Sân khấu làm hay sẽ thu hút khán giả

Sân khấu làm hay sẽ thu hút khán giả

QĐND - Chấp nhận mọi sự rủi ro, thậm chí thua lỗ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Lực vẫn quyết định tiến hành phương pháp dàn dựng sân khấu theo hình thức mới. Theo đó, anh và các nghệ sĩ trẻ hợp sức thành lập nên sân khấu tư nhân đầu tiên ở Hà Nội mang tên “Luc Team” cũng với mong muốn phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, thưởng thức sân khấu của công chúng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Lực khi vở sân khấu ước lệ “Cơn ghen của Lọ Lem” do anh đạo diễn đang thu hút sự quan tâm của công chúng.

Phóng viên (PV): Thưa nghệ sĩ, tại sao anh lại lấy tên sân khấu là “Luc Team”?
NSƯT Trần Lực: Trước đó, thầy trò chúng tôi đã thảo luận và đưa ra khá nhiều cái tên cho sân khấu. Nào là “Factory”-ví như một công xưởng nghệ thuật; rồi “Sao Phương Đông”… nhưng cuối cùng quyết định lấy “Luc Team”, đơn giản là một nhóm nghệ sĩ, có thầy và trò, một ê-kíp rất đoàn kết, làm thật và đứng đầu, chịu trách nhiệm là ông Trần Lực. "Luc" cũng gần với "luck", trong tiếng Anh có nghĩa là may mắn!
PV: Với việc ra mắt sân khấu tư nhân đầu tiên tại miền Bắc là công diễn vở kịch “Cơn ghen của Lọ Lem”, đến nay qua hơn một tuần, anh "đo" được sự quan tâm của công chúng đến đâu?
 Cảnh trong vở “Cơn ghen của Lọ Lem”. Ảnh: CHÂU XUYÊN
NSƯT Trần Lực: Nghệ thuật bao giờ cũng vậy, khán giả luôn có ứng xử dè dặt trước cái mới. Trong khi đây lại là loại hình sân khấu ước lệ. Năm trước, tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô, chúng tôi dựng vở “Quẫn”, nay là “Cơn ghen của Lọ Lem”. Trước cái mới bao giờ cũng có hai trường hợp xảy ra: Một là nồng nhiệt đón-trường hợp này chắc chắn ít thôi; hai là dè dặt. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần, nếu có nồng nhiệt thì cũng phải bình tĩnh, vì chúng tôi mới quá. Ngược lại, khán giả dè dặt hoặc chưa đón nhận thì chúng tôi cũng không thể sốt sắng, vì phải hiểu một điều, khán giả Việt Nam vốn quá quen với sân khấu vốn có-sân khấu hiện thực tâm lý, còn chúng tôi làm sân khấu theo phương pháp biểu hiện ước lệ.
PV: Chọn một trong những kịch bản kinh điển của tác giả Molière, anh có làm khó cho diễn viên của mình không khi được biết họ đều là những sinh viên mới ra trường và cũng có ý làm “sang” cho sân khấu lần đầu tiên trình làng?
NSƯT Trần Lực: Tôi nghĩ cả hai ý đều đúng. Khi vào các vai diễn này, diễn viên của tôi đã nỗ lực rất nhiều. Thầy trò chúng tôi tập luyện gần như gấp đôi khoảng thời gian của các vở diễn sân khấu nhà hát khác. Để theo đuổi loại hình sân khấu ước lệ, ngoài yếu tố tốt nghiệp Khoa Diễn viên sân khấu-điện ảnh (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), họ còn cần có khả năng hát, sau đó học múa và qua khóa huấn luyện 3 tháng ở trường xiếc. Bản thân diễn viên phải có quan điểm của họ về nhân vật, chứ không phải làm theo chỉ đạo của đạo diễn. Muốn diễn xuất tốt, các bạn phải có tính sáng tạo, nêu được cái tôi nghệ sĩ trong thể loại sân khấu ấy.
Khi dàn dựng vở, chúng tôi muốn đưa vở diễn đó đến mọi đối tượng khán giả. Vì là một thể loại sân khấu ước lệ nên có thể là vở bi hài, lúc khác là vở bi kịch. “Cơn ghen của Lọ Lem” dựng theo phong cách này vì vở mang hơi hướng đường phố của Ý nhưng lại có màu sắc Á Đông, diễn viên có sự tương tác với khán giả như tuồng, chèo truyền thống, phá đi bức tường giữa diễn viên và khán giả. Chọn “Cơn ghen của Lọ Lem” là vì vở diễn này chưa có nhà hát nào ở Việt Nam dàn dựng. Hơn nữa, nội dung của nó khá phù hợp với đời sống của người Việt hiện nay.
PV: Phía Nam từng có thời gian sân khấu tư nhân, xã hội hóa phát triển khá rầm rộ, nhưng nay đã chững lại. Phía Bắc đến giờ mới có, vậy anh nhận được những lời khuyên gì?
NSƯT Trần Lực: Thực sự thì tôi chẳng bao giờ có sự phân biệt sân khấu Bắc, Nam. Đã là nghệ sĩ, ai làm bất kỳ điều gì, cống hiến gì cho nghệ thuật nước nhà thì nhất thiết chúng ta nên cổ vũ. Chúng ta đang ở thời đại phát triển, hội nhập, có nhiều loại hình để đón nhận, nhưng sân khấu có giá trị riêng, ca nhạc hay điện ảnh cũng vậy. Nghĩ đơn giản là nếu khán giả chê thì do chúng ta làm chưa hay. Có những bộ phim hay, khán giả vẫn yêu điện ảnh; người ca sĩ hát tốt đưa đến các chương trình ca nhạc hay. Nhưng rõ ràng, các loại hình nghệ thuật không thể lẫn lộn nhau. Đến sân khấu để tìm những giá trị mà chỉ sân khấu mới có được. Tôi tin, sân khấu sẽ luôn khẳng định giá trị riêng của nó, thu hút sự theo dõi của khán giả nếu như chúng ta có những vở diễn hay.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương