Tiểu Sử Linh Phượng

Tiểu Sử Linh Phượng


    Nghệ sĩ Linh Phượng liên tục có những hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Chị đã được đài VOA (Mỹ) ca ngợi là “một giọng dân ca Việt, mượt mà, truyền cảm, được khán giả khắp nơi đặc biệt ưu ái”.
    Có mặt tại Việt Nam dự Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài (khai mạc ngày 19/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội ), Linh Phượng chia sẻ nhiều suy ngẫm của mình về việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thông qua âm nhạc, ẩm thực.
    Tiếng hát gợi về cội nguồn
    Trong một chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam trong tháng “Di sản châu Á”, do kênh truyền hình 56 của Mỹ và Đài VOA tổ chức, Linh Phượng được mời tham gia thể hiện phần dân ca tiêu biểu 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chị biểu diễn đặc biệt thành công những bản dân ca vô cùng thân thương với người Việt Nam, nhất là với những ai đang ở xa quê, như: Người ơi người ở đừng về, Ngồi tựa mạn thuyền, Giận mà thương, Lý con sáo, Ru con…
    Linh Phượng cho biết: “Qua nhiều năm tham gia các hoạt động nghệ thuật, tôi thấy các cộng đồng ở Hoa Kỳ chẳng những nhiệt liệt hưởng ứng mà còn rất thích thú tìm hiểu về nền dân ca, dân nhạc Việt Nam. Bởi qua đó, họ hiểu được văn hóa và ước vọng hướng tới cái hay, cái đẹp, cái thiện - hay nói một cách khác là cái ánh sáng lung linh, huyền ảo đặc biệt trong lành, thuần khiết của tâm hồn người Việt Nam chúng ta”.
    Linh Phượng tâm sự rằng chị vô cùng tự hào về kho tàng dân ca, giàu có và phong phú mà ông cha đã để lại. Kho tàng quý báu đó tự nó đã có chỗ đứng và được tôn trọng trong nền văn hóa thế giới.
    Chị kể rằng có một buổi biểu diễn đã để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ trong chị. Đó không phải là những đợt sóng vỗ tay tán thưởng tưởng như chẳng bao giờ dứt của khán giả; cũng không phải là những giải thưởng hay những tôn vinh giành cho người nghệ sĩ. Đơn giản chỉ là một cụ già đã tìm tới chị sau buổi diễn. Cụ nắm tay chị và nói trong nước mắt: “Con ơi, già cảm ơn con. Tiếng hát của con dường như đã trả lại cho già những ngày xưa biết bao thân ái. Già như được trở lại với nếp nhà tranh, với dòng sông quê mẹ. Qua tiếng hát của con, già thấy lại những gì đã mãi qua đi: Quê hương, tuổi trẻ với những ước vọng vô bờ thuở ấy. Tiếng hát của con đã nhắc nhở già rằng chúng ta vẫn thuộc về cội nguồn. Dù thân tha phương nhưng tình cảm, tâm hồn ta vẫn thuộc về đất mẹ”. Source: thethaovanhoa

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương