Hội thảo bảo tồn ngành cổ nhạc và cải lương hải ngoại

Hội thảo bảo tồn ngành cổ nhạc và cải lương hải ngoại

Lâm Hoài Thạch/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Trưa Thứ Tư vừa qua, rất nhiều nghệ sĩ cổ nhạc có tiếng tăm và báo chí đã có mặt trong buổi hội thảo tại nhà hàng Majesty, Santa Ana, do hai nghệ sĩ Tuấn Châu và Tuyết Nga, hai con chim đầu đàn của Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam, tổ chức. Mục đích của hội thảo là tìm cách duy trì bộ môn nghệ thuật quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam đó là cổ nhạc và sân khấu cải lương.
Các nghệ sĩ và thân hữu trong buổi hội thảo. (Hình: Lâm Hoài Thạch/
Người Việt)

Và chương trình này cũng nhằm để giúp đỡ cho những nghệ sĩ neo đơn đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó ở Việt Nam.
Theo ban tổ chức cho biết, muốn gầy dựng một đoàn cải lương tại hải ngoại mà có đủ thành phần nghệ sĩ hùng hậu là điều rất nan giải. Nhưng hai nghệ sĩ Tuấn Châu và Tuyết Nga dám đứng ra để tổ chức, đó cũng là vì để bảo tồn nền cổ nhạc và sân khấu cải lương không bị mai một theo thời gian.
“Để làm việc trong thời kỳ khó khăn này, phải có tinh thần yêu nghề, và muốn gìn giữ bộ môn nghệ thuật sân khấu của dân tộc mà các vị tổ nghiệp, các nghệ sĩ lão thành, những nhà soạn giả đã dày công khai phá, luyện tập và gìn giữ. Cũng vì vậy, rất nhiều nghệ sĩ có tiếng tăm, tuổi nghề vững chắc đã trải lòng hợp tác với ban tổ chức của Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam,” nghệ sĩ Tuấn Châu chia sẻ.
Nghệ sĩ này nói thêm, “Chúng tôi muốn tổ chức một sân khấu thật chuyên nghiệp thì khán giả cũng như các mạnh thường quân mới hết lòng yểm trợ cho nền cổ nhạc Việt Nam không bị mai một trên xứ người. Hy vọng chúng tôi có được sự ủng hộ của quý khán giả để cải lương có thể trình diễn trên sân khấu tại Little Saigon mỗi tháng một lần, đó là sự mong ước của nhiều anh chị em nghệ sĩ tại hải ngoại đã từng nhắc nhở.”
“Hy vọng quý khán giả sẽ đến ủng hộ xem những chương trình cải lương thật chuyên nghiệp với màu sắc và ánh đèn sân khấu quy mô; những tựa tuồng có giá trị mà quý khán giả đã từng yêu thích vào những năm xưa tại quê nhà. Nếu được sự ủng hộ của quý khán giả một cách tốt đẹp, sau khi chi phí, số tiền còn lại hội sẽ giúp đỡ cho những nghệ sĩ nghèo neo đơn ở Việt Nam,” nghệ sĩ Tuấn Châu chia sẻ thêm.
Nghệ sĩ lão thành Văn Chung, có 73 năm trong nghề, đi hát từ 15 tuổi cho đến bây giờ. Cuộc đời của người nghệ sĩ tuổi nghề này tất cả đều cho sân khấu, cho nghệ thuật cải lương và cho khán giả.
Ông tâm sự, “Cũng vì muốn nền cổ nhạc của mình không bị mai một, nên tôi mới tham gia vào việc tổ chức này. Rất vui mừng, mừng đến nỗi tôi ngủ không được, mong đến ngày đó để gặp được những anh chị em nghệ sĩ có tiếng tăm và gặp được những khán giả thân thương tại hải ngoại.”
Nghệ sĩ Phượng Liên (trái) và nghệ sĩ Tuấn Châu tại buổi hội thảo.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tại Little Saigon, những nghệ sĩ lão thành và trẻ tuổi vẫn còn yêu thích nghiệp cầm ca, các soạn giả vẫn còn trải tim óc để kết tựu những bài cổ nhạc và tuồng tích mới mẻ, những ngón đàn 3 Nam 6 Bắc, 7 bài… của các nhạc sĩ tài hoa vẫn còn điêu luyện, và trên sân khấu cải lương vẫn còn dàn cảnh lộng lẫy, thì tại sao, cái quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam sẽ bị xóa mờ theo thời gian trên xứ người?
Đó là câu hỏi từ trong nỗi lòng quặn thắt mà rất nhiều nghệ sĩ cổ nhạc đã phơi bày trong phiên họp này.
“Sau hơn 70 năm qua, những nghệ sĩ ‘hề’ trên sân khấu cùng lứa với tôi thì chỉ còn có mình Văn Chung tôi thôi, và khán giả trong những thập niên 1940 đến 1970 thì cũng đã vĩnh viễn ra đi rất nhiều! Thành thử ra, bây giờ muốn tạo cho khán giả mới ở đây hiểu biết về nghệ thuật cải lương thì tất cả những nghệ sĩ phải tụ hợp lại như thế này. Và tôi hy vọng rằng, khi đi xem cải lương, xin quý khán giả người lớn có thể dẫn dắt thêm đám trẻ em đến xem để cho các em hiểu về nghệ thuật cải lương, thế nào là nhạc cổ truyền dân tộc để cho các em luôn thấm nhuần bộ môn nghệ thuật này, thì hy vọng cải lương tránh khỏi sự mai một trong tương lai,” nghệ sĩ Văn Chung chia sẻ thêm.
Nghệ sĩ Phương Liên, trên 50 năm tuổi nghề sân khấu, rất mừng khi nghe tin này. Theo bà, tại vì nghệ sĩ mà không có sân khấu thì thật ra buồn lắm! Khi có được một sân khấu cải lương ở hải ngoại để tiếp tục phục vụ cho khán giả thì đó là niềm hạnh phúc chung của giới cải lương.
“Tôi hy vọng là nhờ sân khấu này, các nghệ sĩ trẻ ở hải ngoại mới có cơ hội để phát triển cũng như sự bảo tồn bộ môn nghệ thuật của nước nhà. Tôi cũng xin quý cơ quan truyền thông hãy tích cực ủng hộ cho giới nghệ sĩ cải lương bằng phương tiện quảng bá đến với quý khán giả. Thật sự mà nói nếu không có sự loan tải của truyền thông thì sân khấu cải lương khó mà được đứng vững tại hải ngoại này,” nữ nghệ sĩ Phượng Liên chia sẻ.
Nhạc sĩ Kỳ Phát, chủ nhiệm tạp chí Trẻ, nói, “Tôi thì chuyên làm báo và nhạc trẻ, nhưng rất mê cải lương từ nhỏ, cho nên khi nghe các anh em nghệ sĩ cải lương muốn thành lập một chương trình cải lương với mục đích để bảo tồn nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt, với tư cách là một người làm báo trong lãnh vực nghệ thuật thì tôi sẽ ủng hộ hết mình.”
Trong buổi hội thảo còn nhiều ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ Bảo Quốc, Ngọc Huyền, Vũ Luân, Tuyết Nga, Philip Nam, Trần Quốc Bảo, và ca sĩ Mai Lệ Huyền. Và họ đã đồng thuận là sẽ giúp cho việc bảo tồn nghệ thuật cải lương trên xứ người được thành công tốt đẹp.
Được biết, Đoàn Cải Lương Phương Nam với sự bảo trợ của Hội Bảo Tồn Cổ Nhạc Phương Nam sẽ ra mắt buổi trình diễn đầu tiên vào lúc 7 giờ chiều Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Một, tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley, với vở tuồng “Ngọc Ấn Hồ Phủ,” với thành phần nghệ sĩ hùng hậu như: Phượng Liên, Văn Chung, Ngọc Đáng, Bảo Quốc, Vũ Luân, Ngọc Huyền, Cẩm Thu, Thanh Thanh Tâm, Tuấn Châu, Hương Huyền, Bình Trang, Tuyết Nga, Lê Tín, Hồng Loan, Bảo Lộc, Philip Nam, Phạm Anh Tuấn.

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương