn Tết sớm khi có việc quay phim, tham gia chương trình
những ngày cận Tết, rồi cấp tốc bay về Mỹ để đón Tết sum vầy.
"Hồi
đó, đất nước còn khó khăn, điều kiện đi lại cũng không thuận lợi bằng
bây giờ nên chúng tôi ít về. Do vậy, cứ đến Tết là nhớ không khí biểu
diễn tại quê nhà, nhớ từng ánh mắt, nụ cười và những tràng pháo tay của
khán giả dành cho những vở diễn tại Sân khấu nhỏ 5B. Ngày nay, điều kiện
đi lại hết sức thuận lợi, nên cũng đỡ nhớ hơn trước" – NS Hồng Đào tâm
sự.
Rước Xuân về nhà - Quang Minh, Hồng Đào bên nhau trong ngày Tết
Và
anh chị cho biết thêm gia đình dù sinh sống tại Mỹ nhưng vẫn giữ nếp
nhà theo kiểu sinh hoạt của văn hóa truyền thống trong ba ngày Tết.
"Chúng tôi vẫn cúng cơm rước ông bà, cúng đưa ông Táo về Trời, cúng đêm
giao thừa, các con đều được dạy thắp hương khấn nguyện những điều tốt
lành đầu năm và sang nhà ông bà chúc Tết ngày Mùng 1. Có sô đi diễn,
chúng tôi vẫn nhắc nhở phong tục tập quán của người Việt và dù gì thì
tôi vẫn chọn trang phục áo dài trong những ngày đầu Xuân, để nhắc mình
là con dân nước Việt, yêu cội nguồn dân tộc và trân quý những giá trị
thiêng liêng. Ngày Tết trong tâm hồn người Việt chính là giữ cốt cách
văn hóa không thay đổi" – NS Hồng Đào nói. Còn Quang Minh thì nhắc đến
những món ăn ngon ngày Tết, anh vẫn yêu cầu phải có trong thực đơn ngày
Tết tại Mỹ: "Thịt kho hột vịt, dưa giá, củ kiệu, cá bống kho tiêu, canh
khổ qua…và những món mứt ngày Xuân là không thể thiếu trong nhà chúng
tôi" – anh cười thật tươi khi nói về món ngon ưa thích của chính mình.
NSƯT Minh Trang: "Tết Singapore không bằng tết Việt"
Gia đình NSƯT Minh Trang trong ngày tết tại Singapore
Theo
chồng sang Singapore định cư, NSƯT Minh Trang cho biết: "Tết Singapore
không bằng Tết Việt, bởi người Hoa ở đảo quốc này cũng ăn Tết cùng với
lịch của Việt Nam, nên tôi thường dẫn con gái đi lễ chùa ngày Mùng 1
Tết, còn lại thì ở nhà bên những mâm cơm đúng truyền thống của người
Việt mà trước đó tôi đã chế biến theo thực đơn mẹ tôi thường dạy ở Hà
Nội. Vẫn có thịt đông, dưa hành, bánh chưng xanh. Con gái tôi khép nép
bên mẹ đi lễ chùa, cầu nguyện những điều an lành đến với gia đình. May
mắn là Singapore chỉ cách Việt Nam 2 giờ bay, nên trước Tết tôi thường
về nước thăm gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Năm nay, tôi có được sự
hội ngộ bất ngờ trong một taik show truyền hình của HTV với NSND Lệ
Thủy, thần tượng của tôi từ lúc còn bé xíu và NS Tấn Thành, một bạn diễn
ăn ý từ thời còn diễn ở Sân khấu nhỏ 5B (mang tên CLB sân khấu nhỏ thể
nghiệm). Tôi hạnh phúc lắm khi được tâm sự về ngày Xuân, để nhắc đến
những kỷ niệm khó quên của Tết xa nhà, và kỳ vọng vào những "chiến binh"
của sân khấu sẽ làm nên sự khởi động mà màu cơ sắc áo như đội tuyển U23
của chúng ta" – NSƯT Minh Trang tâm sự.
NSƯT Minh Trang và ông xã đưa con gái đi lễ chùa ngày mùng 1 tết
NS Kim Huyền: Nước Nhật lạnh giá ngày xuân
Theo
ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, trong
dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đã có 110.000 đến 120.000 người Việt
Nam ở nước ngoài về quê ăn Tết, tập trung từ giữa tháng 1- 2018 đến giữa
tháng 3 - 2017. Riêng tuần đầu của Tết, trung bình mỗi ngày có từ 3000 -
4000 lượng khách hồi hương. NS Kim Huyền đang học ngành nghệ thuật và
du lịch tại Tokyo đã chia sẻ.
"Đúng
là ngày Tết rất thiêng liêng đối với người xa quê, cảm xúc của tôi
không chỉ dừng lại ở việc về quê ăn Tết mà còn thể hiện ở nhiều việc
khác như: khi gặp người thân, được tiếp xúc với những lễ hội truyền
thống trong ngày Tết như ngày ông táo lên trời, bữa cơm tất niên cùng
gia đình, giờ phút chuyển giao năm cũ sang năm mới, đón giao thừa bên
bàn thờ tổ tiên…và với người nghệ sĩ như tôi, ngày Tết tôi nhớ sân khấu
Kịch Phú Nhuận, nhớ sô diễn tại truyền hình với "Siêu thị cười", "Chuyện
bốn mùa", và thương nhất là năm nào cũng được bố đạo diễn Thế Ngữ cho
một vai tiên nữ trong vở kịch Táo quân. Bây giờ thì đã ba năm rồi tôi
đón Tết lạnh lẽo tại đất nước Phù Tang. Tuy nhiên, để vọng về cố hương,
tôi vẫn giữ đúng những truyền thống của ngày Tết quê nhà. Vẫn gọi điện
về mừng thọ ông, bà, cha, mẹ và họ hàng, sau đó đến những lời chúc trên
trang mạng xã hội dành ho người thân. Nhớ lắm cái Tết quê hương và thèm
được ăn Tết ở nhà mình" – NS Kim Huyền xúc động.
Ca sĩ Nguyễn Lệ Thu: "Paris cũng có Tết Việt đó nha!"
Ca sĩ Lệ Thu Nguyễn tại Paris - Pháp
Ca
sĩ Nguyễn Lệ Thu xa Tết quê nhà 16 năm, chị thành hôn với một người
Pháp, nên vào tháng Tết của xứ mình thì chị và ông xã vẫn đi làm. "Tuy
nhiên, Paris cũng có Tết Việt đó nha! Ông xã tôi biết đó là ngày Tết
truyền thống nên đã trang hoàn nhà cửa để đón Tết thật ấm áp. Tôi cũng
lăn vào bếp chế biến nhiều món ăn của Việt Nam để đãi ông xã. Rồi thì
tối đến vẫn đi diễn tại một nhà hàng ở quận 13, nơi có đông kiều bào, để
nghe những lời chúc Xuân rộn vang tiếng cười, được hát những bài hát
Xuân cho đỡ nhớ quê, nhớ khán giả Việt và đồng nghiệp thân thương" – ca
sĩ nổi tiếng với bài hát "Em ơi Hà Nội phố" tâm sự.
Nhà báo Thanh Hiệp và vợ chồng ca sĩ Lệ Thu Nguyễn tại Pháp
Chị
còn một người con trai đã có gia đình đang sinh sống tại Long Xuyên, An
Giang. Có năm chị về những ngày gần Tết để đón Xuân sớm cùng con trai,
rồi lại quay về Pháp để tiếp tục đi làm và biểu diễn phục vụ cộng đồng
người Việt. Ca sĩ Nguyễn Lệ Thu vẫn giữ phong tục rất nghĩa tình, đó là
thường xuyên gửi tiền về giúp cho chương trình thiện nguyện "Trái tim
yêu thương", nhằm trao tặng quà, sách vở, quần áo, thuốc men cho trẻ em
mồ côi, khuyết tật, "tôi đã từng đến Trung tâm Nhân đạo Quê hương, nơi
nuôi dưỡng hơn 370 cháu thiếu nhi mồ côi. Tôi đã hát trong nước mắt và
dành nhiều phần quà nghĩa tình cho các em. Đó là tấm lòng của tôi trong
những ngày Xuân về" – ca sĩ Nguyễn Lệ Thu tâm sự.
NS Hoài Thanh – Đỗ Quyên: Đón Tết Việt trong hạnh phúc
NS Hoài Thanh, Đỗ Quyên và con trai - ca sĩ Hoài Anh Kiệt
Ở
Úc có nhiều nghệ sĩ Việt định cư, nhưng với đôi uyên ương nghệ thuật
Hoài Thanh – Đỗ Quyên, Tết là dịp đoàn tụ với khán giả xa xứ và để hát
tặng những tâm hồn tri âm đồng điệu những vai tuồng hay mà cả hai học
được từ thầy. "Chúng tôi mang ơn NSND Năm Châu. Ông đã dạy nghề cho
chúng tôi và để lại nhiều vở tuồng hay, mang lại mùa Xuân đầy sáng tạo
cho sân khấu cải lương mà cho đến hôm nay, nghệ sĩ trong cũng như ngoài
nước đều áp dụng để làm kim chỉ nam cho nghề, đó là tính chân thật trong
ca diễn, với thủ pháp sân khấu Thật và Đẹp" – NS Đỗ Quyên nói.
NS Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Minh Vương, Cẩm Tiên họp mặt ngày xuân tại quê nhà năm 2015
Ngày Tết xa xứ, chị vẫn giữ nếp sinh hoạt theo truyền thống, đó là đi chợ nấu ăn những món ngon.
"Ngày
Tết tôi nhớ câu thơ: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ", hoặc nồi bánh chưng
ngày Tết và những cành đào, cành mai…nở rộ. Năm Đinh Dậu 2017 đã kết
thúc, Tết Mậu Tuất - 2018 đã đến gần, chúng tôi xin chúc mọi người sớm
được đoàn viên, chúc năm Tuất làm ăn hanh thông, phát lộc, phát tài" –
NS Hoài Thanh phấn khởi.
NS Minh Phượng: "Từ Canada nhớ Tết quê nhà"
NS Minh Phượng trong một bộ phim truyền hình
NS
Minh Phượng định cư tại Vancouver – một trong những thành phố lớn của
Canada. Năm nay chị không về quê ăn Tết dù hai con đã lớn, "tôi không
thể rời xa hai con, vì Tết sum vầy nên không để hai cháu ở nhà mà không
có mẹ, dù có nhiều lời mời về diễn kịch nhưng tôi đành lỗi hẹn, bởi thời
gian này các con tôi bận việc học" – NS Minh Phượng tâm sự.
Theo
chị, người xa quê ở Canada không chỉ là người Việt định cư ở đất nước
này, mà kể cả những người đi làm ăn, học tập ở trong nước sang. Trong
đó, có những người đi làm ăn, lập nghiệp, họ cũng có gia đình riêng, có
con cháu đông đúc. Ngày Tết đến Xuân về, họ không về nhà được nên tổ
chức vui Xuân, đón Tết cùng nhau trong không khí cộng đồng.
NS Minh Phượng và ca sĩ Châu Tuấn chúc tết NSND Diệp Lang
"Mặc
dù vậy, đối với quê hương, họ vẫn không quên thắp hương vọng về tổ
tiên, ông bà, trước khi cùng nhau nấu những món ngon để nhớ về ngày vui
Xuân dân tộc. Đó là tục lệ cổ truyền của người Việt trong những ngày
Tết. Tôi cho rằng dù xã hội có phát triển đến đâu thì tục lệ đó vẫn còn
giữ mãi trong tiềm thức của người Việt. Tết cổ truyền dân tộc đã giúp
nghệ sĩ hải ngoại trở về với cội nguồn, "Ăn quả nhớ người trồng cây".
Trong những ngày này, tôi nhớ đến thầy mình, những người đã dìu dắt tôi
đến với sân khấu, đó là nhà giáo Tường Trân, đạo diễn Đoàn Bá, Ca Lê
Hồng, Lân Bích…và nhiều thế hệ nghệ sĩ tiền bối đã vun đắp cho nhiều
nghệ sĩ hải ngoại những bài học kinh nghiệm quý giá, để chúng tôi dù ở
bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu này, đến ngày Tết vẫn vọng về cố hương,
thắp nén nhang dâng lên Tổ nghiệp"- NS Minh Phượng xúc động bày tỏ.
NS Minh Phượng và hai con
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét