Người giữ "hồn" đàn cổ ở đất Huế

Người giữ "hồn" đàn cổ ở đất Huế

30/08/2013 - 17:06
Biên phòng - Dành trọn cuộc đời cho những cây đàn cổ, đến nay, nghệ nhân Trương Hữu Hòa, người duy nhất ở Huế có thể chế tác và sửa chữa được các loại đàn cổ khác nhau như: Tỳ bà, tranh, bầu, nhị, nguyệt… Dù có tài làm đàn "siêu" hạng và khả năng thẩm định âm thanh hiếm có người nào bằng, nhưng ông luôn trăn trở, lo lắng sợ tiếng đàn cổ mai này sẽ bị mất đi, trong đó có Nhã nhạc cung đình Huế…
 35710b.gif
Hiệu đàn Chiêm Huế - Tân Văn luôn là nơi mà các nghệ sỹ, tài tử đến đặt làm đàn...
Một đời với nghiệp
Hiệu đàn Tân Văn của nghệ nhân Trương Hữu Hòa nằm nép mình bên dòng sông Như Ý, ở thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách nội thành Huế khá xa, nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào.
Vừa nghỉ tay bào mấy tấm gỗ Hồng Đào, nghệ nhân Trương Hữu Hòa tâm sự: "Nghề làm đàn cổ vốn là nghề gia truyền mấy đời của gia đình tôi. Lúc còn nhỏ, ngoài một buổi đến trường thì buổi còn lại tôi thường say mê với tiếng đàn của nội. Thấy tôi có năng khiếu nên nội và cha tôi đã "rèn" nghề cho tôi từ đó. Thế mà đến nay cũng đã mấy chục năm rồi...".
 Ông nội của nghệ nhân Trương Hữu Hòa là cụ Trương Hữu Chiêm được giới làm đàn tôn vinh là vị tổ của nghề đàn miền Trung. Còn cha ông là nghệ nhân Trương Hữu Ngọc, một người có tài chế tác các loại đàn cổ có tiếng điêu luyện bậc nhất đất Kinh kỳ vào thời chúa Nguyễn, nên cậu bé Hòa ngày đó đã tiếp thu được các kỹ năng về cách chế tác các loại đàn, cách thẩm định tiếng âm của ông và cha để điều chỉnh âm đàn sao cho phù hợp. Chính vì thế, Trương Hữu Hòa được giới nghệ sỹ Huế bái phục về khả năng làm đàn cổ chuẩn âm. Còn những người trong nghề, biết nghề, họ còn dành cho ông cái tước hiệu "Nghệ nhân đàn cổ" với sự tôn trọng như đối với bậc "thầy đàn".
Nghệ nhân Trương Hữu Hòa nhớ lại: "Năm 12 tuổi, tôi đã theo ông nội vào xem các nghệ nhân ở Đội nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn. Dù lúc đó chưa hiểu gì về thanh nhạc, nhưng mỗi lần nghe tiếng đàn của các cụ là tôi mê tít. Sau này nội mất, tôi xin theo gót cha để "học nghề" sửa đàn cho các nghệ nhân. Thế rồi cái máu làm đàn cổ nó thấm vào mình lúc nào cũng không hay...".
 "Để một cây đàn phát ra được tiếng âm cuốn hút người nghe thì ngoài lối đàn hay của người chơi còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của người làm đàn. Chính vì thế, mỗi loại đàn có mỗi cách chỉnh âm khác nhau và đòi hỏi người làm đàn có sự tinh tế, điêu luyện về cách chế tác lẫn thẫm mỹ âm nhạc", vừa chỉnh âm cho một cây đàn tỳ bà, nghệ nhân Trương Hữu Hòa vừa tâm sự cùng chúng tôi.
Nỗi lòng "bảo tồn" đàn cổ
Mỗi nghề có một bí quyết riêng và nghề làm đàn cũng vậy. Với nghệ nhân Trương Hữu Hòa, câu khẩu khuyết "thùng trắc, mặt ngô" qua bàn tay tài hoa của ông đã làm nên những cây đàn cổ độc đáo. Ngoài hai loại gỗ trắc và ngô đồng để làm đàn cổ thì nghệ nhân Trương Hữu Hòa chưa bao giờ chọn một loại gỗ nào khác. Gỗ trắc được ông bào mòn, vừa độ dày để làm thùng đàn, gỗ ngô đồng được chế tác cầu kỳ, đục đẽo đúng kỹ thuật để ép vào mặt trước cây đàn trước khi lên dây.
Đôi mắt hướng về cây đàn tranh còn chưa kịp hoàn thiện đang treo lủng lẳng trên tường nhà, nghệ nhân Trương Hữu Hòa tâm sự cùng chúng tôi: "Nhìn thì nó đơn giản nhưng phải mất từ 3 đến 5 ngày, có khi cả nửa tháng tôi mới làm xong một cây đàn tranh như thế. Làm đàn, quan trọng nhất vẫn là công đoạn "thổi hồn" cho đàn (điều chỉnh âm thanh - PV) để tiếng âm phát ra từ cây đàn đúng theo ý mình chỉnh... Chỉ có như thế mới giữ được hồn của từng cây đàn chú ạ".
Ngoài các loại đàn cổ, nghệ nhân Trương Hữu Hòa còn là cây "gạo cội" trong cách chế tác và chỉnh âm đàn ghi-ta. Đàn ghi-ta mang hiệu Tân Văn do ông làm ra nổi tiếng từ Bắc chí Nam. Và không ít nghệ sỹ, tài tử đã đến tận hiệu đàn Tân Văn của ông để đặt "hàng" với giá mỗi cây lên đến vài triệu đồng. Theo nghệ nhân Hòa, các công đoạn như chọn gỗ, kỳ công đục đẽo, chế tác và lắp ráp thì khâu chọn gỗ và chỉnh âm cho đàn là quan trọng nhất, nó quyết định đến "tuổi thọ" và tiếng âm của cây đàn.
 46610a.gif
Công đoạn phục hồi cây đàn tranh cổ của nghệ nhân Trương Hữu Hòa.
Dù có tâm và sẵn lòng truyền dạy cho những ai có niềm đam mê với nghề làm đàn cổ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đủ kiên trì và quyết tâm học đến nơi đến chốn, ngoại trừ người cháu của nghệ nhân Trương Hữu Hòa đã được "rèn" ra "lò" sau 8 năm dày công khổ luyện. Không giấu được nỗi lòng, nghệ nhân Trương Hữu Hòa tâm sự: "Nghề làm đàn không phải là khó nhưng phải thật sự có tâm yêu nghề mới có thể học được. Có nhiều người học nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã nản lòng. Cũng có người nặng lòng đam mê nhưng khả năng cảm nhận âm thanh lại rất hạn chế... Vì thế mà suốt mấy chục năm qua, chưa có học trò nào theo tôi đến trọn với nghề làm đàn cổ... Chỉ sợ mai này tiếng đàn cổ mất đi thì đó là một điều thật sự đáng tiếc".
Nặng lòng với việc phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa của nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là Nhã nhạc cung đình Huế, nhưng nỗi lo mai một nghề làm đàn, đặc biệt là các loại đàn cổ trên đất Huế đối với nghệ nhân Trương Hữu Hòa không phải là không có cơ sở. Nhất là khi công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa của đàn cổ ở nhiều địa phương còn hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, xu hướng thịnh hành và du nhập các loại đàn của phương Tây vào Việt Nam như hiện nay đã khiến giới trẻ không còn mấy mặn mà với... tiếng đàn cổ.
Triệu Sơn

Clip do tamtran tìm

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương