MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ BẢN THẢO GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ CỦA TS NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM

MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ BẢN THẢO GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ CỦA TS NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM

Thứ ba, 26/07/2011
GSTS Trần Văn Khê
sach My LiemTôi đã đọc suốt bản thảo của quyển “Góp phần nghiên cứu Đờn ca Tài tử ” do TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm thực hiện và phải nhìn nhận rằng tác giả đã biết rõ truyền thống trong Đờn ca Tài tử , lại am hiểu cách chơi và đã làm sáng tỏ những nét đặc thù của bộ môn này trong tác phẩm của mình. Tác giả đã được tiếp cận với Đờn ca Tài tử  từ lúc 8 tuổi, được thầy dạy đờn có bài bản, lại có dịp tham gia chơi đờn tài tử trước khi học Lý luận âm nhạc và những phương pháp nghiên cứu để trở thành một nhà Dân tộc nhạc học. Nhờ vậy mà tác giả có đủ điều kiện và kiến thức để nhìn Đờn ca Tài tử  từ bên ngoài một cách khách quan, ứng dụng trong việc phân tích và đúc kết những điều mình nhận xét, lại có đủ kinh nghiệm của một người nhạc công đờn Tài tử để kiểm tra từ phía trong, xem kết quả của nhà nghiên cứu có đúng với thực chất của nghệ thuật đờn Tài tử hay không. Tác giả đã đề cập đến những điểm quan trọng nhứt của Đờn ca Tài tử  trong công trình nghiên cứu của mình.
I. Về phần định nghĩa danh từ “Đờn ca Tài tử ”:
Tác giả đã nêu ra những vấn đề để trả lời cho định nghĩa này như: Đờn ca Tài tử  là gì? Một trò chơi hay một nghệ thuật? Một sinh hoạt bình thường hay bộ môn âm nhạc thính phòng thuộc loại bác học? Và tại sao bộ môn đó được mang tên “Đờn ca Tài tử ”?... Tác giả đã đề cập và trả lời một cách xác  đáng những câu hỏi mà nhiều người đã nêu ra.
II. “Đờn ca Tài tử  - con đường xây dựng và phát triển”:
Tác giả đã tham khảo rất nhiều tư liệu từ xưa đến nay của các nhà nghiên cứu về âm nhạc học, những công trình bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh; đã gặp gỡ nhiều nghệ nhân trong lĩnh vực Đờn ca Tài tử , đặc biệt là đựơc sự chỉ dạy tận tình của nhạc sư Vĩnh Bảo mà theo tôi là hậu tổ của Đờn ca Tài tử  ngày nay nên những tư liệu dùng trong quyển sách này có phần chính xác và đầy đủ.
II.1. Tác giả đã tìm hiểu đầy đủ về mặt nguồn gốc của bộ môn nghệ thuật Đờn ca Tài tử , tức là ban đầu khởi điểm từ nghệ thuật ca Huế, đi ngang qua các xứ Quảng, vào đến miền Nam và cả không gian văn hoá của miền Nam, tạo nên một bộ môn Đờn ca Tài tử  rất đặc biệt.
II.2. Trên con đường phát triển của Đờn ca Tài tử  tác giả cũng có nhắc đến sự kiện Đờn ca Tài tử  từ nhạc thính phòng trở thành nghệ thuật sân khấu Cải lương và tạo nên một ảnh hưởng qua lại giữa Đờn ca Tài tử  và hát Cải lương.
II.3. Tác giả cũng đã ghi lại cột mốc quan trọng năm 1956 là năm Ca Nhạc Tài tử được đưa vào giảng dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc & Kịch nghệ Sài Gòn.
II.4. Trong đoạn này, tác giả còn tìm hiểu, sưu tầm và ghi lại tiểu sử của một số nhạc sư Đờn Tài tử vang bóng một thời. Khi ghi lại tiểu sử tóm tắt của các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhạc công, ngoài tên thường dùng trong giới nhà nghề, tác giả còn ghi lại tên họ thật của người nghệ sĩ và phác hoạ vài nét đặc biệt trong đời sống của các nghệ nhân, nghệ sĩ… nhờ sự chỉ dẫn của nhạc sư Vĩnh Bảo.
III. Về phần “Bài bản nhạc Tài Tử Nam bộ - Sự kế thừa và sáng tạo”:
III.1. Các hệ thống bài bản:
Tác giả ghi lại trong chi tiết hai mươi bài Tổ mà theo tương truyền do nhạc sư Nguyễn Quang Đại và môn sinh đề xuất. Tác giả còn ghi lại 10 loại bài bản âm nhạc cổ điển Việt Nam do cụ Huỳnh Thúc Kháng nghiên cứu và hệ thống hoá, 72 bài (thất thập nhị huyền công) do nhạc sư Nguyễn Văn Thinh hệ thống vào năm 1945, cách sắp xếp bài bản của nhạc sĩ Chín Tâm năm 1993 và qua đó đề cập đến 8 bài ngự, 10 bài Thập Thủ Liên Huờn được dùng trong Tiểu nhạc – âm nhạc cung đình Huế. Nhưng tác giả chỉ nghiên cứu trong chi tiết 20 bài Tổ, mỗi bài có bao nhiêu câu và chia ra bao nhiêu lớp.
III.2. Tác giả đề cập đến một vấn đề rất quan trọng trong Đờn ca Tài tử  là đặc điểm các loại “hơi”. Có nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề này nhưng nhờ sử dụng những minh họa, Mỹ Liêm chịu khó ký âm các minh hoạ đó nên các tư liệu trong quyển sách này rất quý.
Trong đoạn này, tác giả có nêu lên vấn đề cao độ tuyệt đối và cao độ tương đối trong chữ nhạc đồng thời có đề cập đến vấn đề chữ nhạc “già”, “non” và cấu trúc âm thanh của Nhạc Tài tử.
III.3. Có một đoạn rất lý thú: Đờn ca Tài tử  kế thừa phong cách Huế - Quảng và phát triển sáng tạo những bài bản theo phong cách tài tử Nam bộ. Tác giả nêu ra 3 bước chuyển đổi giai điệu:
1. “Chuyển đổi giai điệu các bài bản thính phòng Huế do đặc điểm bản ngữ Nam bộ” – điểm này rất đúng.
2. “Phát triển giai điệu bằng cách “biến tấu”. Điểm này cũng đúng nhưng cần phải ghi lại là theo phong cách của Đờn ca Tài tử  miền Nam là “học chân phương mà đờn hoa lá”. Tác giả nói: phát triển “hoàn toàn theo cách riêng của Nam bộ” là rất đúng, nhưng theo tôi nên ghi rõ là giai điệu phát triển phù hợp với nguyên tắc “dịch lý” (bất dịch – lòng bản, biến dịch – biến khúc, giao dịch – thay đổi cách đờn khi hoà với người khác).
3. “Bước chuyển đổi giai điệu do chuyển điệu thức hơi hình thành bài bản mới mang hơi mới”. Tác giả có đưa ra thí dụ như bài Dạ Cổ Hoài Lang thành ra bài Vọng Cổ Hoài Lang hay Ngũ Đối Hạ trở thành Ngũ Đối Ai. Tác giả cũng có nhấn mạnh về sự quan trọng trong cách tô điểm chữ nhạc.
IV. Về phần “Diễn tấu Nhạc Tài Tử Nam bộ”:
Người nghệ sĩ phải luôn luôn sáng tạo, điểm này rất đúng và trước khi bàn về cách sáng tạo đó tác giả miêu tả rành rẽ các nhạc khí dùng trong Đờn Tài tử.
Tác giả miêu tả những nhạc khí dùng trong Đờn ca Tài tử , những cây đờn trong truyền thống như đờn kìm (đàn nguyệt), đờn tranh, đờn cò (đàn nhị), đờn tỳ (đàn tỳ bà), đờn tam, đờn đoản, đờn sến, ống tiêu và song lang gõ nhịp. Tác giả cũng có nhắc đến những cây đờn Tây phương được nghệ sĩ Việt Nam biến đổi để có thể dùng những nhạc khí ấy mà diễn tả trung thực ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tác giả cũng không quên ghi lại một số tiểu sử sơ lược của một số nhạc công chuyên môn sử dụng các cây đờn này.
Ưu điểm trong đoạn này là ngoài việc miêu tả nhạc khí còn nói rõ cách “lên dây” (hò nhứt, hò nhì, hò ba) không chỉ của nhạc khí cổ truyền mà có cả cách lên dây của guitar phím lõm. Trong đoạn này tác giả đi sâu vào cách phát triển và vận hành giai điệu từ lòng bản chuyển sang cách biến khúc do ngẫu hứng trong diễn tấu. Theo tôi đây là lần thứ nhì nói chuyện về cách làm này thì tác giả nên hợp lại thành một chương để khỏi lặp đi lặp lại hai điều giống nhau. Và cũng chính trong đoạn này nên nêu rõ hai nguyên tắc thẩm mỹ của người Việt là “học chân phương đờn hoa lá”, “phát triển giai điệu học theo những nguyên tắc dịch lý”.
Một ưu điểm nữa ở đoạn này là nói đến cách “rao” trong diễn tấu Tài Tử. Tác giả đã chịu khó ký âm tỉ mỉ các câu rao, đặc biệt là của nhạc sư Vĩnh Bảo, để cho thấy rõ là câu rao không chỉ cho thấy tài nghệ của người nhạc sĩ mà còn nêu rõ phong cách của người nhạc sĩ.
KẾT LUẬN
Đây là một công trình nghiên cứu khá đầy đủ về Đờn ca Tài tử . Ngữ vựng đầy đủ, danh từ âm nhạc dùng một cách chính xác, văn phong giản dị. Công trình nghiên cứu này theo tôi rất xứng đáng được in ra thành sách để những ai muốn tìm hiểu thêm về bộ môn Đờn ca Tài tử  có tài liệu tham khảo

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Ngọc Đợi

Bộ ảnh đẹp về Sài Gòn xưa, trước năm 1975

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân