Sân khấu Cầu Thơ - bảo tồn và phát triển

Sân khấu Cầu Thơ - bảo tồn và phát triển

Thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thương, giao lưu văn hóa, là nơi hội tụ nhân tài. Vì thế, việc bảo tồn, phát triển và đẩy mạnh các loại hình sân khấu dân tộc như cải lương, kịch nói, bài bản tài tử, vọng cổ… vừa mang đậm tính chất truyền thống, vừa góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành thành phố động lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của toàn vùng và cả nước.
Hiện nay, Hội Sân khấu Cần Thơ có trên một trăm hội viên, trong đó có 30 hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, 02 Nghệ sĩ nhân dân, nhiều nghệ sĩ ưu tú và 04 nghệ nhân ưu tú. Nhiều hội viên là đạo diễn, diễn viên của Đoàn cải lương Tây Đô; Đoàn Văn công Quân khu 9; Đoàn ca múa kịch Lưu Hữu Phước; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ…
Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp lãnh đạo và các cơ quan chức năng cùng những người có tâm huyết vẫn từng bước bảo tồn, phát huy và đưa các loại hình sân khấu đến với các tầng lớp nhân dân. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Dũ - Chủ tịch Hội Sân khấu Cần Thơ cho biết: “Theo dòng chảy của lịch sử, ngành Sân khấu Cần Thơ đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ, soạn giả, tác giả dày công vun đắp nên dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng các cấp lãnh đạo và Hội Sân khấu Cần Thơ đã hết lòng dốc sức nuôi dưỡng và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.

 
Trích đoạn cải lương “Đêm trước giờ hoàng đạo"
Nét nổi bật của Sân khấu Cần Thơ những năm qua là phong trào đàn ca tài tử đã và đang phát triển rộng khắp, đội ngũ danh cầm tài năng, điêu luyện có nhạc công Hai Lợi, Minh Phú, Năm Cò, Minh Huấn, Ba Miêu, Hoàng Lưỡng, Hoàng Bê… danh ca giọng oán có nghệ nhân ưu tú Kiều Nga, nghệ nhân ưu tú Ái Hằng, giọng ca bắc lễ có nghệ nhân ưu tú Trường Út, ca ra bộ có nghệ sĩ Đào Xinh, ca vọng cổ nhịp 8, nhịp 16 có nghệ sĩ Thanh Tùng… Với lực lượng tài năng, hùng hậu và cống hiến nhiệt tình nên đã đem về nhiều huy chương vàng, huy chương bạc cùng nhiều bằng khen, giấy khen trong các lần Hội thi, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp cấp thành phố, khu vực và toàn quân, toàn quốc.
Nghệ nhân ưu tú Trường Út và Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng biểu diễn phục vụ bà con nông thôn
Ông Nguyễn Thành Kiên - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ khẳng định: “Có thể nói, cùng với hoạt động nghệ thuật sân khấu của đồng bằng sông Cửu Long, Hội Sân khấu Cần Thơ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong vòng tay chăm lo của lãnh đạo các cấp, đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng nhân dân và quan trọng hơn hết là bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc”.
Với truyền thống yêu nghề và lòng tri ân tổ nghiệp, ngành Sân khấu Cần Thơ đang tiếp tục duy trì và tổ chức các hoạt động sân khấu truyền thống, có nhiều sáng tác hay, phản ánh những điển hình tốt để góp phần và hưởng ứng việc nâng cao chất lượng hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch” theo 10 tiêu chuẩn được xác định trong kế hoạch của Ủy Ban nhân dân thành phố. Thường xuyên tổ chức cuộc thi truyền thống hàng năm, đặc biệt là cuộc thi sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh, tiếp thu và phát huy những giá trị nghệ thuật sân khấu có yếu tố mới, tinh hoa mới có chọn lọc để vận dụng vào sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng; kịp thời đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần văn hóa ngày càng tăng của nhân dân. Ưu tiên đối với địa bàn và nhân dân vùng sâu, vùng xa, các đơn vị sẵn sàng chiến đấu và biên giới, biển đảo.
Phục vụ đàn ca tài tử trên chợ nổi Cái Răng
Nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, nghệ nhân ưu tú Minh Thơ và tác giả Thanh Trang - Phó Chủ tịch thường trực Hội Sân khấu Cần Thơ tâm huyết: “Để ngành Sân khấu ngày càng khởi sắc, hướng tới sẽ chú ý phát hiện và thu hút vào hội những tác giả trẻ để tiếp tục chăm bồi, đào tạo và truyền nghề để vừa rèn luyện kỹ năng, vừa góp phần tạo lực lượng kế thừa. Song song đó đưa vào kế hoạch xây dựng trích đoạn cải lương, bài bản tài tử, vọng cổ với nội dung, đề tài hiện đại, ca ngợi quê hương đất nước và người Cần Thơ để tăng cường phục vụ các sự kiện chính trị, lễ hội, hội nghị của thành phố, đưa hoạt động biểu diễn đến với các đối tượng như Lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên, giới trẻ… Tăng cường các buổi biểu diễn ở trung tâm thành phố, nơi tập trung đông dân để nâng tính quảng bá, bảo tồn loại hình nghệ thuật sân khấu Cần Thơ.”
Phát huy truyền thống tốt đẹp của nền Sân khấu Việt Nam, ngành Sân khấu Cần Thơ đặt ra cho mình trọng trách bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật sân khấu. Từ đó phấn đấu sáng tạo ra nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa và đạt chất lượng, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển con người Cần Thơ “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch” kế thừa tinh hoa văn hóa của dân tộc từ ngàn đời để xây dựng nhân cách con người Cần Thơ với các giá trị văn minh mới, yêu nước, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống cao đẹp, có trí thức, dũng khí, sống có trách nhiệm với đất nước, vì cộng đồng xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng như phát huy và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam./.
Ngọc Hương

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương