Tuổi cao, nhiệt huyết càng cao

Nghệ nhân Út Duyên

Tuổi cao, nhiệt huyết càng cao


Về huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nói đến phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT), ai ai cũng biết nghệ nhân Út Duyên, một lão nghệ nhân luôn nặng nghiệp, nhiệt huyết với nghề. Mặc dù đến nay, ông đã “thất thập cổ lai hy” nhưng ngón nghề vẫn đầy phong độ. Sở trường của ông là đờn kìm và guitar phím lõm, sở đoản là đờn sến và cò.
Nghệ nhân Út Duyên tên thật là Thạch Văn Đây, sinh năm 1941, hiện sống tại ấp 2, xã Long Hòa, huyện Cần Đước. Năm 14 tuổi, cậu bé Đây được thân phụ mời thầy đờn Chín Kỉnh (đờn kìm cho Đài Phát thanh Long An trước năm 1975) về dạy đờn kìm trong 3 năm.
Khi Đây “hạ san” đờn tại nhiều nơi, cậu vẫn thấy mình còn kém nhiều tay đờn khác, nhất là những bài bản thuộc hơi điệu Oán. Thế là cậu tìm đến thầy Năm Lung nổi tiếng ở vùng Rạch Kiến (trước đây ông từng đờn cho Đài Phát thanh Pháp Á – Sài Gòn chung với những danh cầm như: Bảy Bá, Sáu Tửng, Văn Vĩ, Năm Cơ...) để học những bài bản Oán đến 2 năm.
Thời gian này, cậu còn học thêm guitar phím lõm. Ngoài việc giao lưu đờn ca với bạn bè, các tiệc tùng trong lối xóm, trước năm 1975 (lúc chiến tranh), cậu Đây còn tham gia đờn cho Đoàn Văn công huyện Cần Đước một thời gian và từ đây cậu có nghệ danh là “Út Duyên”.

Sau năm 1975 cho đến nay, nghệ nhân Út Duyên luôn gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng và ĐCTT ở quê nhà. Đến năm 1993, hình thức ca nhạc tài tử và phong trào ĐCTT mới được phục hồi, đầu tiên là TP.HCM tổ chức liên hoan ĐCTT, sau đó đến Long An và các tỉnh Nam bộ.
Thời gian này, nghệ nhân Út Duyên trở về phong cách nghệ thuật ĐCTT của chính mình sau một khoảng thời gian dài gián đoạn. Vì sau năm 1975, phong trào văn nghệ quần chúng chỉ sử dụng loại hình nghệ thuật tổng hợp: Ca múa, nhạc, kịch, hoạt cảnh, cải lương,... không sử dụng tới những thể điệu Oán, Hạ, Bắc, Nam... Cũng từ giai đoạn này, nghệ nhân Út Duyên rất hăng hái với phong trào, ông mở lò đào tạo môn đệ và sáng tác lời ca mới cho bài bản nhạc tài tử phù hợp với điều kiện mới.
Nghệ nhân Út Duyên có khá nhiều đệ tử thành công, có người đạt nhiều giải thưởng ở cuộc thi cấp huyện, tỉnh hay ca cho đài phát thanh, truyền hình; có người làm thầy dạy cho thế hệ sau. Đệ tử đờn thành danh như: Trần Văn Út, Phạm Văn Tài, Thạch Văn Son... Đệ tử ca như: Phùng Ngọc Bảy (đạt Chuông Vàng Vọng cổ, hiện là diễn viên Nhà hát Trần Hữu Trang), Phạm Tín Nghĩa, Lý Ngọc Châu, Ngân Hằng, Nguyên Thắm, Phạm Tín Hiếu,...
Về sáng tác, nghệ nhân Út Duyên có hơn 50 tác phẩm gồm vọng cổ, bản tài tử và cải lương được sử dụng ở nhiều câu lạc bộ ĐCTT trong huyện, tỉnh. Hầu hết những sáng tác của ông có nội dung rất thiết thực với đời sống xã hội đương đại, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đảng, cuộc sống đổi mới của quê hương...
Tôi đã nhiều lần gặp nghệ nhân Út Duyên ở nhiều cuộc giao lưu ĐCTT, thậm chí có lúc cùng hòa đờn với ông nên ít nhiều hiểu rất rõ năng lực nghệ thuật của ông. Mặc dù, ông là một lão nghệ nhân cao niên nhưng khi diễn tấu đờn kìm và guitar phím lõm, tuổi đời cao bao nhiêu thì ngón đờn càng điêu luyện bấy nhiêu, ngón chạy chữ còn phóng túng, duyên dáng đến lả lướt...
Nói khác đi, là ngón đờn của ông với sở trường thì trẻ trung, duyên dáng, nắn nót âm sắc kìm mùi mẫn với những thể điệu hơi Nam và Oán, bay bổng, xôm tụ với những bài bản Bắc và Quảng... Do đóng góp cho phong trào nhiều năm với nhiều phương diện, nên nghệ nhân Út Duyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa-2009 và nhiều giấy khen, bằng khen khác.
Tại tư gia của nghệ nhân Út Duyên thường xuyên rộn ràng lời ca tiếng nhạc, ngoài khách tri âm là những buổi dạy đờn ca của cho môn đệ. Bên cạnh đó, ông không những là thành viên của câu lạc bộ ĐCTT của xã, huyện, mà ông còn được mời cộng tác cho nhiều câu lạc bộ ĐCTT khác trong tỉnh, với tư cách là thầy đờn.
Khi hỏi, ông có những buồn vui hay chán ngán về đờn ca chưa? Ông trả lời không một chút do dự: “Đờn ca vui chứ không có buồn, cũng không biết mệt, hạnh phúc nhất là khi gặp em cháu gọi mình là “thầy”. ĐCTT không chỉ là thú vui chơi thuần túy, mà ngày nay nó cũng là một nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho xã hội nói chung, địa phương mình nói riêng...”./.
Đỗ Dũng

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương