Danh Cầm Văn Hải - Đệ tử chân truyền của Vua đờn Guitar phím lõm

Danh Cầm Văn Hải - Đệ tử chân truyền của Vua đờn Guitar phím lõm

25/09/2013 4:45:29 CH

Hồi nhỏ, Văn Hải tên thiệt là Nguyễn Văn Cu, khi đủ tuổi đi làm chứng minh nhân dân, cô gái cảnh sát phụ trách hộ tịch nói: “Tên ngoài đời gọi sao cũng được tên trong giấy tờ để vầy thì hơi khó coi, thôi để tôi sửa tên cho anh nhé !”, vậy là cô ta thêm dấu ư để có cái tên dễ đọc là Nguyễn Văn Cư.

Sinh năm 1954, tại làng Đông Hưng Thuận, Hốc Môn nay là Tân Chánh Hiệp, quận 12, gia đình là nông dân thứ thiệt nên người nào cũng khỏe mạnh chỉ có bé Cu bị bệnh ban lớn không nổi, nhỏ con ốm yếu, không giúp việc gì được cho gia đình. Ở nhà có ông anh ruột thứ ba biết đờn, đợi lúc ông anh đi vắng, bé Cu xuống phá đờn, nhưng có biệt tài lên dây đờn rất chuẩn, rất đúng, dù lúc đó chưa biết đờn, chỉ thấy người ta đến nhà đờn ca để ý mà biết cách lên dây. Ba thấy cậu con trai của mình ốm yếu, bệnh hoạn nên không cho theo nghề nông, ông nói: “Thằng Cu nó bệnh hoạn, sức khỏe không tốt, chắc cho nó đi học đờn chớ làm nông làm sao nó làm nổi”. Ở gần nhà có nhạc sĩ Ngọc Sáu, danh cầm đờn cò, đờn gáo nổi tiếng trên Đài phát thanh, trên các hãng dĩa, nên ba dẫn xuống cho học đờn, lúc Văn Hải mới vừa tròn 9 tuổi. Vừa tròn một năm, đã biết đờn 3 nam, 6 bắc, học thầy mà trong lòng không khoái chữ đờn của thầy bởi Ngọc Sáu là danh cầm đờn cò, gáo, nhưng đờn guitar phím lõm chỉ ở bậc trung bình. Một bữa nọ, ngồi nghe radio cùng với ba, trên đài phát thanh giới thiệu danh cầm Văn Vĩ độc tấu, nghe xong, bé Cu chỉ vào cái radio nói với ba: “Ba cho con đi học với ông này nè, ông này mới đờn hay, thầy con đờn không bằng ông này”. Thương con, thấy thằng nhỏ có năng khiếu nên ba cũng chiều, hỏi thăm lần dò được địa chỉ của ông Văn Vĩ, rồi dẫn con xuống cho học, đó là những ngày đầu năm 1964, bé Cu vừa tròn 10 tuổi.

Học thầy Văn Vĩ đến năm 1972 thì được thầy cho ra trường, vậy là bé Cu đã có 8 năm tầm sư học nghệ. Khi học được một hai năm đầu, thầy Văn Vĩ đã cho phép cậu học trò nhỏ ôm đờn dạy lại cho một số anh chị lớn học ca. Văn Hải là bạn đồng lứa với Minh Kỳ, Minh Trung, Đức Minh... So với những học trò từng học đờn với thầy Văn Vĩ thì Văn Hải là người có năng khiếu đặc biệt nhất, từ ngón đờn, tay khảy, bộ nhịp rất chắc, có những nét giống thầy một cách ngẫu nhiên, nên Văn Vĩ coi Văn Hải như con. Ở nhà thầy Văn Vĩ không lẽ nói mình tên Cu, khi thầy hỏi tên, Văn Hải nhớ tên ba má đặt hồi mới sanh là Hải, vì khó nuôi phải lựa tên xấu để tránh ma tà, nên nói tên Hải, thầy khen tên hay và đặt tên là Văn Hải, ý thầy muốn sau nầy con phải đờn như vũ bão, như sóng cuồng đại dương, quả nhiên sau nầy Văn Hải trở thành tay đờn dữ dội, lưu lại nhiều giai thoại khi còn ở tuổi thiếu niên.

Sau năm 1975, Văn Hải đờn cho một số gánh hát nhỏ, rồi về quê nhà đi chơi đờn ca tài tử. Thầy Văn Vĩ giới thiệu Văn Hải đờn cho đài Tiếng nói nhân dân TP, cùng với Minh Thảo đờn Kim, Thanh Hồng đờn cò, gáo. Năm 1981, Văn Hải cùng danh cầm đờn kìm Duy Trì (thầy của nhạc sĩ Văn Dần) một người em kết nghĩa của Văn Vĩ, cây đờn kìm có bộ nhịp siêu đẳng nổi tiếng trong giới đờn ca, một cao thủ mà Văn Vĩ rất nể nang, hai chú cháu Văn Hải - Duy Trì đã để lại cho đời 3 câu vọng cổ trong bản hòa tấu Trăng Thu Dạ Khúc, vọng cổ 4, 5, 6 dây xề kép bất hủ, xứng danh một trong những bài đờn hay nhất, độc đáo mang dấu ấn tài năng của danh cầm Duy Trì và sự bay bổng của Văn Hải khi mới vừa 27 tuổi. Kỹ thuật nhấn nhá tuyệt vời, sự tung hứng, ăn ý của một danh cầm thượng thặng và tay đờn trẻ đang lên. Nhiều nhạc sĩ rất khó hòa tấu với Duy Trì bởi ông có bộ nhịp thuộc hàng quái chiêu, ngay cả Văn Vĩ cũng đã từng nếm mùi với người đàn em tài hoa này. Nhờ bộ nhịp chắc bẩm sinh, Văn Hải đã cùng nhảy múa trên cung bậc của cây đờn guitar phím lõm với hàng sư thúc bậc thầy. Ba câu hòa tấu này hiện nay có thể nghe để thưởng thức chớ muốn đạt trình độ nghệ thuật như vậy, nhiều cây đờn trẻ vô cùng thán phục bậc đàn anh. Văn Hải đã từng đờn qua cho các đoàn cải lương Văn Công Thành Phố, Trúc Giang, Huỳnh Long - Minh Tơ. Năm 1990, đờn cho hãng dĩa Việt Nam, đến năm 1992 thì cộng tác với hãng băng Vafaco, đờn chánh cho hầu hết tất cả những hãng băng nhạc cải lương trong nước cũng như hải ngoại. Tính đến nay, có thể Văn Hải là nhạc sĩ đờn guitar phím lõm có kỷ lục vô tiền khoáng hậu về số lượng chương trình đã được phát hành, trên một ngàn chương trình tân cổ giao duyên, karaoke phát hành trong nước và nước ngoài, trên hai ngàn chương trình tuồng cải lương CD đến DVD.

Văn Hải là điển hình cho sự sửa sai ngoạn mục, một tấm gương để cho các cây đờn guitar trẻ hiện nay, có thể lấy đó mà rút kinh nghiệm. Văn Hải là số ít trong các danh cầm guitar hàng đầu ở Việt Nam. Có ngón đờn rất lanh, rất chắc, có thể chuyền chạy nhanh mà vẫn rõ vẫn chín không hề vấp váp, bộ nhịp thì khỏi chê thuộc về hàng cao thủ, vốn liếng về bài bản tài tử đủ sức để nhập cuộc với những cuộc chơi lớn thâu đêm suốt sáng. Biết mình ngón hay nhịp chắc, nên hồi nhỏ Văn Hải đờn rất láo cá, thích chọc phá cho bạn đờn chung với mình rớt, những cuộc hòa đờn với những bậc đàn anh, chú bác, có nhiều người đã bị Văn Hải cho ra rìa nên trong giới biết Văn Hải có tài nhưng không thích đờn chung. Trên sân khấu cải lương cũng vậy, Văn Hải hay đờn độc, khó nhịp, có nghệ sĩ tài danh không ưa Văn Hải đờn đến nỗi vào phòng thu thấy Văn Hải ngồi đờn là bỏ đi về. Trước năm 1990, hầu như Văn Hải bị cô lập, nản chí Văn Hải đã bỏ về quê tính giải nghệ luôn, không màn tới việc đờn ca gì nữa. May mắn sao, còn có nhạc sĩ Thái An, con trai của danh cầm đờn kìm Năm Vĩnh là người rất giỏi về cổ nhạc, tân nhạc. Thái An rất mê tiếng đờn của Văn Hải, rất phục tài năng của Văn Hải. Lúc này trên thị trường băng đĩa cải lương, danh cầm Văn Giỏi là số 1, chưa có đối thủ xứng tầm. Thái An muốn chọn một nhạc sĩ khác trẻ hơn, tài năng, có phong cách đờn khác Văn Giỏi. Vì là học trò chân truyền của Văn Vĩ nên Văn Hải vẫn có thể đứng riêng tạo ra một phong cách đờn khác vừa kế tục tiếng đờn của Văn Vĩ, đồng thời có sự sáng tạo, phát triển thêm của mình. Thái An như Lưu Bị đi tìm Gia Cát Khổng Minh, những góp ý thẳng thắn của Thái An về cách đờn của Văn Hải nếu muốn tồn tại và đi lên thì phải đờn cho người ta mê, cho nghệ sĩ thích chớ đờn hiểm đờn độc phá phách người khác, khoe tài thì nên ở nhà đờn cho mình nghe. Đối với Văn Hải chuyện đó không khó. Đờn độc đờn hiểm mới khó chớ đờn hiền, đờn ru thì như lấy đồ trong túi. Từ chỗ đờn phá nghịch ngợm, Văn Hải chuyển lại đờn mùi, đờn nuôi nghệ sĩ, đờn hòa quyện với những bạn đờn. Năm 1992, Văn Hải tái xuất lại ở hãng băng Vafaco với một phong cách đờn khác quyến rũ hơn, mềm mại hơn để trở thành một kỷ lục gia về số lượng chương trình đã thu, phát hành từ trong nước ra đến nước ngoài, tiếng đàn của Văn Hải đã vượt qua biên giới Việt Nam, đến với thính giả kiều bào, xứng đáng là người học trò có đủ tầm cỡ để phát triển trường phái đờn của vua đờn guitar phím lõm Văn Vĩ. Danh cầm Văn Hải vừa đờn băng đĩa rất hay, nhưng cũng là tay chơi đờn ca tài tử cự phách, thường các tay đờn cải lương chỉ hay có một mặt, có người đờn sân khấu rất hay nhưng chơi đờn ca tài tử thì không bằng ai và ngược lại, có người chơi đờn ca tài tử rất giỏi nhưng đờn sân khấu, thu băng thì chỉ thường thường bậc trung. Văn Hải là trường hợp ngoại lệ, giỏi cả hai phong cách chơi đờn từ sân khấu, băng đĩa đến đờn ca tài tử. Hiện nay, những tay đờn guitar phím lõm trẻ hầu như chỉ học đờn theo hai phong cách đờn, một của Danh cầm NSƯT Văn Giỏi, hai là danh cầm Văn Hải. Ngày trước Văn Giỏi, Văn Vĩ như một văn một võ, ngày nay Văn Hải nối nghiệp thầy cũng trở thành một võ tướng trong hệ đờn guitar phím lõm. Nhắc lại những sai lầm của mình trong quá khứ, Văn Hải muốn nhắn nhủ lại với các tay đờn đàn em, khi đã đủ bản lĩnh đờn có nghĩa là chắc nhịp, ngón hay, tay đánh giỏi, có thể điều khiển tiếng đàn theo ý muốn của mình thì vẫn có thể múa may, quay cuồng, nhưng đó không phải là nghệ thuật đỉnh cao. Đờn hay là đờn ru người để người nghe, người hát, người hòa đờn mê say lịm hồn qua những cung bậc trữ tình da diết. Đờn mùi, đờn ngọt mới khó. Văn Hải nói: “NSƯT Văn Giỏi chính là tay đờn thượng thừa đạt đến trình độ ru người số 1”. Văn Hải vẫn luôn dành sự thương mến, kính trọng với bậc đàn anh tài hoa. Đó cũng là nét đẹp, nét ứng xử rất văn hóa của những danh cầm. Hiện nay, Văn Hải vẫn đắt show đờn cho các album của những nghệ sĩ trẻ, những giọng ca mới, vẫn đi đờn show ở các đám tiệc, mỗi tuần có 3 buổi dạy cho các học trò, có một trang web dạy đờn trên mạng. Giật mình nhớ lại, tuổi đời đã 60 rồi, không còn trẻ nữa, mong sao sẽ có nhiều tay đờn guitar phím lõm trẻ tài năng tiến lên. Sự thành công của Văn Hải chính là sự khổ luyện, chịu khó không bao giờ bằng lòng với chính mình, năng khiếu chỉ là một phần, rèn luyện học hỏi mới là yếu tố quyết định sự tiến lên. 

Đăng Minh

Nhận xét

Bài phổ biến

Tiểu Sử Tấn Giao

Tiểu Sử Hữu Lợi

Tiểu Sử Vương Linh

Tiểu Sử Hà Mỹ Xuân

Tiểu Sử Ngọc Bích

Té ngã vỡ mạch máu não, nghệ sĩ Thanh Thế nguy kịch

Tiểu Sử Ngân Tuấn

Tiểu Sử Xuân Yến

Tiểu Sử Kép Độc Trường Xuân

Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương