Vở chèo cổ gây xúc động với chuyện mẹ kế thương con chồng

Vở chèo cổ gây xúc động với chuyện mẹ kế thương con chồng

Vở chèo cổ “Trinh Nguyên” đề cao tình mẫu tử, lòng hiếu thảo và sự thuận hòa giữa anh em cùng cha khác mẹ.

Tối 30/6, Nhà hát chèo Việt Nam giới thiệu vở Trinh Nguyên đến khán giả Hà Nội. Câu chuyện kể góa phụ Trinh Nguyên, nuôi con chồng – Tôn Mạnh – và con ruột – Tôn Trọng. Trên đường đi học về, hai anh em thấy người chết bên đường, thay nhau chôn cất thi thể. Quan xã ngang qua thấy vậy, bèn sai lính bắt giam vì cho rằng Tôn Mạnh, Tôn Trọng giết người phi tang. Hai đứa trẻ bị kết án tử hình. Trinh Nguyên đau đớn, kêu oan lên quan lớn và sẵn sàng chết thay. Quan cho cô quyền được cứu một trong hai đứa bé. 
Tích truyện đơn giản, nhưng vở chèo hấp dẫn người xem khi xây dựng thành công biểu tượng đức hạnh phụ nữ, tình mẫu tử thiêng liêng và công lý chốn quan trường. Trinh Nguyên là thợ dệt lụa chăn tằm nổi tiếng một vùng. Chồng mất sớm, cô thủ tiết và dồn tình thương cho con trẻ. Dân gian có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Thế nhưng, Trinh Nguyên thương yêu con chồng hết mực. Ngày hai đứa trẻ ra pháp trường, khi được quan trao quyền cứu người, Trinh Nguyên đã chọn Tôn Mạnh – đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hành động của cô khiến mọi người xúc động.
* Trích đoạn vở chèo "Trinh Nguyên"
Video Player is loading.
0:03
/
1:55
Loaded: 0%
Progress: 0%
Đảm nhận vai Trinh Nguyên, Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Dung cho thấy độ chín và sự đằm thắm trong diễn xuất. Trường đoạn phải chọn lựa cứu con ruột hay con đẻ, những tiếng nấc nghẹn của nghệ sĩ cùng làn điệu chèo da diết gây ấn tượng mạnh với công chúng. Khi nghệ sĩ dứt câu hát, người xem đồng loạt vỗ tay, một số khán giả lau vội nước mắt. Ở hàng ghế cuối, chị Linh được chồng xoa nhẹ vào tay như động tác trấn tĩnh. Chị chia sẻ: “Vở diễn sẽ khiến cho phụ nữ và nhiều gia đình có hoàn cảnh như Trinh Nguyên học cách đối nhân xử thế. Chèo xưa mà nói chuyện hôm nay vô cùng sâu sắc”.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Vinh, trong quá trình dựng lại tích chèo cổ, êkíp đã biên tập các tình tiết, làm rõ hơn tính cách từng nhân vật. Ngoài thiếu phụ Trinh Nguyên, vở chèo dành nhiều đất diễn cho các vai phụ như: viên xá, lính tuần, thầy đồ, thầy bói. Các nhân vật mang lại tiếng cười cho khán giả qua tạo hình hài hước, thoại dí dỏm.
Nghệ sĩ Thùy Dung gây ấn tượng trong vai góa phụ Trinh Nguyên.
Nghệ sĩ Thùy Dung gây ấn tượng trong vai góa phụ Trinh Nguyên.
Tuy nhiên, việc để cho dàn nhân vật phụ xuất hiện dày đặc gây ý kiến trái chiều. Ông Trần Ngọc Chung (88 tuổi) – nhạc sĩ gạo cội của Nhà hát chèo Việt Nam – chia sẻ: “Cảnh hề đậm đặc đã át đi những tình tiết quan trọng của vở diễn. Ba bốn tiếng cười chồng lên nhau khiến nhân vật chính bị lu mờ, làm loãng thông điệp tác phẩm. Thậm chí, có những cảnh diễn hài giống nhau, khiến người xem cười gượng gạo”.
Trinh Nguyên do NSƯT Đoàn Vinh và Ngọc Kình dàn dựng. Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Thùy Dung, NSƯT Bá Dũng, Trần Hải, Văn Phương, Đức Kiên, Minh Hải. Đây là một trong bảy vở chèo cổ mà Nhà hát phục dựng. NSƯT Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam – chia sẻ: “Việc gìn giữ và phát triển chèo cổ đang bị mai một nên chúng tôi tìm lại để phân định vàng thau rõ ràng. Nhà hát đã tập hợp lại các thế hệ diễn viên về hưu, từng nổi danh với các vai mẫu để truyền dạy cho lớp nghệ sĩ trẻ”.
Trọng Trường

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương