Một tự tình từ đời thực đến hư cấu

Một tự tình từ đời thực đến hư cấu

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay 27/9, tại Cà phê thứ Bảy (TP.HCM) có buổi giao lưu với nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên về cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Phương Nam Book & NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2013), do Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp biên soạn. Cuốn sách bổ túc một cứ liệu xác tín để hi vọng tháng 12/2013 UNESCO sẽ xét duyệt hồ sơ công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Còn tại sao chọn ngày 27/9 để ra mắt và phát hành? Vì để kỷ niệm ngày sinh nữ nghệ sĩ ba-lê Cléo de Mérode (27/9/1875-17/10/1966). Tại Hội chợ thế giới Paris năm 1900, khi đờn ca tài tử Việt Nam được mời trình diễn, tài tử - nhạc sĩ Nguyễn Tống Triều đã đệm đàn cho Cléo de Mérode múa. Đây cũng là năm mà nhà nhạc học Julien Tiersot ký âm Vũ khúc Đông Dương trên 5 dòng kẻ nhạc - bản ký âm đầu tiên của đờn ca tài tử ở phương Tây, mở ra cánh cửa quốc tế.


Bìa cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử, cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Một tự tình dân tộc
Cuốn sách cho thấy, qua các nghiên cứu, đờn ca tài tử Nam bộ là sản phẩm bản địa của vùng đất này. Cảm hứng rõ ràng nhất của đờn ca tài tử Nam bộ bắt nguồn từ nhạc tài tử và nhạc cung đình Huế, nhưng có pha trộn nhạc dân gian, nhạc lễ, hát bộ (bội, tuồng) của Quảng Nam, Quảng Ngãi... Khi đến Nam bộ nửa cuối thế kỷ 19, nó một lần nữa pha trộn với nhạc dân gian và nhạc bản địa nơi đây để hình thành nên một kiểu chơi nhạc “hoàn toàn chơi vui”, giải trí, chứ không còn phục vụ cho lễ lạc hay các sự kiện trọng đại, trang nghiêm. Mãi về sau này, các ban nhạc lễ mới biến việc chơi vui này trở lại cách thức phục vụ cho đám ma, cúng đình chùa miếu mạo, lễ hội….
Tài tử theo quan niệm của cung đình Huế không phải là nghiệp dư, mà là để chỉ những người có tài năng nghệ thuật đặc biệt; dù trong nhiều hoàn cảnh, đờn ca tài tử đã được chơi rất nghiệp dư. Đờn ca tài tử nổi bật bởi khả năng xâm nhập rộng vào đời sống, đến mức độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu hay hòa tấu, thính phòng đều chơi được. Nó không chỉ là chất kết dính tâm tình người dân Nam bộ trong hơn một thế kỷ qua, mà còn là nền tảng kỹ thuật để khai sinh ra nghệ thuật và sân khấu cải lương.
Một trong những phát hiện quan trọng của những người biên soạn là đã xác định được chi tiết về ban nhạc tài tử đầu tiên ở Việt Nam đã từng có giao lưu quốc tế ngay từ những ngày đầu thế kỷ 20. Đó là ban nhạc tài tử do ông Nguyễn Tống Triều thành lập ở Mỹ Tho, từng qua Pháp dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa Marseille vào năm 1906. Các nhà nghiên cứu còn tìm lại được chân dung của các nghệ sĩ trong ban này.
Cuốn sách có nhiều phát hiện về sử liệu về hát bội, đờn ca tài tử, đặc biệt việc hình thành cải lương…, chứng tỏ công phu của các tác giả đã bỏ ra. Riêng đờn ca tài tử, nó đề cập đến nhiều cột mốc và chi tiết quan trọng, đặc biệt là việc tiếp nhận từ bên ngoài lãnh thổ (cụ thể là Pháp); hình như trước cả Bắc kỳ, Trung kỳ thời bấy giờ. “Trong lúc tìm hiểu ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều sang Pháp trình diễn vào năm nào, chúng tôi cũng tìm ra được người trách nhiệm ban nhạc - ông trưởng đoàn người Pháp, tên Monsieur Viang. Ông này không những đã dẫn ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều đến Hội chợ thuộc địa Marseille năm 1906, mà trước đó cũng đã dẫn ban nhạc tài tử đến Hội chợ triển lãm thế giới ở Paris năm 1900 (Exposition Universelle de Paris). Đây là năm khởi đầu thời đại nghệ thuật Belle Époque ở Âu châu” (sách đã dẫn). Như vậy, nhìn thì có vẻ dung dị, nhưng ngày từ sớm, đờn ca tài tử Nam bộ đã gắn kết với nhiều cá nhân và sự kiện văn hóa, nghệ thuật của quốc tế.
Một tình sử trên phim
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp không dừng ở việc viết sách, mà còn khôi phục lại tinh thần của Nhà hát Đông Dương, nơi ban nhạc của Nguyễn Tống Triều đã làm đại diện để sang Pháp biểu diễn hồi đầu thế kỷ 20.
Dự án Nhà hát Đông Dương (http://indochinatheatre.com/) được nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên (ĐH quốc gia Australia), nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (Australia), GS Yves Defrance (ĐH Rennes, Pháp), đạo diễn Huy Moeller (Trường Điện ảnh quốc tế Sài Gòn) và nhà thơ Ngô Thị Hạnh (Phương Nam Corp.) khởi động vào tháng 8/2013. Một kịch bản điện ảnh về đờn ca tài tử đang được xây dựng, mang tên Vũ khúc Đông Dương, trải dài từ đầu thế kỷ 21 ngược về đầu thế kỷ 20, mà bối cảnh sẽ là Mỹ Tho, Sài Gòn, Marseille, Paris…
Đỉnh điểm của phim là chuyện tình thoáng qua, nhưng sâu đậm, giữa tài tử Nguyễn Tống Triều và nữ hoàng sắc đẹp Cléo de Mérode. Qua tìm hiểu gia phả, cô gái 25 tuổi ở đầu thế kỷ 21 (bằng tuổi với Cléo de Mérode khi bị tiếng sét ái tình với nhạc sĩ người An Nam vào năm 1900) biết rằng mình là cháu cố của họ, nên không có gì ngạc nhiên, cô cũng có gen đàn kìm và múa. Hình tượng cô gái có tính ẩn dụ về sự đơm hoa kết trái của đờn ca tài tử Nam bộ qua thời gian. Và mối tình éo le kia là biểu tượng cho những thăng trầm của một phong cách âm nhạc đặc trưng từ cung đình Huế đến dân gian Nam bộ.
“Câu chuyện đó dù thực tế thế nào thì chúng tôi vẫn muốn thêm chất hư cấu và thi vị hóa cho thật gần gũi với tâm tình của người xem hôm nay. Bởi dù muốn dù không thì đờn ca tài tử đã là một di sản của đời sống, không cần phải tô đậm hay đánh bóng nữa. Nếu cuốn phim được thực hiện, điều mà tôi muốn đạt đến nhất là gián tiếp vẽ được tình sử đẹp như mơ, rất đáng nhớ của hai nghệ sĩ tài năng đầu thế kỷ 20”, Ngô Thị Hạnh cho biết.
Hậu duệ 100 năm của Cléo de Mérode
Cũng tại buổi giao lưu ở Cà phê thứ Bảy ngày 27/9, sáu tài tử gồm Út Tỵ, NSƯT Hải Phượng, Huỳnh Tuấn, Trường Giang, Văn Môn và Duy Kim sẽ tái hiện lại Vũ khúc Đông Dương, Trác Thúy Miêu múa trên nền nhạc. Đây là cách để phục hiện lại vũ điệu lịch sử đã diễn ra tại Hội chợ thế giới Paris năm 1900. Lưu ý, ở đây có một sự trùng hợp thú vị, Trác Thúy Miêu (ảnh phải) sinh gần như cùng ngày cùng tháng với minh tinh Cléo de Mérode (ảnh trái), nhưng sau đúng 100 năm 1 đêm (28/9/1975).

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương