Đôi vợ chồng trẻ bỏ Mỹ về gần VN để học nhạc tài tử
TTO - Chồng là tiến sĩ sinh học Viện Công nghệ Massachusetts, vợ là giám đốc dự án bản đồ Google (Google Maps), cùng bỏ kế hoạch làm việc và mua nhà ở Mỹ để chuyển về Singapore, gần VN hơn nhằm học đàn tài tử.
Vợ chồng anh Vũ Phan Linh Đăng và chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh chăm chú học nhạc từ thầy Nguyễn Vĩnh Bảo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Giờ
Hoàng Oanh vẫn đang học chơi đàn tranh, công việc của cô thường phải đi
công tác xa, dài ngày nên vẫn hay mang theo cây đàn tranh để có thể
chơi mỗi khi rảnh. Linh Đăng có hẳn 5 cây đàn, một phòng riêng cùng
phần lớn diện tích phòng khách để nhạc cụ, loa, đĩa than, sách vở, tài
liệu… và “chưa có ý dừng lại”
Với
vợ chồng Vũ Phan Linh Đăng (37 tuổi) và Nguyễn Thị Hoàng Oanh, từ 10
năm trước, đờn ca tài tử chỉ là một cuộc dạo chơi. Nhưng đó là cuộc dạo
chơi của hai người bạn cùng chí hướng, quyết tâm theo đến cùng dù họ ở
cách xa thầy dạy tận nửa vòng Trái đất.
Từ học qua email
Trước
khi thành vợ chồng, cả hai đều có hơn 20 năm sống ở Mỹ. Hoàng Oanh học ở
VN đến giữa năm 16 tuổi, còn Linh Đăng đi Mỹ khi anh mới hơn 10 tuổi.
Hoàng
Oanh kể dù đã chơi piano từ nhỏ, nhưng đến hồi học cấp II được nghe
nghệ sĩ Hải Phượng chơi đàn tranh trên truyền hình đã cảm thấy thích âm
thanh phát ra từ nhạc cụ này. Nhưng sở thích đó bị lãng quên sau nhiều
năm học hành và sống ở nước ngoài đến khi gặp Linh Đăng.
Mọi chuyện đến với Linh Đăng và Hoàng Oanh thật
tình cờ. Năm 2006, khi cả hai còn đang học đại học ở Michigan (Mỹ), một
người bạn Mỹ trong ban nhạc đưa cho Linh Đăng một đĩa nhạc VN. Mới nghe
anh đã cảm thấy hay, bay bổng, rất hợp với gu chơi nhạc jazz, phụ thuộc
nhiều vào cảm hứng của người chơi.
Vì muốn tìm hiểu thêm về nhạc tài tử nên Linh Đăng cố tìm những gì có liên quan đến âm nhạc VN, nhạc tài tử…
Anh
tình cờ biết Hoàng Oanh đang làm trong ban tổ chức các sự kiện văn hóa
văn nghệ liên quan các nghệ sĩ người Việt ở Trường Harvard, chỉ cách nơi
anh đang học chừng mấy phút đạp xe: Viện Công nghệ Massachusetts
(MIT).
Anh liên lạc với Hoàng Oanh qua email để xin
thông tin về một buổi diễn mà các nghệ sĩ VN sắp trình diễn bằng nhạc cụ
dân tộc. Linh Đăng lúc này đang yêu thích và nghiện nghe các đĩa thanh
nhạc của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, GS Trần Văn Khê.
Tháng
5-2008, cả hai liên lạc và xin học với thầy Vĩnh Bảo, lúc đó ông đã 90
tuổi. Hoàng Oanh học đàn tranh, còn Linh Đăng học đàn kìm, nhưng do cô
đang học thạc sĩ ở Harvard, còn Linh Đăng học tiến sĩ sinh học ở MIT nên
khi có thời gian rảnh cả hai liên lạc với thầy Vĩnh Bảo.
Thầy
viết nhạc, thu âm rồi gửi qua email. "Hai đứa học xong trả bài bằng
cách thu âm và dùng email gửi qua cho thầy. Chỉ khi nào cần chỉ thêm mấy
kỹ thuật khó, thầy trò mới dùng Skype để nâng cao kỹ năng" - cả hai kể
lại.
Đổi việc để gần VN hơn
Từ
năm 2008, cả hai đều tranh thủ mỗi năm về VN chừng 10 ngày để gặp thầy
trực tiếp học thêm các kỹ thuật khó và được thầy trực tiếp sửa lỗi khi
chơi đàn. Hơn nửa thời gian mỗi kỳ nghỉ ở VN của vợ chồng Đăng - Oanh là
ở nhà thầy để cùng trò chuyện, cùng học, cùng chơi đàn từ sáng sớm đến
tận chiều tối.
Cứ thế đến cuối năm 2014, Linh Đăng kết
thúc việc nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco (UCSF), Hoàng
Oanh về Mountain View (trụ sở chính của Google) làm việc.
Cả
hai đã tìm và chuẩn bị mua căn nhà mơ ước, chuẩn bị định cư lâu dài ở
phía bắc California sau nhiều lần chuyển nhà. Bỗng nhiên Linh Đăng nảy
ra ý nghĩ: "Giờ không bắt buộc phải ở Mỹ để nghiên cứu và học, sao tụi
mình không tìm thử cơ hội khác ở châu Á để có nhiều thời gian về VN học
đàn".
Thế là Hoàng Oanh tìm vị trí việc làm ở văn phòng
Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng tại Singapore với chức
danh giám đốc dự án (program manager) Google Maps ở Đông Nam Á, còn Linh
Đăng may mắn tìm được công việc cho một công ty nghiên cứu chữa ung thư
ở Singapore.
Vậy là mỗi tháng Hoàng Oanh và Linh Đăng
đều cố gắng sắp xếp công việc, dành một cuối tuần trọn vẹn ở TP.HCM học
đàn cùng thầy.
Sáng thứ bảy, hai vợ chồng đón chuyến
bay đầu tiên từ Singapore, sau khi hạ cánh ở TP.HCM thì tìm một chỗ nào
đó ăn sáng, rồi chạy ngay đến nhà thầy, có khi thầy dạy luôn qua cả buổi
trưa đến tối. Cứ như thế hết ngày thứ bảy rồi sang chủ nhật.
Đến
tối chủ nhật, sau khi ăn tối ở TP.HCM, cả hai bay trở lại Singapore
trên chuyến bay lúc 21h30. "Nhiều lúc ngồi trên taxi ở TP.HCM, chúng tôi
tự nói với nhau rằng không thể nào tưởng tượng nổi là cả hai lại dành
nhiều thời gian ở TP.HCM như vậy chỉ vì âm nhạc tài tử" - Đăng nói.
Cuối
tháng 11, Singapore mưa khá nhiều. Cơn mưa chiều vừa dứt đã tưới ướt
đẫm các chậu rau thơm, húng quế, húng cây, rau răm, thì là, kinh giới,
đinh lăng, ớt… để kín hết cả diện tích hai bancông. Rất nhiều trong số
đó là rau do vợ chồng mang từ VN sang.
Bên trong nhà,
dưới ánh đèn vàng, cả hai lim dim, gật gù theo điệu Nam ai do thầy Vĩnh
Bảo chơi đang phát ra từ chiếc máy hát đĩa kim ở góc phòng khách. Sáng
mai, cô lại bay đi Mỹ trong một lịch trình công tác dài ngày và cũng
không quên mang theo cây đàn tranh của mình như những lần công tác
trước.
Nhận xét
Đăng nhận xét