Thử “giải mã” Đờn ca tài tử

Thử “giải mã” Đờn ca tài tử (24/06/2011)
VH- Nhà xuất bản Âm nhạc vừa phát hành cuốn sách Góp phần nghiên cứu Đờn ca tài tử Nam Bộ của nhà nghiên cứu âm nhạc, tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm. Thật không quá khi GS Trần Văn Khê nhận định: “Đây là một công trình nghiên cứu khá đầy đủ về Đờn ca tài tử...”.
Khá dày dặn với số lượng lên tới hơn 300 trang chia thành 3 chương, mỗi chương của cuốn sách đưa người đọc tiếp cận một góc độ của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. “Giải mã” từng góc độ theo góc nhìn của tác giả, tổng hòa cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ hơn về bức tranh nghệ thuật đặc sắc của phương Nam này ở cả góc độ đời sống sinh hoạt lẫn chuyên môn. Chương một mang tên Đờn ca tài tử Nam Bộ - Con đường xây dựng và phát triển. Hàng loạt câu hỏi, những thắc mắc được tác giả đặt ra như: Đờn ca tài tử là gì? Một trò chơi hay một nghệ thuật? Một sinh hoạt bình thường hay một bộ môn âm nhạc thính phòng thuộc loại bác học? Tại sao bộ môn đó được mang tên Đờn ca tài tử? Đó chính là cánh cửa để tác giả đưa người đọc tiếp cận. Để “giải mã” những câu hỏi trên đương nhiên không đơn giản, nhà nghiên cứu âm nhạc - tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm đã phải dày công tham khảo tư liệu từ xưa đến nay bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Bên cạnh đó, tác giả đã dành nhiều thời gian, nhiều năm để gặp gỡ, tiếp xúc với các nghệ nhân.
Từ chương hai đến chương ba tác giả đi sâu hơn vào chuyên môn, song vẫn là cách tiếp cận và giải mã không quá nặng với các thuật ngữ chuyên môn nhưng lại đầy ắp thông tin hữu hiệu cho người đọc. Bài bản của nhạc tài tử Nam Bộ đã chính là một sự độc đáo, những bài bản này đã cùng theo dấu chân của cha ông đi mở cõi vào tới đất phương Nam, kết hợp cùng với những âm điệu bản địa cùng tâm trạng của con người đã tạo ra những bài bản và nét sinh hoạt văn hóa Đờn ca tài tử đặc sắc. Hay như, vấn đề đặc trưng của âm nhạc trong Đờn ca tài tử như hơi nhạc, chữ nhạc, âm non, âm già… những thành tố mà tác giả coi rất quan trọng góp phần tạo nên cái riêng của Đờn ca tài tử trong ngôi nhà chung âm nhạc truyền thống Việt Nam. Toàn bộ phần này được tác giả “giải mã” ở chương hai mang tên Bài bản nhạc tài tử Nam Bộ - Sự kế thừa và sáng tạo.
Bên cạnh đặc trưng của bài bản thì cách diễn tấu cũng góp phần tạo nên bản sắc nghệ thuật cũng như văn hóa riêng biệt cho mỗi loại hình nghệ thuật. Khác hẳn với nhiều loại hình nghệ thuật, cách diễn tấu Đờn ca tài tử theo kiểu ngẫu hứng nhưng lại hết sức quy củ, chuẩn xác và đầy sáng tạo mà chỉ những người trong cuộc chơi hiểu được rõ nhất cũng là một đặc sắc mà tác giả nhìn nhận và dành toàn bộ chương ba bàn về vấn đề này: Diễn tấu nhạc tài tử Nam Bộ.
Với trên 300 trang sách nhưng người đọc không hề bị nhàm chán hay cảm thấy xa xôi với vấn đề mình đang tiếp cận. Một trong những điểm nổi bật chính là lối hành văn của Mỹ Liêm thật nhẹ nhàng, đơn giản mà gần gũi. Viết về vấn đề chuyên môn, cuốn sách là một công trình nghiên cứu nhưng lại như đang trò chuyện với độc giả. Lối hành văn này rất tương đồng với nhiều học giả nổi tiếng như GS. Trần Văn Khê, GS. Nguyễn Thuyết Phong. Ngay giáo sư Trần Văn Khê cũng đã khẳng định trong lời dẫn của cuốn sách: “Đây là một công trình nghiên cứu khá đầy đủ về Đờn ca tài tử, ngữ vựng đầy đủ, danh từ âm nhạc dùng một cách chính xác, văn phong giản dị”.
Thành công của cuốn sách, cũng phải nhắc đến khổ công của Nguyễn Thị Mỹ Liêm. Tám tuổi Mỹ Liêm đã học âm nhạc, rồi có tới 14 năm theo học tại Nhạc viện TP.HCM về đàn tranh. Sau khi tốt nghiệp hệ đại học Mỹ Liêm lại tiếp tục học đại học chuyên ngành Lý luận rồi theo học khóa Thạc sĩ tại nhà trường, tiếp tục du học 3 năm tại Đại học Montreal Canada, sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ tại VN.
Góp phần nghiên cứu Đờn ca tài tử Nam Bộ là cuốn sách được rút ra từ chính cuộc đời đầy tâm huyết với nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc của tác giả. Ấy thế nhưng Mỹ Liêm thật khiêm tốn khi hy vọng “Góp phần nghiên cứu Đờn ca tài tử Nam Bộ là những viên gạch nhỏ, lót đường cho những nghiên cứu tiếp sau”. 
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngọc Đợi

Tiểu Sử Xuân Yến

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương