Tâm tình người đóng đàn…

Tâm tình người đóng đàn…

29/02/2016 | 07:18 GMT+7
Mặc dù đã 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Nỉ, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, vẫn khéo léo đóng đàn violon. Đây là nghề do ông mấy chục năm mày mò tự học. Càng cảm phục hơn khi biết ông đã dành gần cả cuộc đời theo đuổi đam mê.
Ông giới thiệu cây đàn của mình và ngẫu hứng một đoạn nhạc buồn…
Ông Nguyễn Văn Nỉ là thành viên CLB Đờn ca tài tử của xã Thạnh Xuân. Nhiều người biết ông với ngón đàn điệu nghệ. Ông đàn và đóng được cả guitar và mandolin. Ngoài việc tham gia vào CLB, ông ở nhà làm vườn, chăm sóc gia đình và đóng cái bàn, cái ghế cho gia đình, con cháu sử dụng. Rồi tranh thủ làm đàn violon, gặp bạn đồng điệu thì tặng, ai thích muốn mua thì ông bán. Nghe có vẻ yên ả, nhưng cuộc đời ông chẳng vậy, từ cuộc sống đến nghiệp làm đàn mà ông say mê. Ông đã bắt đầu câu chuyện của mình bên ly trà nóng: Từ nhỏ, gia đình muốn cho ông được học hành đàng hoàng, nên gởi ông lên nhà người thân ở Sài Gòn. Rồi ông cũng học được hết lớp nhất (giờ là lớp 5), ông không tiếp tục học nữa mà đi học nghề sửa xe. Ra nghề, bắt đầu lao vào kiếm sống ở đất Sài Gòn. Những lúc rảnh, ông ưa nghe đĩa hát để giải khuây. Bỗng trong các âm thanh đó, có một tiếng đàn nghe buồn buồn làm ông chú ý, hỏi ra mới biết đó là đàn violon. Vậy là ông bắt đầu tìm hiểu về cây đàn này. Cơ may lại đến khi ông phát hiện gần chỗ ông làm là tiệm làm đàn Phụng Đình. Vậy là ông mon men đến xem các thợ đóng đàn để làm quen, nhưng cốt là ráng nhớ từng chi tiết để về tự đóng cho mình một cây đàn...
Tôi hỏi, lúc đó ông đã biết nhạc lý, hay biết đàn chưa. Ông cười khà khà: “Một nốt nhạc cũng không biết, chưa cầm được cây đàn thì đánh đàn làm sao được!”. Ông làm tôi rất thích thú với câu chuyện học lóm làm nhạc cụ này. Ông kể tiếp, vốn cha ông là thợ mộc, nên ông cũng có ít vốn liếng về nghề này. Được cái cũng mau lẹ, nên ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ, ông đã nhớ từng chi tiết trên cây đàn. Vậy là đi về bắt đầu đóng đàn. Bao nhiêu lần sửa tới, sửa lui, rồi cây đàn cũng hoàn thành trong niềm hạnh phúc của chàng trai chưa đầy 20 tuổi lúc bấy giờ. Ông liền mang cây đàn về quê khoe và được cha ông treo trang trọng trong nhà. Điều này cũng là mối duyên mới, khi có ông Bảy Nhị, ở Cái Chanh, một người biết và am hiểu về đàn tình cờ ghé nhà. Thấy cây đàn, ông Bảy Nhị hỏi và biết là do ông đóng, vậy là hai tâm hồn đồng điệu lại gặp nhau. Ông chia sẻ niềm đam mê đóng đàn, ông Bảy Nhị thì hăm hở tiếp nhận học trò mới để truyền nghề. Ông bắt đầu biết đến những nốt nhạc đầu tiên, rồi cách so dây, bấm phím… Ông kể về người thầy đầu tiên này với tất cả lòng kính trọng, bởi từ đây, ông được thỏa sức với niềm đam mê, vừa biết đàn, vừa đóng được đàn… Ông bắt đầu tìm hiểu để làm ra một cây đàn chuẩn hơn về âm thanh, đẹp hơn về hình thức. Ông cũng làm được các loại đàn guitar, mandolin, nhưng rồi nhận thấy, mình có duyên với cây violon nên bỏ công nghiên cứu để làm loại đàn này ngày một hoàn thiện hơn…
Nghiệp làm đàn gắn bó với ông từ đó, ngay cả khi ông về Cần Thơ tiếp tục nghề sửa xe, rồi lập gia đình, có con, nuôi nấng các con nên người. Sau năm 1975, cả gia đình ông gồng gánh về Thạnh Xuân, mua đất cất nhà và lập nghiệp cho đến bây giờ. 9 người con của ông đã trưởng thành, có công ăn việc làm riêng, cuộc sống cũng ổn định, ông vẫn gắn bó với nghiệp đóng đàn của mình. Dù cuộc đời nhiều thăng trầm, vui nhiều mà buồn cũng không ít, nhưng ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ niềm đam mê. Mãi đến bây giờ, đã bước vào tuổi bát tuần, nhưng niềm đam mê này vẫn chưa hề phai nhạt. Bà Lê Thị Si, 77 tuổi, vợ ông, đã nói về người chồng của mình: “Dù tôi không biết gì về nghề làm đàn của ổng, nhưng thấy chồng say mê quá nên cũng ủng hộ. Với lại, ông sống rất mẫu mực, chăm lo cho gia đình đàng hoàng nên cũng an tâm. Giờ, lớn tuổi rồi, ông tham gia vào phong trào ở địa phương, rồi rảnh rỗi lại cặm cụi đóng đàn. Đó là niềm vui mà người làm vợ như tôi thấy cũng hạnh phúc theo…”.
Nói về nghề đóng đàn, ông kể chuyện không dứt. Ông nói lâu lâu mới bán được một cây, được hơn 1 triệu đồng, ông thấy hạnh phúc lắm vì thấy mình vẫn còn có ích và người ta cũng thích và tìm đến người đóng đàn thầm lặng như ông. Đàn của ông còn bán được ở ngoài tỉnh nữa. Nhưng khi tôi hỏi ông đã truyền nghề lại cho ai chưa, thì ông nói mấy đứa nhỏ bây giờ đâu có thích nghề của ông. Ai thích tìm đến thì ông sẽ sẵn sàng dạy lại. Cả đời gắn bó với cây đàn, giờ chưa có truyền nhân, nhiều lúc cũng buồn. Nhưng không sao, ai phải đam mê mới có thể học được và ông chỉ truyền dạy cho người thật sự đam mê… Bỏ lửng câu nói, đôi mắt ông lại nhìn xa xăm, rồi bất chợt cầm cây đàn kéo một đoạn nhạc buồn réo rắt…
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương