Đạo diễn Hoa Hạ: Khát vọng chưa thành
NSƯT đạo diễn Hoa Hạ nói cá tính của bà thẳng thắn, đôi khi thiếu uyển chuyển là nguyên nhân khiến công việc bị trắc trở,nhưng nếu không phải như thế thì không còn là Hoa Hạ
- NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ: Có thể nói như thế, vì đúng ra năm ngoái là tròn 40 năm tôi gắn bó với sân khấu. Tôi đã ấp ủ và lên kế hoạch tổ chức một loạt vở diễn cho đợt kỷ niệm con số 40 này bằng những tác phẩm của nhiều loại hình: cải lương, kịch, nhạc kịch… Thế nhưng, vẫn chưa đủ duyên để thực hiện. Bởi diễn viên hiện nay khó tập hợp, muốn có lực lượng ổn định rất nan giải. Sân khấu Quốc Thảo mời tôi dàn dựng vở "Lôi vũ" nhưng đến nay vẫn chưa thể quy tụ đủ diễn viên. Còn với vở "Thái hậu Dương Vân Nga" này, nhân kỷ niệm sân khấu cải lương chạm mốc 100 năm, không biết nhà nước có chủ trương tổ chức kỷ niệm như thế nào nhưng với khả năng của mình, tôi thấy làm được điều gì có ích cho sân khấu cải lương thì tôi làm. Tôi không dám nói mình sẽ làm điều gì đó mới mẻ, to lớn cho sân khấu cải lương, chỉ mong được giữ lửa cho giới nghề, ý thức làm nghề một cách đàng hoàng nhất, chính đáng nhất.
Đạo diễn Hoa Hạ ngoài đời. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
- Những tác phẩm như "Thái hậu Dương Vân Nga" vẫn có giá trị truyền lửa về tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước đến thế hệ trẻ nên tôi chọn dàn dựng bằng tấm lòng của mình đối với sân khấu cải lương và với ý thức của người công dân.
NSƯT Hoa Hạ trong phim "Miền đất phúc" Ảnh: LIÊM THANH
Kịch bản "Thái hậu Dương Vân Nga" của Trúc Đường, tác giả Hoa Phượng và Chi Lăng chuyển thể, đạo diễn Chi Lăng dàn dựng, từng in dấu đậm nét qua tài năng ca diễn của những nghệ sĩ thuộc hàng cây đa, cây đề của sân khấu cải lương. Liệu tác phẩm của bà và nghệ sĩ trẻ tham gia có vượt qua được cái bóng quá lớn đó?
- Bản tính của tôi là khi dàn dựng bao giờ cũng nghĩ đến cái mới và sự phù hợp với diễn viên. Sau khi xem lại nhiều lần bản dựng cũ, tôi thấy các em hiện nay khó có thể đạt đến đỉnh thành công như NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu đã từng thể hiện nhưng đây là tấm lòng của các em cùng chung sức để giữ tinh thần sáng tạo.
Bà sáng tác nhiều kịch bản sân khấu, đưa nhiều chất liệu mới, mang hơi thở thời đại vào câu chuyện kịch đậm chất văn học. Nhưng hình như bà chưa đủ duyên để tự mình dàn dựng. Sao bà không nghĩ đến việc trao kịch bản tâm huyết của mình cho các sân khấu để nhiều đạo diễn đồng nghiệp dàn dựng?
- Tôi cũng có nghĩ đến điều đó, cũng sẽ gửi đến NSƯT Thành Lộc và NSND Hồng Vân những kịch bản của tôi, nếu các bạn ấy nhận thấy phù hợp thì dàn dựng. Tôi đã viết 6 kịch bản mới, viết từ khi rạp Hưng Đạo khởi công xây dựng, nhưng đến khi rạp này hoàn thành khiến tôi bị hụt hẫng, không thể dàn dựng điều gì mới mẻ cho cải lương trong một không gian bị lỗi như thế. Do đó, 6 kịch bản tôi viết trong đó có nhân vật lịch sử như: Hồ Quý Ly, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Công chúa Huyền Trân… có vở xã hội đương đại mang chất nhạc kịch đến nay vẫn còn nằm trong ngăn kéo. Về nhạc kịch, tôi sẽ cố gắng thực hiện, không biết sẽ đi tới đâu nhưng tôi sẽ làm, để góp phần thổi thêm luồng gió mới vào sàn diễn hiện nay.
Bà luôn khao khát làm điều mới mẻ cho sân khấu, đã từng tạo cảm giác thú vị trong thể nghiệm làm mới cải lương qua 2 tác phẩm lớn: "Kim Vân Kiều", "Chiếc áo Thiên Nga" nhưng dường như khát vọng đó vẫn chưa thành. Điều gì đã cản trở bà?
- Tôi không ngại khó nhưng dễ bị tự ái, dễ bị tổn thương. Mỗi lần vấp phải rào cản, tôi tự dừng lại, lãng quên, tìm công việc khác để làm. Hiện nay, nhìn thực trạng của sàn diễn cải lương, tôi đau lòng lắm. Như đã nói, tôi không dám nghĩ sẽ làm thêm điều gì hay hơn, mới hơn cho nghệ thuật này, chỉ muốn góp phần giữ chuẩn mực vốn có cho cải lương.
Hình như bà đúc kết được nhiều điều sau những lần thử nghiệm cải lương gây tranh cãi của mình?
- Tôi đã mở ra cái nhìn thoáng cho người trong nghề. Muốn thử nghiệm thì phải làm. Hai công trình "Kim Vân Kiều" và "Chiếc áo Thiên Nga" là hai cuộc tập hợp tài năng không chỉ của sân khấu cải lương mà của giới ca sĩ, nhạc sĩ tân nhạc, nghệ sĩ xiếc, dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc cổ truyền thống, diễn viên múa… Sau này, chỉ vì tranh cãi giữa việc thuần chất cải lương và thử nghiệm mang tính kết hợp nhiều loại hình không đi đến thống nhất, tôi đã bỏ dở dang dự án thứ ba, dù đã lên sàn tập được vài cảnh cho diễn viên tham gia: "Hoàng đế Quang Trung" của tác giả Lê Duy Hạnh.
Cải lương luôn mở rộng, thu nạp những tinh hoa, những thử nghiệm để làm mới mình. Nó chưa bao giờ định hình, vì nếu định hình thì nó đã là di sản cần bảo tồn. Tôi vẫn khao khát được thử nghiệm nhưng với thực trạng hiện nay của cải lương, chỉ mong giữ đúng chuẩn mực trước, giữ con người làm nghề nghiêm túc trước rồi mới nghĩ đến cải tiến.
Sân khấu cải lương tròn 100 năm. Ngay trên thánh địa của chính mình, bộ môn này đang đối mặt với sự mai một. Người làm nghề đã nhìn thấy điều đó nhưng bất lực. Theo bà, chìa khóa giải quyết vấn đề này là gì?
- Yếu tố con người. Tôi nghĩ ngay đến tác giả. Sau đó đến đội ngũ đạo diễn và diễn viên. Cần phải chăm chút lại, để họ làm nghề một cách nghiêm túc. Cơ sở vật chất cho nghệ thuật tại TP của chúng ta quá thiếu thốn. Không có rạp nên phải đi thuê chỗ diễn. Làm cải lương không ai dám tự tin là sẽ có lãi, thường cầm chắc lỗ nên chẳng ai dám đổ tiền của vào làm. Yếu tố con người ở đây còn phải nói đến trình độ quản lý, lãnh đạo chuyên ngành nữa.
Cần tổ chức tái dựng tác phẩm đỉnh cao
Theo
đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ, để góp phần giữ lại sự chuẩn mực vốn có của bộ
môn cải lương, nhà nước - nên chủ trương tổ chức tái dựng hoặc tái diễn
những tác phẩm đỉnh cao của sân khấu cải lương trên cả nước. Mỗi đơn vị
nghệ thuật từ quốc doanh đến xã hội hóa được tạo điều kiện để thực hiện
các vở diễn quảng bá nghệ thuật cải lương hướng đến tính chuyên nghiệp
cao trong ca diễn của đội ngũ diễn viên trẻ, từ đó mới tạo đà cho sự
đoàn kết, ý thức quay về sàn diễn làm nghề một cách tử tế của đội ngũ.
Thanh Hiệp thực hiện
Nhận xét
Đăng nhận xét