Niềm vui ca Huế

Suckhoedoisong.vn - Nếu các tỉnh miền Tây Nam Bộ có đờn ca tài tử và cải lương, Phú Thọ có hát xoan, Hà Nội có hát xẩm và ca trù... thì cố đô Huế từ lâu nổi tiếng ca Huế - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian qua, ca Huế trên sông dòng Hương thơ mộng đã trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm văn hóa giúp ngành du lịch địa phương phát triển và thu hút du khách.

Giá trị, đặc sắc

Theo Hồ sơ di sản (Cục Di sản văn hóa), ca Huế hình thành và phát triển từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII. Nhiều chuyên gia và nghệ nhân đánh giá, ca Huế là một trong những tiểu hệ cấu thành trong tổng thể của văn hoá Huế, với giai điệu, nhịp điệu trầm lặng, sâu lắng và trữ tình. Ngoài ra, ca Huế còn là loại âm nhạc bác học, chuyên nghiệp có những yêu cầu cao về kỹ thuật ca hát. Người hát ca Huế và nhạc công ca Huế phải là những người có năng khiếu. Trong ca Huế, có nhiều loại bài bản, điệu thức, hơi nhạc, nên cũng có nhiều cách hát khác nhau, thể hiện các sắc thái tình cảm của từng bài bản. Khi ca, người ca phải nắn nót trong phát âm, nhả chữ đúng với tiếng Huế chuẩn, nắm rõ các loại nhịp độ, tốc độ của từng bài bản âm nhạc, cách luyến láy đặc trưng, cách ca dồn, ca sắp, ca đối hơi, ca nhịp ngoài, ca già dặn, chân phương... Bên cạnh đó, ca Huế phải đầy đủ 5 nhạc cụ trong dàn “ngũ tuyệt” để đệm cho người hát. Nhạc công phải thuộc mọi bài bản của ca Huế từ điệu Bắc, điệu Nam, điệu Nam xuân để sáng tạo trong khi đệm nhạc.
Ca Huế trên thuyền tại sông Hương nhiều năm qua là sản phẩm văn hóa giúp ngành du lịch địa phương phát triển.
Ca Huế trên thuyền tại sông Hương nhiều năm qua là sản phẩm văn hóa giúp ngành du lịch địa phương phát triển.
Thạc sĩ Phan Thuận Thảo (Học viện Âm nhạc Huế) cho biết, nội dung những bài bản ca Huế ngoài sự ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên, phong cảnh hữu tình còn tự sự về nhân tình thế thái, buồn vui của kiếp người, tư tưởng lánh đời để tìm quên trong một xã hội rối ren khi đất nước chịu nạn ngoại xâm. Do đó, ca Huế thể hiện chiều sâu cả ở phần âm nhạc lẫn nội dung lời ca. Xét về góc độ âm nhạc, ca Huế có sự phát triển cao về khí nhạc, trong khi nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam thiên về ca hát hơn là chơi nhạc cụ.
Theo số liệu thống kê, tại Huế hiện có trên 400 nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế phục vụ du khách trên sông Hương. Mỗi chương trình biểu diễn phục vụ du khách có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại đàn thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu và sáo; cùng với đó là các diễn viên và nhạc công... Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ca Huế từng bị mai một nhưng đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi du lịch Huế bắt đầu phát triển thì ca Huế trở thành một thứ “đặc sản” phục vụ khách du lịch. Ba thập kỷ qua, ca Huế trên thuyền đi trên sông Hương vẫn hiện diện và đồng hành với người dân nơi đây cũng như du khách đến với Huế.

Để làm đòn bẩy phát triển du lịch

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế, hiện tại, trung bình mỗi đêm, trên sông Hương có khoảng 30 - 35 thuyền ca Huế phục vụ du khách. Vào những dịp nghỉ lễ hay dịp Festival Huế, nhu cầu thưởng thức ca Huế của du khách trong và ngoài nước tăng cao nên có đến 60 - 70 thuyền ca Huế hoạt động trên sông Hương. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế từng cho biết, không gian biểu diễn ca Huế trên những chiếc thuyền “mạo danh thuyền rồng” có hiện tượng một số diễn viên, nhạc công ca Huế muốn tạo tiết tấu réo rắt để gây hấp dẫn du khách, đã đẩy nhanh tốc độ nhiều làn điệu, bài bản, vô tình phá nát sự tinh tế, trang trọng của ca Huế, có nguy cơ dẫn đến làm biến chất ca Huế. Vì vậy, nếu không được quản lý chặt chẽ thì ca Huế trên sông Hương sẽ biến thành một loại sản phẩm thị trường, làm mai một và đánh mất tính chất đặc sắc của nó.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, để chuẩn bị cho Festival Huế 2018 (từ 27/4 - 2/5), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế đã ra văn bản yêu cầu mỗi suất diễn trên thuyền ở sông Hương có tối thiểu 7 diễn viên, nhạc công (biểu diễn trên thuyền đơn) và 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng. Nhằm nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, cơ quan quản lý ngành văn hóa Thừa Thiên Huế quy định mỗi chương trình ca Huế dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài); có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo. Những quy định này nhằm siết chặt kỷ cương văn hóa du lịch, bên cạnh đó không để ca Huế xảy ra biến tướng làm ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Cố đô Huế.
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Thừa Thiên Huế, mỗi năm địa phương có hơn 15.000 suất diễn ca Huế, phục vụ hơn 350.000 lượt khách nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở du lịch. Từ đây ca Huế được lan tỏa, bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có, đồng thời là kênh hữu hiệu giúp ngành du lịch địa phương phát triển.
Quỳnh Hoa

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương