ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 5

ĐIỂM QUA MỘT SỐ NHẠC SƯ, NHẠC SĨ VANG BÓNG MỘT THỜI – PHẦN 5

Ông Huỳnh Văn Sâm (Sáu Tửng)
Người gốc Gò Công, nghiện á-phiện, thân phụ của tay trống có hạng Huỳnh Anh và nữ ca sĩ Bạch Huệ. Cái tên Huỳnh văn Sâm, nhứt là cái tên Sáu Tửng, thì không xa lạ gì đối nhạc sư nhạc sĩ miền Nam lẩn Trung và Bắc, kể ca những người yêu nhạc. Nhiều nhạc sĩ đàn Kìm ảnh hưởng đến lối đàn của ông và đàn giông giống ông.
Sở trường của ông là cây đàn Kìm và Xến. Đàn Kìm, đàn Xến, thay vì tay trái bấm dây đủ 4 ngón (trỏ, giữa, áp út và út) như vậy mới nhấn được chữ đàn có gân, chuyền chạy chữ mới nhanh. Đằng nầy ông chỉ sử dụng 2 ngón (trỏ và giữa), lướt một cách nhanh nhẹn, lưu loát trên phím đàn không thua gì người sử 4 ngón.
Tôi quen ông vào năm 1930, lúc ấy ông đàn Kìm chánh cho gánh Hồng Nhựt hát tại Cao Lãnh (quê của tôi) và tôi được dịp nghe ông đàn Kìm trên dây Hò Ba cho chị Hai Thân và chị Sáu Liềng (danh ca Cao Lãnh) ca, và dây Bắc Oán cho Anh Bé ở Nha Mân (Cái Tàu Hạ – đồng hương với danh ca Tám Thưa -) ca Vọng cổ và Tây Thi hơi Quảng. Thời điểm nầy tôi không thấy nhạc sĩ đàn Kìm nào sử dụng hai loại dây Hò Ba và Bắc Oán nầy, và riêng tôi, tôi cho rằng ông Sáu Tửng là người sáng chế. Năm 1935, xuyên qua dĩa nhựa Béka, tôi có nghe ông độc tấu Tây Thi Hơi Quảng đàn Kìm trên dây Bắc
Oán.
Từ năm 1928, ông luôn luôn là tay đàn Kìm chánh cho nhiều gánh hát Cải lương như: Văn Hí Ban, Võ Hí Ban, Phước Cương, Trần Đắt, Hồng Nhựt, Thanh Niên, Phụng Hảo, đàn thu rất nhiều dĩa nhựa như Béka, Pathé, Asia, Hoành sơn, Hồng Hoa, Việt Hải, Tri âm, Kim Khánh…. Tuồng hát nào mà Cô Bảy Phùng Há có vai, thì đàn Kìm nhứt định phải là Sáu Tửng, Cô mới chịu, y hệt như ca sĩ Thành Công, ca thì phải có Hai Long đệm đàn Guitare-mando.
Thập niên 1940, ông ra Bắc dạy đàn Kìm.
Năm 1955, ông Ba Quan (Chủ tiệm hột xoàn Ba Quan Chợ cũ), mời ông, Duy Lân, Tám Thưa, Việt Hùng, Cô Tư Bé, và nhạc sĩ Nguyễn thế Huyện (Tư Huyện) (đàn Cò và Violon) sang Pháp làm dĩa nhựa mang nhãn hiệu Kim Khánh.
Năm 1960, tối ông đàn cho gánh hát, trưa quay về Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ để cùng hai nhạc sĩ Ba Dư (đàn Tranh), Chín Trích (đàn Cò) đệm cho học sinh lớp Sân Khấu ca diễn. Lối đàn Kìm và Xến của ông rất là độc đáo. Tiéng đàn phát ra nghe rất anh hùng và tự tin. Chữ đàn sắp xếp sắc sảo, câu cú tròn vành rõ nghĩa, hơi nào ra hơi nấy, tiết tấu mắc mỏ, mùi, dễ gợi cảm cho người cùng đàn. Trong hòa tấu, lối đàn rất là sôi động, ra vô, quăng bắt của ông rất là mạch lạc, tạo hào hứng cho người cùng đàn. Có những lúc đang đàn, ông đơn phương ngưng nghỉ, rồi một lát sau đó, bất thần nhào đại vô, làm cho người cùng đàn giựt mình, có khi bị rơi đàì. Mỗi lần có dịp hòa đàn với ông, tôi luôn bắt gặp nơi ông có mốt số câu đàn mới, lạ và hay. Có lần ông tâm sự với tôi: “Về đêm, sau vãn hát, mọi người lo đi ngủ, còn tôi thì sau khi kéo vài điếu (ông nghiện á phiện) tôi ôm đàn Kìm, chế ra nhửng câu đàn mới”. Cái sợ nhứt của tôi là đàn vào đêm thanh vắng, chữ đàn ma nhấn chưa chín, tai mình nghe rõ mồn một. Không như Vĩnh Bảo có cách ghi ra giấy, mổi khi sáng tác ra câu nào thì tôi ôm đàn, đàn đi đàn lại cho thật thuộc câu nấy, nếu không thì ngày mai lai quên mất. Băng Nam Bình I, qua nhửng hòa tấu: Ngũ Đối Hạ, Lưu Thủy Trường, 6 câu Vọng cổ nhịp 32 (Sáu Từng (Kìm), Chín Trích (Cò), Vĩnh Bảo (Tranh), người nghe có thể nhận thấy lối đàn độc đáo của ông Sáu Tửng.
Năm 1938 tôi có dịp đàn 20 câu Vọng cổ nhịp 16 vô dĩa nhựa Béka (Năm Nghĩa (Trà Ôn) đàn Tranh, Ba Cân (Xóm Gà) đàn Kìm, tôi đàn Gáo, Cô Ba Thiệt (chị ca sĩ Năm Cần thơ) ca).
Thường khi 20 câu Vọng cổ nhịp 16 gói gọn trong 2 dĩa. Mỗi mặt qui định là 3 phút (không dư một giây).
  • Dĩa 1, mặt A: Rao, và câu 1, 2, 3 và 4, mặt B: câu 5, 6, 7, 8, 9, 10.
  • Dĩa 2, mặt A: câu 11, 12, 13, 14, 15 câu, mặt B: 16, 17, 18, 19, 20.
Phần đông nhạc sĩ phải đàn đi đàn lại nhiều mới xong một mặt dỉa. Riêng ông Sáu Tửng, ông canh trường tống (tempo) rất chính xac. Chỉ một keo là ăn tiền. Ông sống nghèo tại hẻm Taberd (Nguyễn Du). Có lần tôi đề nghị ông để tôi nhờ Bác sĩ quen thân (Bác sĩ Phạm kim Tương) giúp ông cai á phiện. Ông đáp lại tôi bằng một câu xanh rờn: “Vĩnh Bảo phải biết, Sáu Tửng sống là để hút và đàn”. Không bao giờ tôi quên được lần cuối cùng găp ông tại nhà may Nguyễn văn Phú ở đường d’Ormay Sàigòn vào năm 1980. Đêm ấy có tổ chức đàn ca tận trên lầu bốn. Thính giả phần đông là cao tuổi và tri âm. Tay đờn thì có nhạc sĩ Thanh Tuyền đàn Kìm, Tư Huyện đàn Cò và violon, tôi đàn Tranh, 2 Cô Thanh Trang và Thanh Hoa ca. Sở dỉ không mời ông Sáu Tửng vì anh em ngại cho sức khỏe của ông.
Nhưng bất ngờ ông tự động đến, vạnh bên là cô ca sỉ Huệ Nhi dìu ông lên lầu. Gặp ông tôi rất mừng bởi có tay đàn ưng ý. Nhưng vì thương và lo cho sức khỏe của ông, tôi trách ông đến làm chi. Trước mặt mọi người ông nói: Dù không đựoc mời, nhưng tối cố gắng đến cốt là để nghe Vĩnh Bảo đàn. Tôi đỡ lời: anh Sáu, anh có lạ gì với tiếng đàn của tôi?. Bắt đầu đàn, ông ôm đàn Kìm rao trước, Tranh, violon cùng rao theo, cô Thanh Trang nói lối. Khi vào Vọng cổ, Ông ngưng đàn, nghẻo đầu tựa vào vành đàn, nhắm mắt nghe. Tôi thầm nghĩ rằng từ đây sẽ không còn dịp nghe tiếng đàn Sáu Tửng hay cùng hòa đàn với ông nữa. Đúng vậy, một tuần sau nghe tin ông qua đời ….
Tôi quen với ông từ năm 1930 tại Cao lảnh. Nhửng dịp theo gánh lên hát ở Nam vang vào năm 1935, 1936, ông đến nhà tôi gần như hằng đêm sau khi vãn hát. Giữa ông và tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương