Đờn ca tài tử: “Sống” từ dân gian

Đờn ca tài tử: “Sống” từ dân gian

NDĐT – Khác với những loại hình nghệ thuật của Việt Nam từng được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đờn ca tài tử Nam Bộ hiện nay không rơi vào tình trạng bị mai một, thất truyền, mà phát triển mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.

Image


Đờn ca tài tử Nam Bộ từ lâu đã đi vào đời sống của người dân quê một cách hồn nhiên mà sâu lắng. Không cần có sân khấu lớn sân khấu nhỏ, cũng không cần bài bản được hòa tấu, dàn dựng công phu. Chỉ cần vài người quây quần bên chung rượu, ly trà, không phân biệt già trẻ gái trai, cùng cây đàn ghi ta phím lõm, hay cây đàn nguyệt là có thể tạo thành một “tụ” đờn ca tài tử "ra hồn". Ở không gian văn hóa mang đậm tính dân gian này, người hát, người đờn, người nghe hòa cùng một thể đã tạo nên một loại hình nghệ thuật mà giá trị của nó vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo chân đoàn người Nam tiến khai hoang lập ấp trên vùng đồng trũng Cửu Long, những lưu dân năm xưa đã mang theo loại hình Nhã nhạc cung đình Huế. Vào tới đây, loại hình nghệ thuật hàn lâm này không thể phát huy khi mà phần lớn người dân Nam Bộ thời bấy giờ đều là “giang hồ tứ chiếng”, sống chủ yếu bằng nghề nông hoặc thương hồ, không có không gian cho nghệ thuật hàn lâm thời thượng. Thế là “một cuộc hôn phối ngẫu nhiên giữa Nhã nhạc cung đình Huế và văn hóa dân gian Nam Bộ đã cho ra đời một loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng châu thổ: đờn ca tài tử” - Cố nhà văn Sơn Nam.

Theo giới nghiên cứu thì đờn ca tài tử xuất hiện từ rất sớm, nhưng đến khi Cao Văn Lầu (1890), viết bài “Dạ cổ hoài lang” tại Bạc Liêu thì nhiều học giả cho rằng từ lúc này, đờn ca tài tử Nam Bộ đã có bài bản. Và cũng chính vì điều này mà nhiều nhà nghiên cứu lý giải đờn ca tài tử có nguồn gốc từ Bạc Liêu.

Dựa trên nền của sáu câu vọng cổ, những bản Nam, Oán và các chỗ lên Xang xuống Xề, người ta có thể viết ra rất nhiều bài hát về một câu truyện nào đó có thật hoặc hư cấu theo nhân tình thế thái. Thế nên, người viết bản cho đờn ca tài tử không gọi là tác giả mà gọi là soạn giả. Những bản đờn ca tài tử thể hiện tâm trạng buồn, bi thương, ai oán; mà cũng có thể là niềm hân hoan, sự thành công hay điều hoan hỉ nào đó. Có bậc tài tử còn ngẫu hứng ứng tác ngay trong buổi hát hội này.

Image
Một buổi giao lưu đờn ca tài tử tại Cần Đước.


Đây là loại hình văn hóa mang đậm tính cộng đồng. Theo nghệ nhân đờn ca tài tử Đặng Văn Hoanh (Vĩnh Long) thì tính cộng đồng được thể hiện rõ trong không gian biểu diễn. Người Nam Bộ sau những buổi lao động vất vả, đêm, họ tập hợp lại rồi cùng nhau đờn và hát cho nhau nghe để cùng xua tan cái vất vả của cuộc mưu sinh. Họ, bản thân những người đờn ca theo cái lối tài tử ấy đều là nghệ sĩ mà cũng là khán giả.

Lang thang trên vùng sông nước Nam Bộ, bạn không khó bắt gặp những ghe thương hồ với cuộc sống rày đây mai đó. Trong hành trang của họ thường có thêm cây đàn ghi ta, hoặc đàn nguyệt. Và khi những ghe thương hồ tựa nhau nghỉ ngơi, các anh, các chị ngồi cùng nhau và lúc đó, cái chất tài tử trỗi lên và bao nhọc nhằn của cuộc mưu sinh hầu như tan biến. Ấy là điều mà từ lâu đã làm nên hồn cốt của loại hình nghệ thuật chân phương này.

Theo thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử đã phát triển rộng và gần như phổ quát hết các tỉnh thành Nam Bộ. Và ngay thời điểm mà loại hình nghệ thuật này được thế giới vinh danh thì cái nôi của nó, đồng bằng sông Cửu Long đã có hàng nghìn câu lạc bộ đờn ca tài tử. Riêng TP Hồ Chí Minh cũng có đến hơn 100 câu lạc bộ. Những điểm phục vụ du lịch cũng khai thác loại hình này để thu hút du khách bốn phương. Không ít du khách nước ngoài, dù không hiểu được ngôn ngữ, cung bậc, sự nhấn nhá, luyến láy cũng rất tâm đắc và đã có người “khăn gói” trở lại sau chuyến du lịch chỉ để theo học đờn ca tài tử. Thế đủ thấy loại hình nghệ thuật vốn chân phương này có sức sống mãnh liệt đến dường nào.

Nhà văn Sơn Nam viết, “ở các loại hình văn nghệ khác thì đòi hỏi phải biểu diễn theo bài bản với đầy đủ nhạc cụ tấu xướng, còn ở đờn ca tài tử thì chỉ cần ít nhất hai người và cây đàn ghi ta phím lõm là đủ”. Tất nhiên, bây giờ, để được mượt mà hơn trong phục vụ thì buổi biểu diễn đờn ca tài tử thường có đủ đàn ghi ta phím lõm, đàn nguyệt, đàn cò, song lang, đàn tranh…có khi còn thêm sáo trúc.

Tuy nhiên, nếu ai đã từng một lần được thưởng thức “Tình anh bán chiếu” của danh ca Út Trà Ôn thì không thể không ngất ngây trước giọng hát ngọt ngào pha chút ưu tư cùng những thanh âm mộc của cây ghi ta phím lõm như ru hồn lãng đãng trên màng sương của dòng sông Ngã Bảy. Đơn giản vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, “Tình anh bán chiếu” đã làm say lòng bao thế hệ. Và cũng thế, loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử với sức sống phi thường thoát thai từ dân gian, sẽ mãi là “hạt ngọc” trên cánh đồng nghệ thuật phong phú của người Việt.


PHAN SƠN. Ảnh: LƯU NGUYỄN

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương