NSƯT Thanh Nam: 'Sàn diễn cải lương cần cơ chế mới'

NSƯT Thanh Nam: 'Sàn diễn cải lương cần cơ chế mới'

Nghệ sĩ chia sẻ buồn vì nhiều sàn diễn ở tỉnh miền Tây - nơi nuôi sống cải lương - hiện có dấu hiệu quay lưng với loại hình này.
Nghệ sĩ Ưu tú - thường được khán giả nhớ đến với biệt danh "Hề Thanh Nam" - từng giữ vai trò trưởng Đoàn nghệ thuật cải lương nhân dân Kiên Giang. Dịp đầu năm Kỷ Hợi, ông chia sẻ về nghiệp diễn và sân khấu cải lương.
- Tết này đơn vị sân khấu xã hội hóa của ông phục vụ khán giả như thế nào?
- Tôi tổ chức biểu diễn hát phục vụ tết ở Kiên Giang, vẫn mô hình xã hội hóa có tăng cường ngôi sao sân khấu. Dù tôi đã nghỉ hưu, hễ biết Thanh Nam tổ chức show, bà con kéo đến xem rất đông. Qua Tết, tôi dàn dựng các vở mới phục vụ khán giả. Tuy nhiên, tôi tập trung làm chương trình có bán vé chứ không thể cứ hát miễn phí mãi thì làm sao nuôi sống cải lương.
Diễn viên, nghệ sĩ cải lương Thanh Nam.
Diễn viên, nghệ sĩ cải lương Thanh Nam.
- Ông có trăn trở gì về sự phát triển của loại hình biểu diễn này?
- Ai cũng thấy sàn diễn cải lương bệnh nhiều, dồn thuốc nhiều để điều trị mà chưa khỏi. "Căn bệnh" khiến cải lương vắng khán giả không chỉ ở TP HCM mà đã ảnh hưởng đến sân khấu ở các tỉnh miền Tây. Hiện ở các tỉnh, mảnh đất nuôi sống cải lương đã bắt đầu quay lưng chọn bộ môn giải trí khác hấp dẫn hơn. Các đoàn công lập nhận chỉ tiêu diễn mỗi năm từ 40 đến 50 suất phục vụ khán giả còn không thèm coi. Không thể che giấu, ngụy biện, mà cần nói ra để nhìn thấy nguyên nhân chính là cách làm chưa ổn.
Vấn đề là phải "cởi trói" cơ chế quản lý cho sàn diễn cải lương, đó là điều mà tôi mong mỏi nhất trong mùa xuân này. Quá chừng trại sáng tác được tổ chức từ tiền thuế của dân, mà hiệu quả không cao. Có bao nhiêu kịch bản hay được dựng, được diễn, được đưa đến công chúng. Ngay vừa qua sau liên hoan cải lương toàn quốc, có bao nhiêu vở sáng đèn sau khi gặt hái huy chương? Có diễn bà con cũng không xem vì chưa chạm đến điều họ nghĩ, họ muốn. Ở góc độ một nghệ sĩ từng là quản lý đoàn công lập, rồi hiện nay về hưu đứng ra tổ chức đoàn xã hội hóa, tôi chủ trương đầu tư những gì thực chất nhất cho cải lương như: kịch bản, thế hệ diễn viên - đạo diễn tâm huyết với nghề...
- Ông góp ý gì về sự thay đổi trong cách đưa cải lương đến với khán giả hiện nay?
- Khi tôi còn tại chức, tôi đã xin chủ trương thay vì được nhà nước cấp tiền rải đều ra mỗi suất ba triệu đồng, tôi xin gom lại một suất 30 triệu đồng, làm như vậy để có kinh phí đầu tư, mời ngôi sao về hát. Thà chỉ diễn ba suất mà hàng nghìn khán giả xem, họ đến và thực sự hưởng thụ văn hóa. Còn hơn rải đều ra diễn cho có, diễn cho xong, mà sân bãi loe hoe vài khán giả.
Muốn làm tốt trước hết phải có tiền. Học cách ông bà bầu xưa, cưng chiều ngôi sao đúng nghĩa đôi bên đều có lợi. Không thể cứ kêu gọi chung chung, ngôi sao cũng phải sống, lại càng không thể sáng mãi, nên họ chỉ có một thời để không thể cứ hy sinh. Cơ chế hiện nay là phải giảm giá thuê các mặt bằng, điểm diễn, nhà hát, rạp hát. Ưu tiên cho loại hình nghệ thuật truyền thống trong đó có cải lương. Từ đó mới giảm giá vé. Ngôi sao hát nhiều thì lãnh lương cao, hát ít thì lãnh cũng như anh em. Quan trọng là nghề nghiệp thăng hoa trên một thánh đường được đầu tư nghiêm túc. Tôi mỗi cá nhân góp mặt ở loại hình này cần chú trọng đến "chất bột" để có thể "gột nên hồ". Tác giả kịch bản khi viết phải đặt nặng vấn đề này, phải nhìn ra trách nhiệm của mình trước cuộc sống đang bị xâm thực bởi quá nhiều cái ảo.
Ông nghĩ sao khi sân khấu cải lương vẫn chưa nhiều cải tiến về dàn dựng, hình thức?
Cải lương không thể buộc khán giả đến xem với không khí của thập niên 1960-1970. Nên hình thức dàn dựng của đạo diễn ngày nay rất cần được đổi mới từ tư duy sáng tạo cho đến cách cập nhật những cái mới trong thế giới hội nhập. Giới trẻ tiếp nhận cái mới nhanh lắm. Họ có điện thoại thông minh, có Internet... Trong khi sân khấu cải lương bỏ quên việc đào tạo đội ngũ đạo diễn trẻ, quản lý trẻ và đội ngũ tiếp thị cho sàn diễn cải lương. 
Tôi tin nghệ sĩ ngôi sao cải lương đều yêu nghề, không phải ai cũng tham tiền mà bỏ bê nghề nghiệp. Bằng chứng là tại liên hoan cải lương vừa qua, các ngôi sao tụ họp về rất đông. Họ tự bỏ tiền túi để đầu tư vở diễn, tham gia vì muốn chứng minh niềm đam mê trong họ. 
Video Player is loading.
Hiện tại 0:04
/
Thời lượng 3:08
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%
Nghệ sĩ Thanh Nam trong phim hài Tết "Lấy vợ Sài Gòn" (2005). 
- Ngoài câu chuyện nghề, Tết này điều gì khiến ông trăn trở nhất?
- Cách chúc tết trên mạng xã hội làm tôi đau đầu. Nửa khuya quên chỉnh điện thoại ở chế độ im lặng, cứ 10 phút lại có tín hiệu reo lên từ tin chúc Tết. Văn hóa ứng xử với lời chúc Tết năm nay là vấn đề đáng bàn. Làm sao để lời chúc thật sự không làm phiền người khác. Thú thật nhận được tin qua mạng, nhận ra ngay đó là tin nhắn được soạn sẵn, người gửi chỉ chuyển tiếp cho những người khác, mà đúng ra phải tự mình soạn mới ý nghĩa trong dịp năm mới. Chả trách sao người nhận ngó lơ, có người chẳng cảm ơn hoặc gửi lại những mẫu chúc mừng tương tự. Điều này báo hiệu truyền thống văn hóa bị tác động bởi công nghệ. Hồi đó tôi cực kỳ ghét chưng bông cúng Phật bằng vải, càng không thích nhang điện tử chớp chớp mà không có khói hương. Giáo dục giới trẻ ngày nay giữ gìn truyền thống, đạo đức chính là một phần trách nhiệm của người nghệ sĩ.
"Hề Thanh Nam" tên thật là Phạm Hoàng Nam (sinh năm 1958). Ông biểu diễn ở nhiều lĩnh vực như: sân khấu hài, cải lương, phim ảnh. Nghệ sĩ từng được báo Sân khấu (Hội Sân khấu TP HCM) bình chọn là danh hài được yêu thích nhất năm 1995, 1996. Ông cũng nhận danh hiệu Diễn viên chính được yêu thích nhất HTV Awards 2010. 
Quý Thanh thực hiện

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương