Đưa nghệ thuật Tuồng đến với đối tượng sinh viên

(Tổ Quốc) - Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa giới thiệu những trích đoạn Tuồng đặc sắc đến cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Đưa nghệ thuật Tuồng đến với đối tượng sinh viên  - Ảnh 1.
Trích đoạn "Đào Tam Xuân đề cờ". Ảnh: Đoàn Thắng
Thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa nghệ thuật truyền thống vào giới thiệu tại các trường Đại học; được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã đem tới những trích đoạn tuồng đặc sắc: "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Ngũ biến", "Đào Tam Xuân đề cờ", "Nhã nhạc cung đình Huế" để biểu diễn trước đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Hoạt động biểu diễn này cũng nằm trong chủ trương phát triển khán giả với đối tượng quan trọng cần tác động và thu hút là giới trẻ để truyền cảm hứng về loại hình nghệ thuật Tuồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Tuồng – hát bội là một loại hình kịch hát cổ truyền ở Việt Nam, có nội dung mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, chứa đựng triết lý nhân sinh cao cả; hệ thống lời thoại mang tính ước lệ, bác học, hàn lâm; các điệu bộ, cử chỉ biểu diễn được cách điệu, nặng tính ước lệ, khuếch đại hơn sự thật ngoài đời và đều mang hàm nghĩa sâu sắc. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật Tuồng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công chúng, đặc biệt là giới trẻ trước sự lấn át của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại cũng như các trào lưu văn hóa mới.
Thực tế, nhiều sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chưa được tiếp cận nghệ thuật tuồng cũng như không có kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, với lối diễn xuất tài tình, cuốn hút, các vở diễn đã nhận được phản hồi tích cực thông qua những tràng pháo tay giòn giã, những bình luận và phản ứng trước biểu cảm của các nhân vật.
Mang các vở diễn đến với sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, một mặt, Nhà hát Tuồng Việt Nam quảng bá được loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, mặt khác, sinh viên Nhà trường có cơ hội được tiếp xúc và thêm yêu mến loại hình nghệ thuật truyền thống này của Việt Nam, từ đó có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá các giá trị đặc sắc của nghệ thuật Tuồng.


Lan Anh (t/h)

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương