Nghệ sĩ Mỹ Châu: 'Cuộc đời tôi dành hết cho sân khấu'
Nghệ sĩ Mỹ Châu: 'Cuộc đời tôi dành hết cho sân khấu'
Gần 60 năm gắn bó cải lương như máu thịt, nghệ sĩ chia sẻ chị may mắn khi có gia đình êm ấm để vững tâm hoạt động nghệ thuật.
- Cuốn "Châu, chút tạ tình tri âm" kể cuộc đời chị sắp ra mắt. Đã rời xa sàn diễn gần 20 năm qua vì sao chị đồng ý xuất bản sách về mình?
- Trước đây, có rất nhiều người muốn viết sách về chị nhưng chị không
nhận lời. Từ hồi nào tới giờ chị luôn nghĩ những câu chuyện đời mình chỉ
nên sống để dạ chết mang theo, không muốn nói hay để lại gì. Trong
nghề, kể cả việc nhận học trò, chị cũng không thích. Chỉ khi nào dàn
dựng một vở tuồng trên đài truyền hình và sân khấu cần kỹ lưỡng từng chi
tiết, từng lời thoại, lúc đó, chị mới truyền lại tinh hoa của những
người đi trước cho người diễn cùng.
Thực ra, vào năm 1995 chị từng gặp tác giả Thanh Thủy trong một chuyến
biểu diễn ở châu Âu nhưng lúc đó chưa nói chuyện nhiều. Sau này gặp lại,
qua những cuộc nói chuyện, chị cảm nhận được ở Thanh Thủy sự mộc mạc,
nhẹ nhàng và rất thật. Vì vậy, chị đồng ý để Thanh Thủy viết sách về
mình. Cuốn sách là chút tâm sự nhỏ chị nhờ Thanh Thủy gửi tới độc giả
gần xa, không phải điều gì lớn lao lắm đâu. Mọi thứ nhẹ nhàng lắm, không
có áp lực nào cả. Vì vậy, chị và người chấp bút thống nhất gọi cuốn
sách này là bút ký chân dung - Chút tạ tình tri âm.
![]() |
Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu đã trải qua thời hoàng kim của cải lương và
được khán giả mộ điệu nhờ thanh sắc không lẫn với đồng nghiệp. Bà sinh
năm 1950 tại Thủ Thừa, Long An. Sau năm 2002, bà sang Mỹ định cư cùng
gia đình đến nay.
|
- Có nhan sắc lại sớm thành công trong nghề, chị từng trải qua những cuộc tình nào để lại nhiều dư âm trong đời?
- Mỹ Châu không có may mắn có nhiều mối tình như mọi người nghĩ đâu, vì
tình của Mỹ Châu là dành cho sân khấu không à. Cuộc gặp gỡ với ông xã
(nghệ sĩ Đức Minh) giống như là một sự sắp đặt của ông trời, gặp là phải
nên vợ nên chồng. Mối tình đầu của chị, mẹ không chấp nhận nên chị
không dám cãi lời, đến khi gặp ông xã là mối tình cuối cùng. Chị dành
hết tình cảm cho sân khấu. Cuộc đời chị đơn giản lắm.
- Cố nghệ sĩ Đức Minh giữ vai trò, ý nghĩa như thế nào với cuộc đời chị?
- Có anh trong đời, chị trở nên dạn dĩ hơn. Trước khi gặp anh, chị sống
khép kín, chỉ ăn ở nhà vì có mẹ nấu ngon lắm, ít khi nào đi ăn ngoài
tiệm. Từ khi có anh, anh thường chở chị đi ăn ở ngoài đường, lê la các
góc phố, mới thấy ở vỉa hè cũng có rất nhiều món ngon. Hồi đó chị thích
món nghêu hấp. Chị với anh ngồi ăn bên cột đèn, ăn xong nhìn thấy chồng
dĩa cao lắm (cười).
Anh là nghệ sĩ nhưng rất giống chị ở cuộc sống đời thường, là người đơn
giản. Không biết trước đó như thế nào nhưng từ khi gặp chị, anh cũng
sống theo phong cách của chị. Đi ăn thì đi theo gia đình, còn không anh
chở chị đi. Mà ngộ lắm nha, hồi trước chị bị đau thần kinh bao tử nhưng
khi về sống với nhau thì hết, không còn bị dị ứng nữa. Trước đó ăn gì
cũng bị dị ứng nhưng giờ ăn cua, ăn ghẹ bao nhiêu cũng không sao hết.
(cười). Ngày ấy, vợ chồng chị mỗi người đi mỗi đoàn hát, kể cả khi lập
gia đình cũng vậy, ít khi nào đứng chung sân khấu.. Nếu may mắn mà có đi
chung thì cứ đi, còn không mỗi người đi mỗi đoàn, rất thoải mái.
![]() |
Nghệ sĩ cải lương Mỹ Châu bên chồng - cố nghệ sĩ Đức Minh.
|
- Chị lập gia đình muộn và không có con. Chị cảm nhận thế nào về cuộc sống của mình hiện tại?
- Chị không thấy buồn. Vì cuộc đời chị là sống với các cháu của chị.
Khi chị đi hát, ngoài mẹ, chị Tư Hồng Châu còn có anh Ba và các cháu.
Thành ra hồi đó chị đi hát vui lắm, bước xuống xe là có gia đình đầy đủ
hết. Các cháu gắn bó với chị từ nhỏ, gần chục đứa luôn. Thành ra tình
thương của chị đặt trọn vẹn hết cho các cháu.
- 11 tuổi chị đi hát và mau chóng thành danh, kiếm được rất nhiều
tiền, được ví như triệu phú thời đó. Lúc đó, chị sử dụng tiền ra sao?
- Nói cho mọi người thương chứ chị không biết gì về tiền bạc, và chị
cũng không bận tâm. Khi chị chưa tới tuổi để ký tên trong giao kèo hợp
đồng thì mẹ chị ký. Lớn lên chị ký được thì ký nhưng tiền bạc tất cả là
mẹ và chị Hồng Châu đứng tên quyết định, kể cả mua xe, nhà cửa. Mẹ muốn
dùng số tiền đó cho ai, mẹ chỉ hỏi ý chị, chị cũng chỉ biết dạ thôi vì
không bao dám làm trái ý mẹ.
Chị có may mắn nổi tiếng sớm, vì chị đặt tất cả vào sân khấu. Mỗi lần
hát xong, mẹ lãnh tiền là chuyện của mẹ. Chỉ khi mẹ mất rồi đến chị Hồng
Châu mất, chị mới biết cầm chìa khóa, biết nặng cái đầu, bắt đầu tính
toán tiền bạc cho ai, mua cái gì, làm việc này việc nọ… Chị thấy mệt
lắm. Hồi đó khỏe vì có mẹ và chị, chị chỉ có biết hát thôi.
* Trích đoạn tân cổ 'Em có buồn không em' - Mỹ Châu, Minh Phụng
- Niềm vui của chị hiện nay là gì?
- Chị thích sống một cách đơn giản, chừng nào các cháu rảnh thì đưa chị
về Việt Nam thăm mồ mả ông bà cha mẹ, nhà thờ từ đường ở Thủ Thừa (Long
An), ghé thăm mộ của ông xã rồi thăm những người bạn bè thân tình. Chỉ
vậy thôi.
- Vì sao trong sách, chị ít đề cập về những khó khăn trong hàng chục năm gắn bó nghề hát?
- Trong cuốn sách, chị gần như kể hết 99% câu chuyện đời mình. Những
chuyện trong một phần trăm còn lại chẳng có gì hết, chỉ là chuyện ngoài
lề thôi. Đi hát mà, chuyện phía sau hậu trường người nào cũng phải gặp.
Đó là sự thường. Nó đâu khác gì một xã hội thu nhỏ, nên mấy chuyện khó
khăn đó với chị không quá quan trọng. Khán giả rất tế nhị, không bao giờ
hỏi những chuyện đó. Khán giả mà thương Mỹ Châu hình như đều biết tới
bản tánh của chị, biết cách sống của chị là không thích nói về mình và
cũng không thích nói về người khác.
* Nghệ sĩ Mỹ Châu hát "Bà lão ăn mày"
- Sau năm 1975, chị từng được thay vai cho cố nghệ sĩ Thanh Nga qua
các vở “Tấm lòng của biển”, “Dương Vân Nga”, “Tiếng trống Mê Linh”,
“Bên cầu dệt lụa”, “Sau ngày cưới”... Lúc đó chị có bị áp lực?
- Chị rất yêu thích những vở tuồng có chị Thanh Nga hát, thành ra khi
được mời là chị nhận lời. Nói thiệt, chị không có bị áp lực như mọi
người nghĩ. Người thầy dạy cho chị Thanh Nga là má Bảy Phùng Há, và chị
cũng từng đem các vở tuồng đến nhờ má Bảy Phùng Há dạy. Cho nên chị thay
vai cho chị Thanh Nga cũng ăn rơ, có tương đồng về phong cách.
Khi chị Thanh Nga mất, chị xin phép đoàn về Sài Gòn nghỉ một đêm, dù
chị biết khi chị nghỉ là đoàn cũng phải nghỉ. Chị xin về để thắp cho chị
Thanh Nga nén nhang. Về Sài Gòn, chị cùng mẹ đến đốt nhang cho chị
Thanh Nga, sau đó chị ra ngoài hàng kiểng ngồi một lúc rồi mới trở về
đoàn.
- Trải qua hai thời kỳ hoàng kim của cải lương, giờ thấy bộ môn
nghệ thuật truyền thống này bị nhận xét là “một cái xác không hồn”, chị
có suy nghĩ gì?
- Buồn lắm. Chị không thấy đau mà buồn dữ lắm. Tại sao cải lương lại
rơi vô tình cảnh này? Chị chưa bao giờ nghĩ cải lương lại có số phận như
vậy.
Trước đây mọi người tập tuồng vui lắm, có khi tập đến hai giờ chiều,
bụng đói meo nhưng ai cũng tươi cười. Không phải như bây giờ tập tuồng
mà thiếu người này người kia. Rồi không tìm ra những giọng ca độc đáo,
nghĩa là những giọng ca vừa cất lên là khán giả phải biết đó là ai. Bên
tân nhạc, khi chị Thanh Thúy, chị Phương Dung, chị Thanh Tuyền cất lên
là khán giả biết ngay người đó là ai rồi. Bên cải lương thì có chị Út
Bạch Lan, chị Ngọc Giàu. Nhưng bây giờ không tìm ra một giọng ca đặc
biệt, độc đáo mà cứ na ná giống nhau, cất lên không biết là ai, chị
không hiểu vì sao. Còn hồi xưa mỗi năm lại xuất hiện một người có chất
giọng rất lạ, không lẫn vào ai.
Quan trọng hơn là không có sân khấu để trau dồi. Có thể người nghệ sĩ
còn non đi, nhưng cần phải có môi trường để trau dồi, trui luyện nghề
nghiệp hàng đêm. Rồi tuồng tích nữa, đang thiếu trầm trọng, không có
tuồng để người ta cảm nhận đó là tuồng hay. Giờ cứ nghe xong rồi quên.
Nói theo kiểu duy tâm, chị vẫn mong có một phép màu nào đó để cải lương
được sống lại một phần nào thời hoàng kim thuở trước. Chị vẫn hy vọng và
cầu mong. Hôm bữa về Việt Nam, chị có đến nhà thờ tổ của Hoài Linh và
chị cũng cầu nguyện như vậy.
Hồ Huy Sơn thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét