Nhọc nhằn... nghề đờn ca

Nhọc nhằn... nghề đờn ca

21/09/2017 9:27:52 CH

Nếu như miền Bắc với các loại hình âm nhạc bao gồm ca trù, chèo, tuồng, quan họ Bắc Ninh, miền Trung với hò ví dặm, nhã nhạc cung đình Huế thì Đờn ca tài tử (ĐCTT) được xem là báu vật của đất phương Nam.

Để giữ gìn di sản “vàng” này, không ai hết, chính những nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú đã không quản gian khổ ngày đêm luyện tập để có được những làn điệu, những tiết mục đặc sắc. Thế nhưng điều đáng buồn hiện nay là số người sống được bằng nghề hầu như ít ỏi, đời sống của những người hoạt động trong lĩnh vực ĐCTT nói chung đều rất khó khăn.

Đờn ca tài tử được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, nòng cốt làm nên hồn túy của loại hình này là các nghệ nhân - khi được hỏi đến thì đa số họ đều lắc đầu bởi họ không sống được bằng nghề.

Trong khi đó, Nhà nước chưa có một cơ chế nào đài thọ họ cả. Đến nay, Nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc động viên, tôn vinh và cấp cho họ một chứng chỉ công nhận nghệ nhân. Đam mê thì quý nhưng đam mê không nuôi sống được bản thân.

Thay vì để thời gian nghiên cứu bản tổ, tập luyện, tìm tòi hoặc viết lời cho những bài ca mới, họ phải đi “cày” trên những ghe thuyền, du thuyền trong các tour du lịch đan xen với thăm thú miệt vườn cũng như những hoạt động khác.

Đoàn nghệ thuật ĐCTT tỉnh BR-VT biểu diễn.

NSƯT Trúc Linh hoạt động trong Đoàn Nghệ thuật ĐCTT TP Cần Thơ cho biết, tại thành phố nơi nghệ sĩ sinh sống có rất nhiều CLB ĐCTT, hằng đêm tại các quận huyện đều có tổ chức những chương trình, còn ngay tại trung tâm thành phố thì tại các quán du thuyền cũng thể hiện những bản ĐCTT.

Nói chung phong trào ĐCTT rất sôi nổi, mạnh mẽ. Thế nhưng, đời sống của những nghệ sĩ lại rất làng nhàng. Sự đầu tư, chỉ đạo, quan tâm của chính quyền làm sao để những nghệ nhân đó đủ sống, có thể trau dồi nghề nghiệp của họ thì chưa thấy. Chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến sự chuyên nghiệp hóa bị giảm đi. Ở nhiều nơi hát thì hát, có khi hát đờn theo, không đúng bài bản. 

“Tôi chỉ mơ ước ĐCTT được bảo tồn đúng hướng, chuyên nghiệp hơn. Chứ để nghệ nhân phải lo lắng quá nhiều vấn đề cơm áo gạo tiền thì mất hết niềm đam mê”, nghệ sĩ cho biết thêm.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, ở Bình Dương, phong trào ĐCTT hoạt động tốt, toàn tỉnh có hơn 10 đội. Bất cứ loại hình nghệ thuật nào, nhất là nghệ thuật truyền thống, cũng đều có cái hay, đậm, sâu lắng, nhưng cũng có những điểm hạn chế của nó. 

Bây giờ không có cách nào khác là chúng ta phải làm sao phát huy cái hay, sâu lắng, cảm xúc dạt dào, cái đôn hậu, chất phát, giản dị, rất là dân gian của ĐCTT tới mọi người, từ đó người nghe mới cảm thụ được và yêu mến.

Tất cả các loại hình đều cần những nghệ sĩ hết lòng với nghề và công chúng. Nhưng một thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương đó chính là không có nghệ nhân tài tử đi hoạt động để mà sống cả mà người ta sống và dành tâm huyết để hoạt động. Đa phần là nghệ nhân sống nhờ vào sự bảo trợ của những cá nhân yêu loại hình nghệ thuật này.

Còn về phía Nhà nước chúng ta chỉ có những chính sách động viên, tôn vinh các nghệ nhân ưu tú, những nghệ nhân được địa phương tôn xưng, Chủ tịch nước chứng nhận nghệ nhân về ĐCTT.

Ông Phạm Diêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết, tuy BR-VT không phải là cái nôi của ĐCTT nhưng trong dòng chảy văn hóa đó, BR-VT hình thành nên ĐCTT và ngày càng phát triển. 

Và ĐCTT cũng giống như miền Tây Nam bộ nhưng có một đặc điểm riêng biệt, với các nơi đó chính là ĐCTT mang đậm chất biển, cụ thể như không gian ĐCTT diễn ra bên bờ biển, khi ngư dân xong công việc đi biển, nên ngồi đờn rồi hát. 

Cho tới thời điểm này, BR-VT có 58 CLB ĐCTT (1 CLB lớn ở trung tâm văn hóa tỉnh, 8 CLB ở 8 trung tâm văn hóa huyện, ngoài ra còn có 45 CLB ở xã, thôn ấp). Đời sống kinh tế của nghệ nhân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Yêu nghề nên các nghệ nhân tranh thủ đến để sinh hoạt với nhau. Sau những giờ gặp gỡ, giao lưu thì họ lại tất tả trở về cuộc sống lam lũ để mưu sinh. Ngọn lửa đam mê nghệ thuật ĐCTT theo thời gian bị dồn nén, rơi rụng dần vì sự khốn khó của cuộc sống thường nhật. Vẫn biết nghệ thuật đờn ca có tính dân gian, quần chúng, không phân biệt hèn sang, tôn giáo, đẳng cấp… nhưng chính cái khó, cái nghèo đang thui chột dần ngọn lửa đam mê của các nghệ nhân.

“Để đời sống nghệ nhân được ổn định hơn, chúng tôi phải cùng với các ban ngành đưa hoạt động đờn ca gắn với du lịch để vừa làm cho du lịch địa phương phát triển, nghệ thuật đờn ca tài tử được nhiều người biết đến và cũng là cách để những nghệ nhân có thể sống được với nghề”, ông Diêm chia sẻ.

Để nghệ thuật ĐCTT tiếp tục thẩm thấu, lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, ngoài việc nâng chất các CLB ĐCTT, mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng về ĐCTT, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn… thì việc quan tâm đến đời sống của nghệ nhân là vô cùng quan trọng.

Hải Âu / cand.com.vn

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương